TTVH Online

Giá heo hơi hôm nay 24/6: Điều gì khiến giá heo hơi "đảo điên"?

Phong Cầm 24/06/2018 05:45 GMT+7

Cập nhật giá heo hơi (lợn hơi) hôm nay 24/6: Sau gần 1 tháng giá chững lại hoặc giảm xuống ở một số vùng miền, hiện nay giá lợn hơi lại có xu hướng tăng nhẹ trở lại, ở miền Bắc giá thu mua phổ biến từ 47.000-50.500 đồng/kg. Trước sự thay đổi giá thất thường, không theo quy luật này khiến nhiều người chăn nuôi đặt câu hỏi, phải chăng đang có "bàn tay" thao túng giá?

Giá heo hơi hôm nay đang tăng trở lại, nông hộ tái đàn thận trọng

Theo ghi nhận của phóng viên, sau gần 1 tháng giá lợn hơi liên tục chững lại và có xu hướng giảm về dưới 50.000 đồng/kg thì những ngày gần đây, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc đang hồi phục tốt. Chị Nguyễn Thị Hương ở Hưng Yên cho biết, hôm qua gia đình chị vừa bán mấy chục con heo với giá 50.500 đồng/kg, tăng khoảng 1.000-1.500 so với trước đó vài ngày. Các trang trại có heo đẹp, thương lái còn sẵn sàng bắt với giá cao hơn. 

Giá heo hơi (lợn hơi) hôm nay 24/6 ở miền Bắc đang có xu hướng tăng trở lại. Ảnh minh hoạ: H.Đ

Tương tự, tại các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc giá heo hơi cũng đang ở mức tốt, đạt bình quân 49.000 đồng/kg. Mức giá này cao hơn từ 25.000-27.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2017. 

Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, trong khoảng 2 tháng qua, nhiều hộ chăn nuôi, chủ trang trại vẫn nỗ lực duy trì chăn nuôi và tiếp tục tái đàn nhưng với tâm lý thận trọng hơn trước, do lo ngại giá heo có thể quay đầu giảm mạnh. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ đợt giá heo hơi tăng cao liên tục, hiện giá heo giống cũng đang ở mức cao, khiến người nuôi phải cân nhắc, tính toán kỹ hơn. Theo đó, giá heo giống miền Bắc đạt 1,2 triệu đồng/con, tại miền Nam dao động trong khoảng 1,1 triệu - 1,5 triệu đồng/con.

Trong khi đó, anh Trần Đức Đệ, một người nuôi heo xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam cho hay: “Giá heo giống quá cao, kèm theo thức ăn cho heo cũng tăng khoảng 20.000 đồng/bao, cũng không biết giá có giảm như năm ngoái nữa hay không nên thực sự thời điểm này tôi chưa dám tái đàn”. Hiện, anh Đệ đang chuyển sang nuôi vịt và gà trong lúc chờ giá heo ổn định trở lại.

Những tưởng giá heo tăng sẽ mang đến nhiều cơ hội cho người chăn nuôi sau gần 2 năm thị trường ảm đạm, bà con sẽ gỡ gạc lại được khoản vốn đầu tư đã mất, nhưng thực tế cho thấy rất ít người được hưởng lợi, do nhiều hộ nông dân không còn heo để bán. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp FDI vẫn còn giữ rất nhiều heo và hưởng lợi "khủng" từ các đợt giá heo liên tục tăng. Một số ý kiến hoài nghi rằng, liệu điều này có bàn tay thao túng của các doanh nghiệp FDI?

"Một mặt, các doanh nghiệp này găm heo trong chuồng, đợi đến đúng thời điểm khan hiếm heo sẽ mở chuồng ra xuất bán, thu lợi nhuận. Điều này lí giải cho việc vì sao các doanh nghiệp FDI luôn muốn giữ bí mật về số lượng heo chăn nuôi. Mặt khác, việc giá heo tăng sẽ kích thích nông hộ chăn nuôi mạnh dạn đầu tư trở lại. Đây chính là thời cơ "béo bở" để các doanh nghiệp FDI vừa bán heo giống, vừa bán được nhiều thức ăn chăn nuôi" - chủ một hợp tác xã chăn nuôi ở Hà Nội phân tích.  

Ai đang có sức ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường chăn nuôi heo?

Từ góc nhìn của người có nhiều năm gắn bó với ngành chăn nuôi lợn thời gian qua, ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Thanh Bình (Đồng Nai) cho rằng: “Nhiều người nói tránh, nhưng tôi cho đó là do chiêu trò của các công ty FDI lớn, làm nhiễu loạn thị trường và người dân là nạn nhân”. Theo ông Bình, giá heo chỉ là một vấn đề nhỏ, quan trọng là các DN lớn như C.P sẽ tận dụng tốt cơ hội để bán heo giống, heo hậu bị.

