Đến xã Tà Nung, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hỏi thì không ai không biết ông Phạm Văn Tài – Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xã Tà Nung. Ông nổi tiếng bởi sự mạnh dạn và quyết đoán trong làm nông nghiệp, người tiên phong trong việc đưa hệ thống tưới nhỏ giọt vào trồng hoa đồng tiền ở Tà Nung.
Rời quê để lập nghiệp
Dẫn phóng viên đi thăm gian nhà kính rộng 7.000 m2, ông Tài nhớ lại: “Vào Lâm Đồng từ năm 2008, sau khi để vợ con ở lại mảnh đất Hưng Yên, tôi mua hơn hai sào cà phê để làm, nhưng sau đó lại thấy vất vả và năng suất thấp nên đã phá bỏ cà phê rồi quyết trồng hoa đồng tiền để làm giàu”.
Lão nông Phạm Văn Tài bên vườn hoa đồng tiền. Ảnh: L.N
Nhiều năm ở Hưng Yên trồng rau, nên sau khi đi những bước đầu trong ngành hoa tại thủ phủ của các loài hoa, ông Tài tỏ ra khá nhanh nhạy, nắm được các yêu cầu kỹ thuật cũng như cách chăm sóc hoa đồng tiền. Đến năm 2010, ông Tài đã đón vợ cùng các con vào Lâm Đồng để cùng trồng hoa và đã làm được những gian nhà kính đầu tiên.
Cùng thời gian đó, ông đã “lân la” đến các nhà vườn trồng hoa lâu năm ở làng hoa Vạn Thành để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật cũng như cách chăm sóc cho cây hoa đồng tiền. Đến nay, lão nông đã là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xã Tà Nung, được đi tham quan nhiều mô hình và dự các lớp tập huấn sẽ giúp ông vững vàng về kiến thức để truyền lại cho các thành viên trong chi hội của mình vươn lên làm ăn chính đáng.
Tiên phong trong áp dụng công nghệ
Hiện tại, mỗi ngày gia đình ông Tài thu hoạch trên 6.000 cành hoa đồng tiền, những ngày lễ tết có thể lên đến mười ngàn cành. Những ngày bình thường giá hoa chỉ khoảng 1 ngàn đồng/cành thì mỗi tháng gia đình ông cũng thu về 100 triệu đồng khi đã trừ hết các chi phí, chăm sóc, thuốc, phân…
“Để cây hoa cho năng suất và chất lượng, kỹ thuật chăm sóc chúng cũng khá đơn giản, chỉ cần tỉ mỉ là có thể nhẹ nhàng kiếm tiền, không vất vả như làm các loại cây công nghiệp hay hoa màu khác”, lão nông Phạm Văn Tài chia sẻ. |
Chi hội trưởng Phạm Văn Tài cho hay, để cây phát triển tốt nhất trong quá trình xuống giống đến khi thu hoạch xong, người làm hoa đừng tiết kiệm quá mà hãy đầu tư bài bản. Với 1.000 m2 người dân cần làm sạch cỏ rồi bỏ 600 bao phân dê, 300 bao phân bò. Tiếp theo, cần san đều phân hữu cơ ra sau đó cho máy xới vào xới đều sau từ 25 – 30 cm. Cuối cùng là san phẳng, lên luống và xuống giống.
Để cây phát triển tốt nhất, người trồng cần đánh luống rộng khoảng 1 m, các luống cách nhau 40 cm, trong đó mỗi luống có thể trồng từ ba đến bốn hàng. Với cách làm như vậy, ông Tài đã có hoa bói từ tháng thứ 3 kể từ khi xuống giống. Các ngày 1, 10, 20 trong tháng cần phun thuốc phòng các bệnh như phấn trắng, nhện đỏ, sâu vẽ bùa hay đốm mắt cua. Theo ông, các loại sâu bệnh hại này sinh sản theo chu kì 10 ngày nên người dân cần phun phòng chứ không phun chữa.
Hiện tại, gia đình ông áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, với công nghệ tưới này gia đình ông đỡ được rất nhiều chi phí về thuốc, nhân công, thời gian…đặc biệt vườn rất ít cỏ sẽ giúp người trồng nhàn nhã hơn. Hệ thống nhà kính của ông làm hoàn toàn bằng tre, không làm bằng giàn sắt. Bởi theo ông nếu địa hình đất không bằng phẳng, lộng gió, nếu có gió to thì giàn sắt sẽ bị tốc mái. Nhưng nếu làm bằng tre thì giàn mái sẽ có độ “giãn”, không như giàn bằng sắt, cứng và không thể chịu được nếu gió quá to.
Bên cạnh bán hoa, hiện tại ông đã được cấp chứng chỉ du lịch canh nông của thành phố Đà Lạt, ông Phạm Văn Tài đã chủ động liên kết với các công ty du lịch để đưa khách về tham quan. Sắp tới, ông Tài dự định sẽ ký hợp đồng để đưa hoa xuất khẩu sang Trung Quốc với giá cao hơn trong nội địa, nhưng chất lượng hoa ông sẽ phải cải thiện cao hơn, đường kính cần 13 cm, cao trên 55 cm. |