Chàng trai dân tộc Mông Sùng A Chia (SN 1987) ở thôn Suối Thầu (xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) – là một trong những người Mông đầu tiên trồng thành công loại địa lan Trần mộng. “Từ loài cây địa lan rừng này, tôi đã xây được nhà, mua được xe… cuộc sống đã bước sang một trang mới chú à”, A Chia cho biết.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh em ở mảnh đất Tả Phìn (Sa Pa), quanh năm bao phủ sương mù, gió lạnh. Từ nhỏ A Chia không được đến trường như các bạn cùng trang lứa, công việc chính của A Chia là chăn trâu, rồi theo bố mẹ lên nương trồng cây ngô, cây lúa.
Để có những giống địa lan Trần mộng tốt nhất, khả năng ra mầm hoa cao nhất A Chia đã phải đi tận xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu để tìm giống
A Chia kể anh cùng bố mẹ, anh chị làm việc cật lực từ sáng đến tối mà cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám mãi. Càng ngày đất đai càng bạc màu, sản lượng lúa ngô giảm dần qua từng năm, năm sau lại đói hơn năm trước.
Tính kế thoát nghèo, nhưng ở nơi “rốn rét” Tả Phìn này, A Chia không biết nuôi con gì trồng cây gì để làm giàu. Rồi A Chia bén duyên với loài địa lan Trần mộng – một trong những loài cây đem lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều người săn tìm cứ mỗi dịp tết đến xuân về.
Từ lúc bén duyên với địa lan Trần mộng, cuộc sống của A Chia đã bước sang một trang mới
Ban đầu, chưa có kinh nghiệm trồng lan, A Chia làm thuê, làm mướn cho các chủ trại địa lan khủng ở thị trấn Sa Pa để học hỏi kỹ thuật. Mỗi năm qua đi, kinh nghiệm chăm lan lại tích lũy dần trong người chàng trai dân tộc Mông này.
Nắm được kỹ thuật trồng địa lan trong lòng bàn tay, năm 2007, do chưa có vốn nên A Chia trồng 30 chậu. Rồi từ đó, mỗi năm số chậu địa lan của anh cứ tăng dần lên. Hiện tại, A Chia đang có hơn 300 chậu địa lan Trần mộng.
A Chia đang tìm bắt ốc sen trong những chậu địa lan khủng của mình
“Nếu trời mưa lớn kéo dài thì cây thường hay bị bệnh thối nõn. Cái khó nhất trong chăm sóc địa lan Trần mộng là vẫn chưa có ai khắc chế được bệnh thối nõn này. Nếu một chậu bị dính mà không biết cách xử lý thì có thể lây lan sang các chậu khác, thậm chí cả vườn sẽ bị thối. Cách xử lý duy nhất là bê chậu bị bệnh bỏ ra xa vườn càng sớm càng tốt”, A Chia chia sẻ.
Nói về kỹ thuật ươm giống địa lan, A Chia cho hay, trong những chậu trưởng thành tách lấy từ 2 – 3 giả hành già rồi dùng phân trâu khô cho vào giá thể để trồng, giả hành mới lại mọc lên. Thời gian từ lúc ươm giống để lúc cây địa lan trưởng thành cho chậu hoa đẹp có hàng chục cành phải mất từ 3 – 4 năm chăm bón.
Loài hoa địa lan Trần mộng hay còn gọi hoa "giấc mộng vua Trần" có ưu điểm bông to, cánh dày, thời gian nở lâu, cành lá xum xuê sẽ mang lại nhiều may mắn trong năm mới nên nhiều người sẵn sàng bỏ cả trăm triệu đồng để có được một chậu lan trưng bày trong ngôi nhà của mình
Theo A Chia, mảnh đất Tả Phìn được thiên nhiên ban tặng khí hậu ôn hòa nên rất thích hợp trồng loại địa lan Trần Mộng. Tuy nhiên, nếu gần đến tết mà thời tiết đột ngột trở lạnh thì hoa địa lan sẽ không nở đúng dịp. Vì vậy, vào ngày 15.10 âm lịch hàng năm phải xuống các xã vùng thấp thuê mặt bằng và chuyển các chậu lan cần bán xuống đó thì cây mới nở đúng dịp Tết được.
Những cành hoa đang đâm chồi nảy lộc
Để phòng trừ sâu bệnh cho cây địa lan, A Chia khuyến cáo không nên dùng thuốc sâu phun trực tiếp lên cây sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoa. Ngoài ra phải bắt bọ xít, ốc sên, ốc nhớt… Thời điểm thích hợp bắt đám động vật này từ lúc 21h đến 24h, vì lúc đó có sương bám vào lá nên ốc bắt đầu bò ra ăn lá, ăn hoa và hút nước.
Ngoài chơi địa lan Trần mông, A Chia còn sưu tầm cả các loài lan khác như phi điệp vàng
A Chia bán hàng địa lan Trần mộng cho nhiều địa phương từ Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương. Chỉ tay về phía ngôi nhà xây khang trang, A Chia thổ lộ, tất cả tài sản trong gia đình từ nhà cửa, xe cộ đến trang thiết bị trong nhà đều nhờ cây địa lan Trần mộng mà có được.
“Bà con dân tộc Mông chúng tôi coi loài địa lan này là “ân nhân” xóa nghèo ở cái thôn này. Trung bình cứ 100 hộ thì có 80 hộ trồng lan Trần mộng, ít nhất mỗi hộ cũng có từ 50 đến 100 chậu địa lan. Một năm chỉ cần bán được chục chậu là có tiền mua gạo ăn cả năm rồi”, A Chia tâm sự.
Dịp tết vừa rồi, A Chia bán được hơn 200 chậu địa lan thu về hơn một tỷ đồng, sau khi trừ chi phí A Chia lời 200 triệu đồng. Năm nay, vườn lan của A Chia được những người trồng địa lan có tiếng ở Tả Phìn đánh giá là một trong những vườn đều và đẹp nhất. Dự kiến, dịp tết năm nay A Chia sẽ xuất bán 270 chậu địa lan Trần mộng.