Giá heo hơi hôm nay có xu hướng tăng nhẹ, tuy nhiên thị trường vẫn chưa cho thấy sự ổn định được thiết lập. Ảnh minh hoạ: I.T

 “Lúc giá heo dưới đáy, heo giống, heo hậu bị ế tràn lan. Lúc ế, giá heo hậu bị chỉ có giá từ 2,5-3 triệu đồng/con, nay đã lên 5-6 triệu đồng/con. Đó là chiêu trò của họ”, ông Bình nói.

Ông Bình cũng cho rằng, trong kinh doanh, việc các DN FDI khai với cơ quan quản lý họ đang có bao nhiêu nái, heo thịt, theo giống… rất khó; vì đó là bí mật kinh doanh, phải chấp nhận. “Tuy nhiên, phải dựa vào giấy phép đầu tư của họ. Chẳng hạn, cho phép họ nuôi, bán nội địa bao nhiêu %, xuất khẩu bao nhiêu… thì phải kiểm soát chặt hơn nhằm ngăn chặn những "cú sốc" về khủng hoảng giá" - ông Bình nói. 

Cùng chung suy nghĩ này, ông Đỗ Quốc Gia, chủ trang trại lợn ở thôn Đan Nhiễm, thị trấn Văn Giang (Văn Giang, Hưng Yên) dẫn chứng: “Thông thường C.P đưa ra giá nào, thị trường theo giá đó, còn họ bán tống bán tháo, dân mình cũng phải bán tống bán tháo thôi. Thị trường liên tục biến động kiểu này, người dân chúng tôi không biết giá thế nào mà lần”- ông Gia nói.

Tuy nhiên, khi trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam đã phủ nhận nghi ngờ trên. Ông Vang giải thích, tổng số heo của Việt Nam trung bình một năm là 27 triệu con. Trong đó, số heo của công ty CP là 2,8 triệu con, chiếm khoảng 9-10%; các doanh nghiệp FDI khác là 4 triệu con. Lượng heo của người dân và các doanh nghiệp chăn nuôi nội địa đạt trên 20 triệu con. 

“Với tỷ lệ như vậy, không có chuyện doanh nghiệp FDI thao túng thị trường heo trong nước”, ông Vang khẳng định.

Ngăn chặn tình trạng găm hàng, đầu cơ thịt heo

Thương lái tại TP.Hồ Chí Minh vận chuyển heo mảnh đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Báo cáo với Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm ngày 22/6, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho biết giá heo hơi tại các nước lân cận như Trung Quốc, Campuchia đang dao động ở mức 40.000 - 42.000 đồng/kg; giá thịt heo mảnh đông lạnh nhập từ các nước khác khoảng 45.000-47.000 đồng/kg và đang có xu hướng giảm.

Hiện tại, hoạt động sản xuất - kinh doanh, chăn nuôi gia súc vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Các doanh nghiệp lớn và hộ chăn nuôi đang đẩy mạnh tái đàn. Một số doanh nghiệp như Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản - VISSAN, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn đã cam kết tiếp tục tăng cường cung ứng lượng hàng và tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng thịt heo nhằm đưa đến tận tay người tiêu dùng sản phẩm đạt chất lượng, giá cả hợp lý.

Để bảo đảm ổn định cung - cầu, không xảy ra hiện tượng biến động thị trường, đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến ảnh hưởng đến người tiêu dùng trên địa bàn TP HCM trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, trong đó có thịt gia súc.

Sở Công Thương sẽ đề xuất UBND TP HCM phương án xử lý nếu phát hiện dấu hiệu đầu cơ, găm hàng, làm ảnh hưởng đến thị trường và người tiêu dùng TP.

Nói về giá heo hơi trong thời gian tới, ông Montri Suwanposri, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, nhìn nhận: “Các yếu tố sản xuất để cung cấp sản phẩm chăn nuôi cho thị trường từ nay đến cuối năm 2018 đã được hình thành tại thời điểm hiện tại, do vậy mức độ biến động giá cả do thay đổi nguồn cung là không nhiều. Người chăn nuôi heo hiện đang có lãi thì không ai giảm đàn, mà có thể sẽ tăng đàn heo nái, nhưng tăng đàn heo nái bây giờ thì một năm sau mới làm thay đổi nguồn cung cho thị trường”.

Thiên Hương
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN