UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Bộ GTVT và ACV sớm triển khai quy hoạch hệ thống giao thông kết nối vùng với sân bay Long Thành. Dự án này có tổng mức vốn giải phóng mặt bằng dự kiến hơn 23.000 tỷ đồng (trên 1 tỷ USD).
Ngày 16.11, đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai và đại diện Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV) về các vấn đề liên quan Dự án sân bay Quốc tế Long Thành.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, UBND tỉnh Đồng Nai nên căn cứ vào các quy định ở báo cáo nghiên cứu khả thi mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện giải phóng mặt bằng. Trong quá trình thực hiện, bộ GTVT và ACV sẽ cùng phối hợp để đảm bảo tiến độ dự án.
Đồng Nai sẽ ưu tiên giải quyết việc làm cho người dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi dự án sân bay Long Thành. Ảnh: V.D
Tại buổi họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh đã đề nghị Bộ GTVT cùng ACV sớm triển khai quy hoạch hệ thống giao thông kết nối vùng với sân bay. Đặc biệt triển khai hệ thống điện, nước, hệ thống cung cấp nhiên liệu cho sân bay. UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ GTVT và ACV có quy hoạch về độ tĩnh không khu vực dự án để tỉnh này có cơ sở quản lý, ngăn người dân xây dựng các công trình cao tầng ảnh hưởng đến cất, hạ cánh của máy bay.
Đối với vấn đề giải quyết việc làm cho người dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi dự án, tỉnh Đồng Nai đề nghị Tổng công ty hàng không Việt Nam công bố những danh mục công việc trước và sau khi xây dựng sân bay.
Dựa trên danh mục này, tỉnh Đồng Nai hướng dẫn người dân trong vùng ảnh hưởng đi học nghề để có thể ưu tiên cho họ vào sân bay làm việc. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ủng hộ chính sách ưu tiên này và đề nghị ACV sớm thống kê và công khai danh mục những công việc như lãnh đạo Đồng Nai nói.
Sân bay Long Thành nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành, cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 43km. Dự án có tổng diện tích hơn 5.500ha, tổng mức đầu tư hơn 336.000 tỷ đồng. Quy mô thiết kế 100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Sân bay Long Thành được thiết kế quy mô đạt cấp 4F, cấp cao nhất theo xếp hạng của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Dự án sẽ được thực hiện trong 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư một nhà ga, một đường cất hạ cánh với công suất 25 triệu khách/năm. Chậm nhất đến năm 2025 phải hoàn thành đưa vào khai thác. Ở giai đoạn 2 (năm 2035), sân bay Long Thành được nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm và 100 triệu hành khách/năm sau năm 2035 (giai đoạn 3).
Bộ GTVT cho biết, tổng mức vốn giải phóng mặt bằng cho dự án này hơn 23.000 tỷ đồng (trên 1 tỷ USD). Trong đó, 18.000 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hơn 4.000 tỷ đồng xây dựng khu tái định cư. Ngoài ra, gần 480 tỷ đồng dùng để tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không và 388 tỷ đồng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân.