TTVH Online

Nã tên lửa Syria, Trump để lộ điểm yếu trước Kim Jong-un?

Phong Cầm 18/04/2018 18:55 GMT+7

Đợt không kích Syria ngày 14.4 của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm phô trương sức mạnh, nhưng có thể gây phản tác dụng trước các đối thủ khác như Triều Tiên.

Nã tên lửa Syria, Trump để lộ điểm yếu trước Kim Jong-un.

Năm 2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó từng có kế hoạch tấn công Syria, để đáp trả hành động sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Nhưng ông Obama không muốn tấn công quy mô nhỏ, theo cách không để Iran hay Nga phản ứng.

Sau khi lên nắm quyền ông Trump đã 2 lần làm điều mà ông Obama quyết định không làm. Nhưng đợt không kích hôm 14.4 chỉ càng làm tổn hại uy tín của Mỹ trên trường quốc tế, đặc biệt là phản tác dụng với Triều Tiên, theo Fox News.

Marc Thiessen, chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) cho rằng, cuộc không kích của Mỹ, Anh, Pháp nhắm vào Syria cuối tuần trước chỉ là hành động phô trương sức mạnh mang tính biểu tượng, đủ “để không bị chê cười".

Đợt không kích bằng 105 quả tên lửa không đánh trúng tiêm kích, sân bay hay bất cứ bệ phóng nào của quân đội Syria. Không có thông tin về người chết tại hiện trường, chứng tỏ chính quyền Damascus đã có đủ thời gian sơ tán ba mục tiêu được coi là cơ sở tàng trữ và sản xuất vũ khí hóa học.

Đợt không kích bằng 105 tên lửa của Mỹ, Anh và Pháp không gây thiệt hại về người.

Sáng ngày hôm sau, người Syria đổ ra đường ăn mừng như thể họ đã giành chiến thắng, bởi họ biết rằng Mỹ và đồng minh chỉ tung ra đòn tấn công yếu ớt.

Tướng về hưu Jack Keane, cựu phó tham mưu trưởng lục quân Mỹ, tin rằng người Syria có lý do để ăn mừng. “Cách Mỹ đáp trả cáo buộc Syria sử dụng vũ khí hóa học rất yếu. Đó lẽ ra phải là đợt tấn công phủ đầu mạnh mẽ”.

Đợt không kích của Mỹ cũng không làm ảnh hưởng đến chiến dịch giải phóng miền đông Ghouta khỏi tay phe nổi dậy của chính quyền Syria. Đây là một trong những thành trì cuối cùng mà phiến quân còn kiểm soát, kể từ khi cuộc nội chiến Syria nổ ra năm 2012.

Như vậy, đòn đáp trả của Mỹ và đồng minh chỉ càng khiến Syria và Nga, Iran cảm thấy thêm tự tin vào sức mạnh của mình, ông Theissen nhận định. Các đối thủ khác của Mỹ trên toàn cầu như Triều Tiên cũng có thể nhận ra thế yếu của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ra lệnh tấn công Syria.

Thay vì cảnh báo lính Nga rời khỏi các căn cứ nếu không muốn bỏ mạng ở Syria, Washington lại lên kế hoạch để tên lửa không đe dọa đến tính mạng người Nga ở Syria, nhằm tránh nguy cơ đụng độ quân sự giữa hai cường quốc.

Tàu tuần dương tên lửa USS Monterey phóng tên lửa Tomahawk trong đợt tấn công ngày 14.4.

Có vẻ như Nhà Trắng đã phải chịu lùi bước sau khi các quan chức Điện Kremlin phát đi cảnh báo rằng Nga sẵn sàng bắn hạ mọi tên lửa đe dọa đến tính mạng quân nhân của họ ở Syria. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hiểu rất rõ điều này, theo ông Theissen.

Ông Kim có thể sẽ rút ra bài học rằng, nếu ông Trump không dám tấn công sân bay Syria vì lo sợ bị Nga đáp trả thì Mỹ chắc chắn cũng sẽ không dám tung đòn phủ đầu vào cơ sở hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.

Bởi động thái đó sẽ châm ngòi cho đòn trả đũa bằng pháo binh quy mô lớn trút vào thủ đô Hàn Quốc, cũng như khiến đồng minh lớn nhất của Triều Tiên là Trung Quốc tức giận.

Theo chuyên gia Theissen, Mỹ đang đánh dấu bước lùi trong việc ngăn Triều Tiên phát triển tên lửa hạt nhân đe dọa thành phố Mỹ. Sau những gì diễn ra ngày 14.4, năng lực răn đe của Mỹ đang giảm mạnh, chứ không phải được cải thiện.

Như vậy, ông Trump đã vô tình phơi bày điểm yếu trước nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Đây là cơ hội để ông Kim chiếm ưu thế trong cuộc đàm phán với ông Trump vào tháng tới. “Bởi ai cũng hiểu rằng ông Trump đang dọa nhiều hơn là làm”.

Phóng 8 tên lửa không kích Syria, Anh lộ điểm yếu ”chết người”

Năng lực hải quân Anh đang suy yếu đến mức báo động và điều này lộ rõ trong đợt tấn công Syria bằng tên lửa hành...

Đăng Nguyễn - Fox News
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN