Sau bước đầu gặp khó khăn, hiện tỉnh Long An đang đẩy nhanh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất với việc nhân rộng các mô hình này.
Mới đây, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018, ông Mai Văn Nhiều – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Long An cho biết, chương trình đột phá của tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đã xây dựng được các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ƯDCNC để làm điểm nhân rộng ra toàn vùng.
Nhân rộng toàn vùng
Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, với cây lúa, hiện tỉnh đã xây dựng 45 mô hình, diện tích 2.844ha ƯDCNC trong sản xuất. Kết quả cho thấy, mô hình ƯDCNC đã tiết kiệm được chi phí ước khoảng 1,5-2 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao hơn từ 2-3 triệu đồng/ha so với diện tích trồng lúa thông thường.
Qua các mô hình, nhiều nông dân đã linh hoạt trong việc dụng một phần nội dung triển khai mô hình như: Sử dụng máy cấy trong sản xuất, ứng dụng bón lót hữu cơ, chế phẩm sinh học... với diện tích ứng dụng trên 2.000ha.
Nông dân vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An đưa công nghệ mới vào sản xuất lúa. Ảnh: I.T
Long An phấn đấu đến cuối năm 2018 toàn tỉnh sẽ có 7.500ha lúa, 1.000ha rau, 1.200ha thanh long cùng 6 mô hình chăn nuôi bò thịt ƯDCNC. Tập trung xây dựng 13 HTX điểm sản xuất ƯDCNC làm điểm để tuyên truyền, chuyển giao học kỹ thuật cho người dân trong vùng. Xây dựng 1 mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất rau. |
Trong khi đó, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh xây dựng được 14 mô hình rau, với tổng diện tích 632,9ha ƯDCNC. Đồng thời năm 2017, các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp ở Cần Đước, Cần Giuộc, TP.Tân An đã xây dựng 21 nhà lưới, 5 nhà màng, lắp đặt 3 hệ thống tưới thông minh, tiết kiệm nước.
Theo ông Đồng Quan Đôn – Trưởng phòng NNPTNT huyện Cần Giuộc, sau 2 năm thực hiện chương trình đột phá phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, Cần Giuộc hiện có gần 4.000 hộ nằm trong vùng dự án sản xuất rau ƯDCNC.
“Các mô hình sản xuất ƯDCNC mang lại hiệu quả cao, lượng phân bón vô cơ sử dụng giảm từ 10-400kg/ha, năng suất tăng từ 5-20% so với ruộng không sử dụng phân hữu cơ... Cũng nhờ đó, lợi nhuận thu được cao hơn 2 -7 triệu đồng/1.000m2 so với cách canh tác thông thường”- ông Đôn cho biết.
Đến cuối năm 2017, vùng trồng thanh long của tỉnh Long An cũng xây dựng được 14 mô hình ƯDCNC với diện tích 301,8ha. Theo Phòng NNPTNT huyện Châu Thành, kết quả bước đầu của mô hình cho thấy, trong mô hình lợi nhuận tăng bình quân khoảng 2,5-5 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. Nông dân đã tự nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm là 48 với quy mô diện tích 36,4ha.
Vẫn còn gặp khó
Theo đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh, mặc dù đề án phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đạt kết quả khả quan, nhưng tiến độ triển khai hiện nay vẫn còn chậm so với yêu cầu đề.
Nguyên nhân là do: Một số nông dân vùng sản xuất lúa vẫn muốn sản xuất lúa 3 vụ, nên việc vận động gieo sạ đúng lịch còn gặp nhiều khó khăn; Tình hình liên kết bao tiêu sản phẩm trong một số mô hình vẫn còn hạn chế nhất là đối với sản xuất lúa; Yêu cầu điện phục vụ sản xuất hiện nay rất cao, nhưng một số vùng điện chưa đáp ứng yêu cầu, giá điện phục vụ sản xuất hiện rất cao; Việc bố trí nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho THT, HTX chưa tốt dẫn đến nguồn lực bị phân tán chưa phát huy hiệu quả.
Một số HTX mới thành lập hoạt động còn nhiều lúng túng. Việc Trung Quốc hiện nay vẫn là thị trường xuất khẩu chính của trái thanh long, yêu cầu mẫu mã trái phải đẹp, do đó còn gặp khó khăn trong việc vận động, tuyên truyền nông dân hạn chế thuốc bảo vệ thực vật.
Ngoài ra, việc nhân rộng mô hình ƯDCNC trong chăn nuôi bò thịt còn gặp rất nhiều khó khăn do tập quán chăn nuôi, trình độ nhiều cán bộ kỹ thuật còn hạn chế, chưa có THT, HTX...
Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, đến cuối năm 2017, tỉnh thành lập được 6 THT và 2 HTX chăn nuôi bò thịt ƯDCNC, hỗ trợ 1 HTX mua bò cái giống kết hợp hỗ trợ kỹ thuật xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ KHKT và áp dụng quy trình chăn nuôi bò thịt an toàn.