Vụ cuối năm, người nuôi cá đặc sản trong lồng bè ở tỉnh Đồng Nai hốt bạc, ăn Tết to bởi giá bán tăng từng ngày...Nhiều loại cá đặc sản như chạch quế, cá hô, cá trắm đen...rất hút hàng những ngày giáp Tết...
Thêm nhiều loài cá đặc sản mới
Năm nay, làng cá bè Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa (Đồng Nai) có thêm một số loại cá đặc sản mới cung cấp ra thị trường, như: cá hô, cá quế, cá trắm đen...Ông Tống Văn Sỹ- nông dân đi tiên phong nuôi cá đặc sản tại làng cá bè xã Hiệp Hòa cho biết, vụ tết năm nay gia đình ông cung cấp khoảng 10 tấn cá đặc sản các loại ra thị trường, trong đó có các loại cá đặc sản đầu tiên có mặt trên thị trường như: cá hô, cá trắm đen nổi tiếng của làng Vũ Đại (tỉnh Hà Nam).
"Tôi nuôi đặc sản cá hô khoảng 2 năm nay, nhưng vụ tết này là lần đầu tiên có sản phẩm cung cấp ra thị trường. Loài cá này chủ yếu ăn các loại phù sinh ngoài tự nhiên chứ không phải cám công nghiệp nên phải 2 năm mới đạt trọng lượng khoảng 5-6kg/con để xuất bán. Thịt cá hô thơm, ngọt, đặc biệt vảy cá rất giòn nên loài cá này đánh bắt ngoài thiên nhiên vốn nổi tiếng vì giá cao” - ông Sỹ chia sẻ.
Nhiều loại cá đặc sản bán được giá cao vào mùa tết. Giá bán cá đặc sản của các làng bè tỉnh Đồng Nai cận giáp tết ở mức cao. Ảnh: B.Nguyên
Theo ông Sỹ, chi phí mua con giống các loại cá đặc sản trên khá cao, cần thời gian nuôi lâu nhưng cá rất khỏe nên ít rủi ro dịch bệnh, lại ăn thức ăn ngoài thiên nhiên nên không quá tốn chi phí đầu tư. Vì vậy cá hô nuôi dù bán với giá rẻ hơn hẳn cá đánh bắt tự nhiên thì lợi nhuận vẫn rất tốt...
Ông Vũ Đình Đàm, Giám đốc Hợp tác xã thủy sản du lịch sinh thái Làng Bè, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa, vui vẻ khoe: “Tết này chúng tôi có nhiều loại cá đặc sản mới phục vụ thực khách do các bè cá của xã viên Hợp tác xã nuôi, như: cá quế, cá hô, cá trắm đen, chạch quế... Riêng đặc sản cá chép giòn cũng rất được giá vì sản lượng giảm nhiều so với năm ngoái...Vụ cá cuối năm, nông dân nuôi cá đặc sản xã Hiệp Hòa ăn Tết to...".
Cũng theo ông Đàm, thời gian tới, gia đình ông sẽ đưa vào khai thác tour du lịch đường sông với các dịch vụ ăn uống đặc sản cá sông, đến tận bè tham quan quy trình nuôi và mua đặc sản không đụng hàng về thưởng thức và làm quà biếu...
Tại các địa phương, mô hình nuôi cá-lúa theo kiểu quảng canh cải tiến cũng đang được nhân rộng vì sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Với mô hình này, cá được nuôi trong ruộng lúa theo kiểu cá đồng với nguồn thức ăn chính từ cây lúa và các loại phù sinh tự nhiên. Các loại cá được nuôi phổ biến, gồm: cá lóc, cá chép, cá trôi, cá trắm... Loại cá nuôi đồng thường có giá tốt hơn cá nuôi trong ao hồ...
Mùa tết cũng là thời điểm các loại cá khô đánh bắt ngoài thiên nhiên rất hút hàng. Đắt hàng, sốt giá nhất là mặt hàng khô cá kìm hồ Trị An với mức tăng gần gấp đôi so với mùa thường. Ngoài ra, các loại cá đánh bắt ngoài thiên nhiên có trọng lượng lớn cũng đang được thương lái và người tiêu dùng săn tìm như: cá lăng, cá chép, cá chèn... đều có mức giá từ 150.000 đồng/kg trở lên. Giá các loại cá này cao hơn ngày thường vì hiện cá ngoài thiên nhiên chưa vào mùa đánh bắt nên nguồn cung khan hiếm...
Trúng mùa cá cuối năm
Năm 2017, lĩnh vực thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai với giá trị sản xuất gần 1.900 tỷ đồng, tăng trên 6,4% so với năm ngoái. Vụ cuối năm, nông dân nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi các loài cá đặc sản nước ngọt càng trúng mùa vì nhiều mặt hàng tăng giá.
Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Khu du lịch sinh thái Làng Bè, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa (Đồng Nai) có đặc sản cá chạch quế phục vụ thực khách.
Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, thị trường thủy sản rất đa dạng vì có sự góp mặt của một số cá đặc sản mới, nguồn hàng dồi dào cung cấp cho thị trường.
Tổng sản lượng thủy sản của Đồng Nai năm 2017 đạt trên 56.000 tấn, tăng hơn 5,4% so với cùng kỳ. Trong đó, mặt hàng có sản lượng tăng cao nhất là con tôm với mức tăng 8%. Mùa cuối năm, càng cận Tết nông dân nuôi tôm càng phấn khởi vì vừa được mùa vừa được giá.
Ông Hoàng Văn Bính, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Trà Cổ, xã Trà Cổ, huyện Tân Phú (Đồng Nai),-vùng đất nổi tiếng về con tôm càng xanh, cho biết: “Vụ thu hoạch năm nay, sản lượng tôm càng xanh cung cấp ra thị trường tương đương năm ngoái, nhưng lợi nhuận của nông dân tăng nhờ giá tôm cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với năm trước. Tuy đã vào cuối vụ, những ao còn tôm, chúng tôi vẫn tổ chức đánh bắt đều đều để phục vụ người tiêu dùng dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018...”.
Sau đợt giảm giá sâu vào những tháng đầu năm 2017 khiến người nuôi cá điêu đứng, vào những tháng cuối năm , giáp Tết, mặt hàng này đã khôi phục lại mức giá, trong đó một số loại cá được ưa chuộng có giá bán cao vào dịp Tết.
Theo nông dân nuôi cá nước ngọt tại 2 vùng nuôi tập trung đông của tỉnh Đồng Nai là làng nuôi cá bè xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) và khu nuôi cá bè tại xã La Ngà (huyện Định Quán), mặt bằng chung của giá các loại cá nước ngọt đã khôi phục từ nhiều tháng qua. Mùa tết chỉ một số loại cá được tiêu thụ mạnh như: cá chép, cá lăng...là tăng giá. Thương lái thường chỉ chuộng mua cá có trọng lượng lớn. Cụ thể, cá chép bán tại bè hiện giá bán dao động từ 45-50.000 đồng/kg, cá lăng 55-60.000 đồng/kg...