Trung đoàn 261 là đơn vị chủ công của phòng không ta, với thành tích bắn rơi máy bay B-52 nhiều nhất với 12/34 chiếc trên tổng số trong suốt chiến dịch.
Cuối năm 1967, khi đang biên chế trong đội hình của Trung đoàn Tên lửa Phòng không 261 mới được thành lập, chúng tôi may mắn được sang Liên Xô học tập. Đây là thời kỳ Mỹ đang mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc Việt Nam, vì thế chúng tôi phải đi ô tô vào ban đêm để tới Đồng Đăng, Lạng Sơn và từ đó lên tàu hỏa qua cửa khẩu sang ga Bằng Tường, Trung Quốc đi tàu hỏa liên vận sang Liên Xô.
Sau 5 ngày đêm hành trình qua đất nước Trung Quốc rộng lớn, ngày 2.12.1967, chúng tôi đã đến ga Zabaikan - ga biên giới Xô - Trung. Tại đây chúng tôi được đoàn cán bộ của Trung tâm Huấn luyện thuộc quân khu Bacu chờ đợi và đón tiếp.
Trung đội phiên dịch thuộc Ban Tham mưu Trung đoàn Tên lửa phòng không 261 (ảnh chụp năm 1968).
Mặc dù ngày đó cách đây đã tròn nửa thế kỷ, song trong tâm trí của tôi vẫn hiện lên rất rõ bức tranh ngày đầu tiên chúng tôi đặt chân lên quê hương Cách mạng tháng Mười. Đoàn tàu của chúng tôi dừng lại tại một ga cách ga biên giới Xô-Trung không xa và các đơn vị theo từng Đại đội lần lượt được dẫn đến một nhà tắm công cộng. Chúng tôi ai cũng ngượng ngùng khi được nhân viên y tế Liên Xô yêu cầu cởi bỏ toàn bộ quần áo để bạn kiểm tra nhanh các bệnh ngoài da trước khi vào nhà tắm.
Tại đây, chúng tôi cũng được các nhân viên của nhà tắm ân cần cấp phát xà phòng, khăn tắm, 2 bộ quần áo ấm, mũ lông, tất len và hướng dẫn cách sử dụng vòi nước nóng lạnh. Với sự quan tâm quá chu đáo đó, hàng trăm cán bộ chiến sĩ đều cảm thấy như khỏe ra dù ngoài trời đang dưới âm độ. Chúng tôi được sưởi ấm không chỉ bởi những bộ trang phục chống rét mới được cấp phát mà còn bởi tình cảm của những người con của quê hương Cách mạng Tháng Mười.
Chín ngày đêm trên đoàn tàu đặc biệt, chúng tôi luôn được các nhân viên đường sắt Liên Xô ân cần chăm sóc. Khi biết nhiều chiến sĩ trong đoàn chúng tôi chưa quen với các món ăn của Liên Xô, Trưởng đoàn Trung tâm huấn luyện đã chủ động bàn với Lãnh đạo đơn vị chúng tôi cho người xuống toa Restaurant hướng dẫn các đầu bếp Liên Xô cách nấu cơm Việt Nam. Thế là một số "anh nuôi" trong đoàn chúng tôi có dịp cùng với các bạn Liên Xô chuẩn bị những bữa cơm trên tàu hợp với khẩu vị những hành khách chưa quen với "bánh mì + bơ + sữa".
Trung tá Ivanov Aleksandr - giáo viên về đạn tên lửa.
Ban đêm, các nhân viên phục vụ ở mỗi toa xe thay nhau đi kiểm tra xem trong chúng tôi có ai bị chăn tuột khỏi người, đặc biệt đối với những "hành khách " nằm ở tầng trên cùng. Nhờ đó, mặc dù gần nửa tháng chúng tôi sinh hoạt trên tàu với quãng đường hàng chục ngàn ki lô mét, song khi đến Trung tâm huấn luyện, gần như 100% cán bộ chiến sĩ trong đơn vị đều có mặt trong buổi khai giảng khóa học.
Là người làm công tác phiên dịch, tôi thấy rõ lòng nhiệt tình và trách nhiệm của những người thầy giáo Liên Xô mặc áo lính. Một số đồng chí phiên dịch mới được điều động từ năm thứ 3 của Trường Đại học sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, nên gặp khó khăn khi dịch các cụm từ kỹ thuật chuyên dụng.
Đứng trước tình hình đó, nhiều giáo viên Liên Xô đã tình nguyện làm việc trong giờ tự học của học viên với lý do là phụ đạo cho học viên để đồng chí phiên dịch có điều kiện đọc giáo án của ngày hôm sau mà giáo viên đã chuẩn bị trước đó một tuần. Vì theo nguyên tắc bảo mật, giáo viên cũng như học viên không được giữ tài liệu ngoài giờ học tập trên lớp. Sau giờ học, kể cả tự học, các tài liệu đều được tập trung trong một valy và gửi vào thư viện bảo mật của Trung tâm huấn luyện.
Nhờ những buổi "làm việc ngoài giờ" như trên của giáo viên nên chất lượng dịch mỗi ngày mỗi tốt lên, các học viên nhanh tiếp thu phần lý thuyết, rút ngắn được thời gian giảng lý thuyết và tăng thêm thời gian thực hành. Do vậy mà cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Tên lửa Phòng không 261 được đào tạo tại xứ sở Bạch Dương có kiến thức sâu hơn, vững hơn.
Nhằm không ngừng nâng cao thể lực và động viên tinh thần cán bộ chiến sĩ - học viên, lãnh đạo Trung tâm huấn luyện rất tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thể thao văn hóa. Hàng tuần đều có các cuộc thi đấu bóng đá, bóng chuyền giữa các đội là học viên Việt Nam với các đội gồm hạ sĩ quan và binh sĩ quân đội Liên Xô đang phục vụ trong Trung tâm huấn luyện.
Theo đề nghị của lãnh đạo Trung tâm huấn luyện, Tư lệnh Quân khu Phòng không Bacu đã có ý kiến với Cục Điện ảnh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Azerbaizan hàng tuần cho Trung tâm huấn luyện mượn những bộ phim thời sự và phim truyện Việt Nam. Nhờ đó, các tối thứ bảy và có khi cả ngày chủ nhật chúng tôi đều được xem phim Việt Nam, kể cả báo Nhân dân và báo Quân đội Nhân dân vẫn có trong phòng câu lạc bộ ở mỗi Tiểu đoàn. Chúng tôi cũng nhận được thư của gia đình gửi theo hòm thư của đơn vị. Để đảm bảo bí mật, các thư gửi đi đều qua kiểm duyệt.
Tình đoàn kết giữa thầy và trò, giữa các cán bộ và chiến sĩ quân đội Liên Xô và Việt Nam. (Ảnh chụp năm 1968 tại Trung tâm Huấn luyện ngoại ô thành phố Bacu, nước CHXHCN Azerbaijan).
Với khí thế học tập và sinh hoạt ngoại khóa nêu trên, chương trình học tập đã kết thúc với thành tích bắn đạn thật xuất sắc. Đồng chí Đại tá Nurbatov, Trưởng Trung tâm huấn luyện nói với đồng chí Thiếu tá Đỗ Thế Nhân, Trung đoàn trưởng lúc bấy giờ: "Chúc mừng các đồng chí Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam. Đây là một kết quả bắn đạn thật ít khi đạt được trên trường bắn quốc tế này. Chúc các đồng chí sẽ giành được thắng lợi xuất sắc như thế khi về bắn máy bay Mỹ ở Việt Nam". Khi sinh thời, Thiếu tướng Đỗ Thế Nhân thường nhắc lại những kỷ niệm đó cho chúng tôi nghe mỗi khi về họp mặt nhân ngày thành lập Trung đoàn.
Ngày chia tay những người thầy, người đồng chí ở Trung tâm huấn luyện để lên tàu về nước đối với chúng tôi là một thời khắc buồn vui lẫn lộn. Có rất nhiều bà, nhiều chị là mẹ, là vợ của các giáo viên đã đem theo các cháu nhỏ ra tận xe tiễn chúng tôi. Họ bịn rịn dúi vào tay chúng tôi những gói kẹo, gói đường viên, hộp sữa, những chiếc bánh mì ngọt và cầu chúc chiến tranh sớm kết thúc ở Việt Nam, mong sao chúng tôi và gia đình được sum họp và bình an.
Trên đường trở về Tổ quốc, để đánh lạc hướng tình báo địch, đoàn tàu của chúng tôi dừng ở nhiều địa điểm khác nhau và với thời gian cũng khác nhau. Một hình ảnh rất cảm động khi tàu dừng ở một nhà ga tôi không nhớ địa danh, chỉ còn nhớ nơi này thuộc nước Cộng hòa XHCN Uzbekistan, nằm ở phía nam Liên Xô cũ, chính quyền địa phương đã tổ chức cuộc mít tinh chào mừng và tiễn các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam ra mặt trận. Nhiều bà mẹ dúi vào tay chúng tôi những xiên chả nướng bọc trong túi ni-lon, ôm chúng tôi khóc và chúc chúng tôi phải đánh thắng Mỹ để "đất nước các con được thanh bình như Liên Xô".
Tác giả và chuẩn úy chuyên nghiệp Karetnikov Konstantin, giáo viên thực hành môn nhiên liệu cho đạn tên lửa.
Thật cảm động nhất và phấn khởi khi về nước triển khai đội hình chiến đấu, trong đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô sang Việt Nam làm cố vấn cho đơn vị chúng tôi, có đồng chí từng là giáo viên thời chúng tôi học tập trên đất bạn. Đó cũng là động lực làm nên chiến công trong trận đầu ra quân vào ngày 21.9.1968 - bắn rơi một máy bay Mỹ. Đặc biệt là trong chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên phủ trên không" tháng 12.1972, Tiểu đoàn 59 Trung đoàn Tên lửa Phòng không 261 là đơn vị bắn B52 đầu tiên rơi tại Phủ Lỗ, Đông Anh, Hà Nội lúc 20h 13 phút ngày 18.12.1972. Trung đoàn 261 là đơn vị chủ công, với thành tích bắn rơi máy bay B52 nhiều nhất (12/34 chiếc tổng số trong chiến dịch).
Hiện nay Trung đoàn Tên lửa Phòng không 261 làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời khu vực miền Đông Nam bộ. Chúng tôi được biết, cán bộ, chiến sỹ trung đoàn vẫn luôn giữ gìn, phát huy truyền thống vẻ vang của thế hệ cha anh.
Riêng với thế hệ chúng tôi, đều đã nghỉ công tác nhưng vẫn luôn dõi theo sự trưởng thành và những chiến công của Trung đoàn Tên lửa Phòng không 261. Chúng tôi còn giữ mãi những kỉ niệm và tình cảm với đất nước và con người Xô-viết, những người thầy, người bạn từng giúp chúng tôi nắm vững và sử dụng thành thạo thứ vũ khí hiện đại, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước.