Đất Hang Kia - Pà Cò (thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) từng được biết đến là thủ phủ của ma túy và đã từng có thời là nơi trồng nhiều cây hoa anh túc nhất xứ Mường. Suốt mấy chục năm qua, vùng đất và con người nơi này đã trải qua bao gian khó để xóa bỏ triệt để cây thuốc phiện...
Một thời đau khổ với "nàng tiên nâu"
Đường đến xã Hang Kia giờ đã được trải bêtông phẳng lỳ. Con đường rừng từng là nỗi gian truân của bao thế hệ người Mông - nay chỉ còn là ký ức xa xôi. Ông Khà A Gia ở bản Hang Kia, xã Hang Kia, là một trong những người chứng kiến bao đổi thay của vùng đất gian khó này. Bây giờ, gia đình ông Gia là một trong những hộ đi tiên phong trong việc phát triển du lịch cộng đồng.
Cuộc sống của người dân Hang Kia, Pà Cò ngày càng no ấm với những nương, vườn cây trái, cây lương thực... Ảnh: X.T
"Từ khi xóa bỏ cây thuốc phiện, đời sống của bà con đang dần thay đổi. Du khách đến với Hang Kia, Pà Cò ngày một đông. Họ đến với gia đình mình là để cảm nhận được cái hay, cái đẹp của đời sống bà con nơi đây. Khi sự yên bình trở lại cũng là lúc bà con dân bản nơi đây cùng chung tay xây dựng bản làng ngày một giàu đẹp hơn”. Chị Sùng Y Múa |
Năm nay, ông Gia đã bước sang độ tuổi "xưa nay hiếm" nhưng nom ông còn khỏe lắm. Trong ký ức về thời trai trẻ, hình ảnh những mùa anh túc (cây thuốc phiện) đầy đau thương vẫn sống động trong ông.
Ông Gia kể, trước đây người Mông trồng nhiều cây hoa anh túc lắm. Mùa xuân đến, nơi đây bạt ngàn hoa anh túc nở. Thứ hoa đã quyến rũ bao người và đẩy bao thanh niên nơi đây vào vòng nghiện ngập. Nhà nhà trồng cây thuốc phiện. Bản trên, bản dưới bạt ngàn thứ hoa màu tím đã đẩy dân bản rơi vào cảnh tan cửa, nát nhà. Cây thuốc phiện dễ trồng lại bán có tiền, nên cái nương, cái rẫy bị bỏ bê. Không ai nghĩ đến chuyện phải trồng cây gì khác ngoài cây thuốc phiện...
Nhà trồng được, nên hầu như trai bản nào cũng biết đến mùi thuốc phiện. Mỗi khi bản có đám giỗ chạp là bàn đèn được ngả ra la liệt. Người già, người trẻ nằm san sát, chân co chân duỗi bên bàn đèn. Thuốc phiện làm cho tinh thần mọi người mụ mẫm, ăn rồi chỉ thích ôm bàn đèn, chứ không lên nương, lên rẫy. Cây ngô, cây lúa... bà con cũng chẳng buồn làm vì thích cái gì là mang thuốc phiện xuống chợ đổi. Cuộc sống tưởng như dư dả, nhưng nó lại là cơn sóng ngầm đẩy bao hộ dân rơi vào cảnh nhà tan, cửa nát vì có người nghiện.
Suốt những ngày đám trai bản “ăn cơm đen”, ngủ bàn đèn” khiến bản làng thời ấy thêm ủ dột. Cây thuốc phiện không giúp cuộc sống của người dân khá lên được mà ngược lại nó đã làm tan vỡ bao gia đình. Thống kê của cơ quan chức năng huyện Mai Châu, trước năm 1993, hoa anh túc nở rực rỡ trên hơn 500ha vườn đồi của hai xã Hang Kia và Pà Cò. Sản lượng bình quân đạt 2 tấn nhựa/năm. Những hệ lụy kéo theo là tại địa phương luôn có khoảng 1.000 người mắc nghiện, phải đi tập trung cai nghiện tại các trung tâm hoặc cai nghiện tại cộng đồng xóm bản.
Từ bỏ cây thuốc phiện để... đi lên
Tuy nhiên, kể từ khi có Nghị quyết 06/NQ-CP, cây thuốc phiện cơ bản đã bị xoá bỏ trên đất Mường. Để thay thế cho cây thuốc phiện, Nhà nước đã có các dự án trồng cây ăn quả, cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày… giúp người dân ổn định cuộc sống. Theo ông Khà A Váu - Chủ tịch xã Hang Kia, trước đây người ta cứ nghĩ, vùng đất này nổi danh là thung lung tử thần. Nhưng nay, Hang Kia đã khác nhiều, bà con đã triệt phá xong cây thuốc phiện. Tình hình buôn bán ma túy cũng giảm hẳn.
Cũng theo Chủ tịch Khà A Váu, tỷ lệ hộ nghèo ở Hang Kia giờ chỉ còn dưới 19%, tất cả các hộ gia đình đều có bể chứa nước từ 5 - 10m3. Người dân ở Hang Kia, Pà Cò không còn phải lo thiếu nước, thiếu đói, mà bây giờ phải lo làm sao cuộc sống đầy đủ hơn, con em của họ được sung sướng hơn. Ngày nay, đường giao thông bêtông thuận lợi đã đến từng hộ gia đình, nhà nào cũng có tivi, tủ lạnh, có nhà có vài chiếc xe máy; cả hai xã đến nay đã có hơn 70 ôtô... Xã đang tiến hành vận động bà con xây dựng nông thôn mới và tiếp tục đầu tư, phấn đấu để hai xã sớm đạt chuẩn.
Cuộc sống dần thay đổi, nhiều gia đình đã mạnh dạn phát triển du lịch cộng đồng như nhà ông Khà A Gia. Tại bản Hang Kia có cô gái người Mông là Sùng Y Múa trở thành điển hình phát triển kinh tế của bản. Mỗi năm, gia đình Múa đón vài trăm khách du lịch đến nhà lưu trú.