TTVH Online

Võ Văn Dũng - Hổ tướng số một của vua Quang Trung

Phong Cầm 12/08/2018 13:31 GMT+7

“Tây Sơn thất hổ tướng” chỉ bảy danh tướng của nhà Tây Sơn. Trong số này, Võ Văn Dũng là vị tướng số một.

Theo sách Võ nhân Bình Định, Võ Văn Dũng (một số sách chép là Vũ Văn Dũng), người thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn, Bình Định. Ông sinh năm Canh Ngọ (1750), mất năm Tân Sửu (1841).

Cao thủ võ học

Sinh ra trong gia đình giàu có, từ nhỏ, Võ Văn Dũng được cha mẹ mời thầy về nhà dạy cả văn lẫn võ. Là người có tầm vóc to lớn, tính cách mạnh mẽ, Võ Văn Dũng thích luyện võ hơn học văn.

Theo sách Nhà Tây Sơn, để thực hiện giấc mơ trở thành cao thủ võ học, ông nuôi chí đi xa tìm thầy giỏi. Năm 20 tuổi, Võ Văn Dũng theo một người buôn ngựa vào Phú Yên, gặp được võ sư họ Lương, vốn dòng dõi Lương Văn Chánh ở Tuy Hòa, xin làm đệ tử.

Quân Tây Sơn ra trận. Tranh minh họa tại Bảo tàng Quang Trung.

Ông học trường kiếm và sử dụng đoản đao. Sau một thời gian, nghe lời thầy, ông chuyển về tập đoản đao. Vì lý do gia đình, sau một năm học tập, Võ Văn Dũng phải từ giã thầy, về lại Phú Phong, tự luyện võ.

Ông luôn luôn tâm niệm lời thầy dặn: "Học võ để phòng thân lúc cần thiết, dẹp nỗi bất bình khi cứu người, chứ không phải đấu sức khỏe tài". Do đó, rất ít người biết tài nghệ võ thuật của Võ Văn Dũng.

Sau này, khi gia nhập quân Tây Sơn, Võ Văn Dũng được cho là "quán quân / bách chiến khởi Tây thùy" - tiếng tăm Võ Văn Dũng trùm khắp ba quân / Trăm trận đánh nổi lên từ bờ cõi phương tây. Nguyễn Nhạc từng ca ngợi ông: "Phá giặc ở trong núi thì dễ / Thắng được cây đao của Võ Văn Dũng mới khó".

Hổ tướng số một của nhà Tây Sơn

Lúc bấy giờ, nghe tiếng Nguyễn Nhạc là người hào hiệp, Võ Văn Dũng tìm đến kết bạn. Chẳng bao lâu, hai người trở thành bạn tâm giao. Cũng tại Phú Phong, ông kết bạn với Võ Đình Tú - một cao thủ võ nghệ. Hai người cùng quê với nhau, rất tâm đầu ý hợp.

Khi được Nguyễn Nhạc mời tham gia khởi nghĩa, Võ Văn Dũng đồng ý ngay. Ông cùng Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu lo nhiệm vụ tổ chức về quân sự. Từ việc lập chiến khu đến huấn luyện binh sĩ, ông làm rất chu toàn. Khi Tây Sơn khởi nghĩa, Võ Văn Dũng giữ trách nhiệm phòng thủ vùng Tây Sơn thượng.

Ông còn theo vua Quang Trung lập nhiều chiến công trên chiến trường: Vào Nam đánh quân Xiêm, ra Bắc đánh quân Thanh. Trong lần đại phá quân Thanh xâm lược, Võ Văn Dũng là đại tướng quân, đánh đồn Khương Thượng vào tết Kỷ Dậu năm 1789.

Tượng Đại tư đồ Võ Văn Dũng trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt (Bảo tàng Quang Trung, Bình Định).

Sau khi vua Quang Trung lên ngôi, Vũ Văn Dũng được phong làm Tư khấu, rồi tới Đô đốc và đỉnh cao là được phong tước Chiêu Viễn Đại đô đốc Đại tướng quân Dực vận Công thần Vũ Quốc công. Ông cùng 6 người nữa là Trần Quang Diệu, Vũ Đình Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Lê Văn Hưng, Lý Văn Bưu, Nguyễn Văn Lộc trở thành "Tây Sơn thất hổ tướng".

Sách Nhà Tây Sơn cũng chép rằng Võ Văn Dũng không chỉ là hổ tướng trên chiến trường mà ông còn là nhà ngoại giao giỏi với hai lần đi sứ nhà Thanh (các năm 1789 và 1791), thiết lập mối bang giao hòa hiếu sau chiến thắng Kỷ Dậu 1789.

Khi nghe tin vua Quang Trung qua đời, Võ Văn Dũng đau lòng, đã làm bài thơ than khóc vua trong đó có hai câu cuối: "Trời để vua ta thêm chục tuổi / Anh hào Đường, Tống hết khoa hùng".

Sau khi Quang Trung mất, ông cùng những danh tướng khác như Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú… hết lòng phò tá vua trẻ Cảnh Thịnh. Chính ông là người có công loại trừ phe cánh của thái sư Bùi Đắc Tuyên lũng đoạn triều chính, gây lục đục nội bộ.

Nhà Tây Sơn sụp đổ, Võ Văn Dũng về quê, lẩn tránh ở các làng người dân tộc vùng cao. Một số sách sử chép rằng ông đón hai con của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc là Văn Đức, Văn Lương và cháu nội là Văn Đẩu về nuôi, tính chuyện khôi phục nhà Tây Sơn. Tuy nhiên, năm Minh Mạng thứ 12 (1832), ba chú cháu Văn Đức bị hại. Võ Văn Dũng đau buồn sinh bệnh, mất năm Tân Sửu 1841 (sử nhà Nguyễn chép ông bị vua Gia Long bắt và giết hại năm 1802).

Bài võ Lôi long đao lưu truyền đến nay

Là cao thủ võ học xuất sắc, am hiểu về đao pháp, đương thời, Võ Văn Dũng nổi tiếng với cây Lôi long đao tung hoành trên chiến trường.

Hiện nay, bài võ Lôi long đao do ông nghiên cứu, biên soạn vẫn được lưu truyền trong dân gian. Bài võ này đã được đưa vào chương trình 18 bài võ cổ truyền Việt Nam.

Nguyễn Thanh Điệp
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN