TTVH Online

Trung Quốc mở “cửa” nhập khẩu tạm thời Thạch đen Tràng Định

Phong Cầm 08/01/2019 09:22 GMT+7

Từ ngày 1.9.2018, lực lượng Hải quan Trung Quốc không cho phép mặt hàng thạch đen nhập khẩu. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới việc tiêu thụ sản phẩm cây thạch đen vì trước đây sản phẩm này chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên từ ngày 6.12.2018, phía Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu tạm thời mặt hàng thạch đen.

Thạch đen là một trong những cây trồng chủ lực, thế mạnh, đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân huyện Tràng Định nói riêng và của tỉnh Lạng Sơn nói chung. Với diện tích từ 1.200 – 2.000 ha/năm, thạch đen cho năng suất trung bình trên 5- 6 tấn/ha, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Cây Thạch đen Tràng Định được trồng tại 23/23 xã, thị trấn nhưng chủ yếu tập trung phát triển ở 7 xã vùng phía Tây của huyện.

Năm 2017, sản lượng thạch đen cả tỉnh đạt trên 10.000 tấn, giá trị đạt 200 tỷ đồng. Năm 2018, sản lượng đạt trên 9.600 tấn, giá trị ước đạt trên 190 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc. Xác định tầm quan trọng của cây thạch đen đối với phát triển kinh tế của tỉnh, năm 2017, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng Nhãn hiệu tập thể Thạch đen Tràng Định và đã được cấp văn bằng bảo hộ.

Tuy nhiên từ 1.5.2018, Trung Quốc áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu. Các doanh nghiệp phía Trung quốc nhập khẩu nông sản trái cây từ Việt Nam và Thái Lan đều phải có giấy phép của cơ quan chức năng với đầy đủ thông tin sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói. 

Việt Nam chưa đăng ký mã hàng để xuất vào Trung Quốc nên từ tháng 9.2018 phía Trung Quốc đã không cho phép nhập nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như sầu riêng, chanh leo và cây thạch đen, sản phẩm nông nghiêp đặc trưng của huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.

Doanh nghiệp muốn nhập các hàng hóa trên vào thị trường đều có giấy phép của các cơ quan chức năng với đầy đủ thông tin sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói, doanh nghiệp chỉ định…

Cây thạch đen được thu hoạch sau đó phơi khô, xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Mặc dù thạch đen Tràng Định đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam bảo hộ thương hiệu nhãn hiệu tập thể từ tháng 9.2017 nhưng chưa được đăng ký truy xuất nguồn gốc, chứng nhận kiểm nghiệm, kiểm dịch và chưa được đăng ký mã hàng để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Do đó từ ngày 1.9.2018, lực lượng Hải quan Trung Quốc không cho phép mặt hàng thạch đen nhập khẩu.

Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới việc tiêu thụ sản phẩm cây thạch đen vì trước đây sản phẩm này chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Việc xuất khẩu thạch đen không chỉ góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống, giúp người dân xóa đói giảm nghèo mà còn góp phần đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương của tỉnh Lạng Sơn.

Ngày 27.11.2018, tại Công văn 4729/VP-KTTH, ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn giao Sở Công thương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét đề nghị của UBND huyện Tràng Định về việc xuất khẩu mặt hàng thạch đen. Sở Công thương đã tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan trao đổi tăng cường đàm phán với chính quyền thị trấn Bằng Tường và huyện Long Châu, khu tự trị Dân tộc Choang, Quảng Tây và cơ quan chức năng phía Trung Quốc về việc tạo điều kiện cho phép nhập khẩu mặt hàng thạch đen.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 6.12.2018, phía Trung Quốc cho phép nhập khẩu tạm thời mặt hàng thạch đen.

Sản phẩm thạch đen do người dân làm ra.

Trao đổi với Dân Việt, ông Từ Trọng Hiếu, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định cho biết: Tổng diện tích cây thạch đen trên địa bàn toàn huyện hiện nay trên 1.200ha. Loại cây này được trồng ở hầu hết các xã nhưng tập trung nhiều nhất ở khu vực phía Tây của huyện như các xã: Kim Đồng, Tân Tiến, Cao Minh, Đoàn Kết, Khánh Long... Đây là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện được bà con trồng với diện tích lớn. Cây sau thu hoạch tại vườn sẽ được phơi khô rồi mang bán. Thị trường chủ yếu của mặt hàng hàng này trước giờ vẫn là xuất sang thị trường Trung Quốc.

Ông Hiếu cũng cho biết thêm: Trung bình 1ha người dân thu được hơn 5 tấn (54 - 56 tạ/ha) mang lại giá trị kinh tế lớn. Hiện tại giá cây thạch đen đang dao động ở mức 30-35 nghìn/kg đối với thạch đen trồng nương, còn thạch ruộng có giá khoảng 28- 30 nghìn/kg.

Các thương lái, nhà buôn thường thu gom mua lại cây khô của các hộ dân trên địa bàn huyện để xuất bán sang Trung Quốc hoặc nấu thạch đen vào mùa hè.

Thạnh đen Tràng Định mọi năm chủ yếu xuất đi thị trường Trung Quốc nhưng khoảng từ tháng 8 đến gần cuối năm 2018 phía Trung Quốc ngừng thu mua một thời gian, gây khó khăn cho vấn đề tiêu thụ sản phẩm này. UBND huyện Tràng Định kiến nghị với UBND tỉnh và các Sở, ngành liên quan, quan tâm để mặt hàng thạch đen của địa phương có thị trường xuất khẩu ổn định. Và hiện tại mặt hàng thạch đen đã xuất khẩu sang Trung Quốc trở lại, ông Hiếu thông tin.

Đây chỉ là giải pháp tạm thời, tỉnh Lạng Sơn cần tiến hành đăng ký truy xuất nguồn gốc, chứng nhận kiểm nghiệm kiểm dịch... Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh xuất khẩu thạch đen cần thực hiện tốt việc cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, thông tin về cơ sở sản xuất, nhà xưởng, chứng nhận an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng hàng nông sản của phía Trung Quốc

Cây Thạch đen Tràng Định được trồng tại 23/23 xã, thị trấn nhưng chủ yếu tập trung phát triển ở 7 xã vùng phía Tây của huyện. Diện tích thạch đen hằng năm dao động từ 1.200 – 2.000 ha, cho sản lượng trung bình từ 8.000 – 9.000 tấn, đem lại  giá trị khoảng 240 – 270 tỷ đồng/năm. Với giá trị cao gấp 10 lần so với trồng lúa, thạch đen được coi là cây giảm nghèo của nông dân huyện Tràng Định. 


 

Mộc Trà- Túc Mạch
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN