Trò chơi "Bịt mắt bắt lợn và nấu cơm thi" trong lễ hội chùa Láng, Hà Nội khiến ai xem cũng phải cười bể bụng, thích thú.
Chùa Láng (hay còn gọi Chiêu Thiền tự) tại làng Láng Thượng (quận Đống Đa - Hà Nội) là ngôi chùa cổ nổi tiếng. Chùa thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, vị danh sư nổi tiếng thời Lý. Hội Chùa Láng được tổ chức vào mùng 8 tháng ba (âm lịch) hàng năm để tưởng nhớ công đức của Thiền sư và là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của cư dân một vùng rộng lớn phía Tây Hà Nội.
Đến ngày hội, người dân cùng Phật tử khắp nơi đã nô nức trở về Chùa Láng để lễ Phật, lễ Thánh và cầu mong những điều tốt đẹp cho gia đình, xã hội. Sau phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian được tổ chức ngoài trời như thi thổi cơm, bịt mắt bắt lợn, đập niêu...mang đậm nét bản sắc truyền thống văn hóa Việt.
Trong cuộc thi nấu cơm, người chơi phải vừa đi vừa gánh theo bếp và niêu, vừa nhảy múa và phải giữ cho lửa cháy đều, vừa dùng đũa đảo cơm.
Để có thể vừa nhảy múa, vừa thổi cơm, người chơi phải thực sự khéo léo và tập trung.
Người chơi tham gia không phân biệt già trẻ, lớn bé, nam hay nữ.
Cuộc thi nấu cơm có không ít đấng nam nhi hào hứng tham gia.
Cơm nấu xong được xới ra khỏi niêu cho mọi người và giám khảo thưởng thức để phân định cơm của ai nấu thơm nhất, dẻo nhất.
Ngoài phần thi thổi cơm, hội Chùa Láng còn tổ chức cho khách chơi bịt mắt bắt lợn.
Mỗi lượt có 4 người tham gia.
Hai chú lợn một đen một trắng được thả vào trong một khoảng sân quây sẵn chờ đợi những người chơi.
Tuy nhiên do lợn nhỏ, chạy rất nhanh, người chơi lại bịt mắt nên xảy ra chuyện vồ nhầm những người chơi khác, mang đến những tràng cười sảng khoái cho người xem.
Hai chú lợn bé nhưng rất nhanh nhẹn. Người tham gia mới đầu sẽ nghĩ rất dễ bắt nhưng tới khi "lâm trận" mới "toát mồ hôi".
Trò chơi bịt mắt bắt lợn thu hút rất đông người dân tham gia và cổ vũ.
Sau rất nhiều cố gắng thì người tham gia trò "bịt mắt bắt lợn" cũng đã có thành quả khi bắt gọn một chú lợn bé nhỏ.
Lễ hội Chùa Láng diễn ra vui tươi, lành mạnh mang lại nhiều niềm vui và thắt chặt tình đoàn kết làng trên xóm dưới.