“Tôi không ngờ mình lại có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với những cựu binh Trung Quốc, những người từng đối đầu với mình trên mặt trận cách đây 40 năm (tháng 2.1979). Đây là cuộc gặp đầy bất ngờ và hết sức thú vị”, cựu chiến binh Hồ Tuấn chia sẻ với PV Dân Việt.
Ông Hồ Tuấn (người mặc quân phục) chụp ảnh kỷ niệm với những cựu binh Trung Quốc. (Ảnh: NVCC)
Cuộc gặp không hẹn trước
Cựu binh Hồ Tuấn năm nay bước sang tuổi 63, hiện sống tại phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Ông từng là chiến sĩ của Trung đoàn bộ binh 567, lúc đó thuộc Tỉnh đội Cao Bằng (quân địa phương), đơn vị đã từng chiến đấu anh dũng chặn bước tiến của quân Trung Quốc tháng 2.1979 ở đèo Khau Chỉa, Phục Hòa, Cao Bằng.
Một buổi sáng tháng 1.2019, người cựu binh Hồ Tuấn đang có cuộc họp ở phường bỗng nhận được điện thoại của người bạn tên Cường (ông Cường từng làm công tác phiên dịch tiếng Trung trong quân đội, hiện đang là hướng dẫn viên du lịch cho công ty du lịch đưa khách từ Cao Bằng sang Trung Quốc và ngược lại).
Cựu chiến binh Hồ Tuấn. (Ảnh: NVCC)
Ông Cường nói: Có 10 khách du lịch người Trung Quốc đang ở Cao Bằng, họ nói từng là những người lính phía bên kia chiến tuyến trong cuộc chiến biên giới phía Bắc cách đây 40 năm, muốn được gặp gỡ, giao lưu. Sau khi suy nghĩ ông Hồ Tuấn nhận lời.
Cuộc gặp gỡ không hẹn trước giữa ông Hồ Tuấn và 10 cựu binh Trung Quốc diễn ra trong một quán cà phê ở thành phố Cao Bằng. “Cuộc gặp diễn ra chỉ khoảng một tiếng, trong không khí cởi mở, chân tình. Điều rất đặc biệt là những người cựu binh Trung Quốc này với chúng tôi từng đối đầu với nhau trên mặt trận Khau Chỉa cách đây 40 năm”, ông Tuấn kể.
Mở đầu cuộc trò chuyện, thông qua người phiên dịch là ông Cường, ông Tuấn nói: Tôi với các ông cùng là con người, vốn không có thù oán gì nhau, vì các ông sang đánh chúng tôi, chúng tôi phải cầm súng chiến đấu. Những cựu binh người Trung Quốc gật đầu tỏ ý đồng tình.
Cuộc trò chuyện tiếp diễn, hai bên hỏi thăm tuổi, sức khỏe nhau, ngày tháng nhập ngũ, thời gian phục vụ trong quân đội, chế độ sau khi giải ngũ... Những cựu binh người Trung Quốc cũng hỏi về trận địa Khau Chỉa, nơi họ từng bị bộ đội Việt Nam chặn đánh.
Họ hỏi tôi: Trong trận đánh ở Khau Chỉa các ông có đến một sư đoàn quân không? Tôi nói lúc đó đang là chiến sĩ nên không được biết có bao nhiêu quân (kỳ thực chúng ta chỉ có một tiểu đoàn - NV).
Họ hỏi tiếp: Giao thông hào ở Khau Chỉa có phải làm từ thời Pháp xâm lược Việt Nam? Tôi nói nếu giao thông hào làm từ thời đó bên các ông còn bị thiệt hại nặng nữa.
"Trong câu chuyện ôn lại quá khứ của 40 năm trước họ cũng tỏ ý thán phục bộ đội Việt Nam. Tôi cũng kể với họ việc tôi bị thương (hạng 2/4) ở trận đánh đèo Khau Chỉa. Cuối cùng tôi và những người khách hỏi thăm về tình hình hiện tại của nhau”, cựu binh Hồ Tuấn cho biết.
Kết thúc cuộc gặp gỡ, những cựu binh người Trung Quốc đã ôm ông Hồ Tuấn, rồi cùng chụp với nhau những bức ảnh kỷ niệm.
Bộ đội ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979. (Ảnh tư liệu)
12 ngày đêm ác liệt
Nhấp chén trà nóng, hồi tưởng về Trung đoàn năm xưa, cựu binh Hồ Tuấn cho biết, ông vẫn nhớ như in những ngày chiến đấu ác liệt ở đèo Khau Chỉa. Vào hồi 3 giờ sáng 17.2.1979, Trung đoàn nhận được điện khẩn của Tư lệnh Quân khu 1, tất cả các đơn vị ra vị trí chiến đấu.
Đúng 5 giờ 45 phút cùng ngày, quân Trung Quốc từ biên giới chia làm 3 mũi tấn công vào trận địa của Trung đoàn, có cả xe tăng, pháo binh yểm trợ. Chúng đánh vào đồn Công an Tà Lùng, nhà máy đường Phục Hòa…
Các đơn vị của Trung đoàn đã triển khai chiến đấu, bẻ gẫy nhiều đợt tấn công của địch. Tính từ lúc địch tấn công đến 9 giờ sáng ngày 17.2.1979, ở chốt Pó Pu (Phục Hòa) quân ta đã chặn 9 đợt tấn công, giữ vững trận địa. Đặc biệt là khu Lũng An (Phục Hòa), trong 2 ngày chiến đấu đầu tiên quân ta đã chặn và đánh lui 17 đợt tiến công của địch.
Ngày 18.2, Trung đoàn giao cho Tiểu đoàn 5 và 6 bằng mọi giá phải giữ vững đèo Khau Chỉa. Ngày 21.2.1979, toàn đơn vị lại bước vào đợt chiến đấu mới, quân địch đánh cấp sư đoàn, có pháo binh, xe tăng yểm trợ. Tuy lực lượng ít nhưng quân ta vẫn đứng vững trước các đợt tiến công.
Đến ngày 23.2.1979, đơn vị chiến đấu trong tình thế gay go, ác liệt, khi trang bị giảm dần, quân số không được bổ sung, quân địch ra sức vây hãm, phía trước, sau đều có chốt chặn, giao thông bị phá nên càng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên Trung đoàn vẫn chiến đấu ngoan cường hơn một tuần trước khi rút lui.
Tổng kết chiến dịch, toàn Trung đoàn đã diệt hơn 6.000 quân địch, 34 xe tăng, 25 xe quân sự, thu nhiều vũ khí, trang thiết bị, làm mất sức chiến đấu và chặn đứng bước tiến quân địch.