TTVH Online

Chứng khoán “thăng hoa”, công ty môi giới cũng lãi đậm

Phong Cầm 01/02/2018 18:30 GMT+7

Năm 2017, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong hơn một thập kỷ cả về giá trị giao dịch và điểm số. Đà tăng này của thị trường khiến nhiều công ty chứng khoán “hái” quả ngọt với kết quả kinh doanh tăng từ 20% - 80% so với năm 2016.

Cụ thể, TTCK Việt Nam kết thúc năm với chỉ số VN-Index đạt 984,24 điểm, tăng 48% so với năm trước, mức tăng cao nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Thanh khoản bình quân mỗi phiên cũng đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2016. Kết quả này giúp cho doanh thu của các công ty chứng khoán (CTCK) tăng vượt bậc.

Các CTCK đang có một năm kinh doanh đầy "quả ngọt" (Ảnh: IT)

“Soi” kết quả kinh doanh các công ty chứng khoán

Là đơn vị dẫn đầu tại cả 2 sàn giao dịch HoSE và HNX với thị phần môi giới lần lượt là 13,69% và 11,4%, CTCK Sài Gòn (SSI) đạt doanh thu cả năm 2.957 tỷ đồng, tăng 19% và 1.278 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 20,5%. Lũy kế cả năm 2017, SSI đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 1.390 tỷ, vượt kế hoạch trên 31%; lãi sau thuế 1.054 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của SSI kể từ khi thành lập đến nay.

Cũng có kết quả kinh doanh khá ấn tượng là CTCK TP.HCM (HSC). Theo ghi nhận, doanh thu năm 2017 của HSC đạt 1.540 tỷ đồng, tăng 87% so với cả năm 2016 và vượt 52% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế lũy kế cả năm 2017 đạt 554 tỷ đồng, tăng 82% so với năm 2016.

Một “ông lớn” khác là CTCK VNDIRECT (VND) cũng có kết quả kinh doanh cực tốt. Cụ thể, doanh thu năm 2017 của VND đạt 1.235 tỷ đồng (tăng 67%) nhờ các hoạt động cho vay margin, môi giới đều tăng vọt. Kết quả này đã mang về cho VND 438,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 135% so với năm trước.

Hàng loạt các CTCK có quy mô nhỏ hơn cũng gặt hái “quả ngọt” trong năm 2017 nhờ đà tăng trưởng mạnh của TTCK. Chẳng hạn, CTCK FPT (FTS) ghi nhận mức lợi nhuận ròng cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây với 179 tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch.

Tương tự, CTCK ACB cũng báo cáo doanh thu năm 2017 đạt 476,4 tỷ đồng, tăng 14%; Lợi nhuận sau thuế đạt 134 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2016.

Hoặc, CTCK Rồng Việt (VDSC) cũng ghi nhận doanh thu đạt 366 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 138 tỷ đồng, vượt 38,34% kế hoạch và tăng 125% so với kết quả thực hiện được năm 2016...

Theo tìm hiểu của Dân Việt, chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu của các CTCK là hoạt động môi giới, sau đó là hoạt động cho vay margin và đầu tư chứng khoán. Chẳng hạn, tại HSC, doanh thu từ nghiệp vụ môi giới đạt trên 601 tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2016; doanh thu từ các hoạt động cho vay margin là 439 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ và doanh thu từ hoạt động đầu tư  đạt 428 tỷ đồng, tăng 332% so với năm trước.

Tương tự, tại SSI, doanh thu từ hoạt động môi giới đạt 781,8 tỷ đồng, tăng 103,9%; lãi từ cho vay trên 519,6 tỷ đồng, tăng 21%; lãi từ các khoản đầu tư là 450,8 tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm 2016.

Trong khi đó, dù không nằm trong nhóm nắm thị phần lớn nhưng doanh thu môi giới của FTS và VDSC cũng rất ấn tượng. Cụ thể, tại VDSC, doanh thu từ môi giới đạt 87 tỷ đồng, tăng 77% so với năm trước; trong khi con số này tại FTS là 39,6 tỷ đồng, tăng trưởng 51%.

Theo phân tích của giới chuyên gia tài chính, hiện nay, doanh thu hoạt động môi giới của các CTCK được tính trên giá trị giao dịch của nhà đầu tư. Tỷ lệ này ở mỗi công ty là khác nhau nhưng dao động quanh mức 0,25% - 0,4% đối với giao dịch cổ phiếu. Như vậy, với mức tăng trưởng thanh khoản 40% giá trị tới hơn 1 triệu tỷ đồng năm 2017, các CTCK có thể thu về từ 2.500 tỷ đồng - 4.000 tỷ đồng với hoạt động môi giới.

“Chiếc bánh” chia không đều

Mặc dù TTCK đã có bước đột phá khi bước qua 1 tháng đầu năm 2018, tuy nhiên theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cuộc cạnh tranh trong khối CTCK năm 2018 sẽ “nóng” hơn. Các công ty lớn sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn để củng cố và gia tăng vị thế hàng đầu của mình, còn các CTCK quy mô nhỏ sẽ phải nỗ lực tìm cách tồn tại nếu không muốn bị đào thải khỏi thị trường.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho rằng trong năm 2017, hoạt động tái cấu trúc các CTCK đã được đẩy mạnh. Nhờ đó, hết năm 2017 đã giảm được khoảng 25% tổng số CTCK, số công ty đang hoạt động bình thường chỉ còn 79.

“Bước sang năm 2018, hoạt động tái cấu trúc các CTCK sẽ tiếp tục được thúc đẩy theo lộ trình mạnh hơn, đòi hỏi các CTCK nhỏ phải nỗ lực cải thiện mình nếu không muốn bị đào thải”, ông Dũng nói.

Thực tế, trên thị trường các CTCK lớn ngày càng lớn hơn và cơ hội “bành trướng” là cực kỳ rõ ràng khi các doanh nghiệp này liên tục củng cố năng lực quản trị, tài chính... để chiếm phần lớn miếng bánh thị phần. Điều này được chứng minh khi TTCK phái sinh được đưa vào hoạt động vào nửa cuối năm 2017 vừa qua. Theo đó, chỉ có 7 CTCK được cấp phép tham gia thị trường phái sinh gồm: HSC, SSI, BSC, VNDS, MBS, VCSC, VPBS; do các công ty này đáp ứng các chỉ tiêu điều kiện mà phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra.

Với mức bình quân khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 trong tháng 12.2017 vừa qua đạt 15.700 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch đạt hơn 1.700 tỷ đồng/phiên, mang lại mức phí giao dịch không nhỏ cho 7 công ty được cấp phép này.

Ngoài ra, theo dự kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong quý I.2018 sẽ triển khai sản phẩm chứng quyền có đảm bảo và tháng 8 - 9.2018 triển khai Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ. Đồng thời, trong năm 2018, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cũng sẽ nghiên cứu nghiệp vụ giao dịch chứng khoán trong ngày (T+0) và bán chứng khoán chờ về... Với các sản phẩm này, dư địa kiếm tiền đang rộng mở hơn cho các CTCK lớn có lợi thế về chất lượng nguồn nhân lực, năng lực tài chính…

Quốc Hải
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN