Mặc dù hiện nay các phương tiện cơ giới, máy móc được đưa vào đồng ruộng phục vụ sản xuất khá phổ biến. Tuy nhiên, tại một số địa phương ở miền Tây, hình ảnh con trâu cộ lúa hay cộ rơm vẫn còn. Đây không chỉ nét đẹp dân dã, mà còn giúp bà con nơi đây có thêm thu nhập.
Không giống như các nơi khác, con trâu ở miền Tây được nuôi chủ yếu để lấy sức kéo. Ở đây, trâu 3 tuổi có thể tập kéo nhưng tốt nhất là năm 5 tuổi. Với đặc điểm to khỏe nên trâu có thể kéo nặng, nhất ở những địa hình sình lầy ngập lún, nơi mà các phương tiện cơ giới không vào được. Và cứ thế, sau mùa gặt hình ảnh những chú trâu cộ lúa hay cộ rơm lại xuất hiện tại nhiều cánh đồng ở miền Tây.
Hình ảnh trâu cộ lúa, rơm ở miền tây không hiếm. Ảnh: MA.
Bà Nguyễn Thị Lan (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), cho hay: “Con trâu của cô nó tên Bay, cô mua nó cũng hai năm ngoái rồi, nó dễ dạy lắm. Cũng như con người mình phải có tên kêu nó nó mới biết, vì cưng nó quá nên làm chừng vài tiếng là cô cho nó nghỉ mát, còn gấp quá thì làm nhiều nhưng cũng tranh thủ cho ăn rồi mới làm tiếp. Tháng nước thì trâu kéo lúa bó bằng cộ, tháng này thì kéo bằng ga, có khi kéo rơm lang cũng có khi kéo rơm bó. Một mình cô làm thì được khoảng 200.000 đồng/ngày, có trâu nữa thì 250.000-300.000 đồng, có khi được 400.000 đồng”.
Ở mỗi mùa gặt, những con trâu ở Phụng Hiệp, Hậu Giang lại có việc làm. Ảnh: MA.
Còn ông Nguyễn Văn Bé Năm (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) thì cho biết: “Mỗi lần một con trâu kéo được từ 1 đến 1 tấn mấy rơm hay lúa bó. Mùa khô kéo nặng hơn mùa nước, mùa nước đất mềm dễ kéo hơn, 1 ngày mang về thu nhập 400.000-500.000 đồng”.
Người dân sẽ chế một phương tiện vận chuyển để gắn vào cho trâu kéo. Phương tiện này được đóng bằng tre hay ván gỗ bởi chính tay người có đôi trâu cày chứ không cần phải nhờ đến một tay thợ mộc lành nghề. Thay vì mùa nước phải sử dụng những chiếc xe gỗ để kéo, vào mùa khô bà con tận dụng những miếng nilong có chiều dài chừng chục mét và vài sợ dây thừng để giúp những chú trâu có thể bon bon kéo rơm trên đồng. Cách làm này không chỉ thuận tiện trong việc di chuyển, lại không tốn quá nhiều sức kéo.
Với đặc điểm to khỏe nên trâu có thể kéo nặng, nhất ở những địa hình sình lầy ngập lún, nơi mà các phương tiện cơ giới không vào được. Ảnh: MA.
Theo bà con, máy gặt ở đâu thì những chú trâu xuất hiện ở đó. Mỗi chuyến chạy đồng như thế kéo dài từ 10 bữa đến nửa tháng có khi cả tháng. Trung bình mỗi vụ lúa, một con trâu kéo từ 100-200 công lúa hoặc rơm là chuyện bình thường.
Không chỉ thích nghi với mọi địa hình từ vùng trũng thấp cho đến vùng đất lún hay ngập nước, những chú trâu này vẫn làm việc vô cùng hiệu quả. Có lẽ cũng vì thế, dù phương tiện cơ giới đã trở nên phổ biến, nhưng những chú trâu này vẫn không “thất nghiệp”.
Dân Việt xin gửi đến bạn đọc một số hình ảnh ở nơi nông dân thích dùng trâu để kéo lúa thay cho cơ giới:
Theo người dân địa phương, trâu có thể làm được nhiều việc, mùa nước thì cộ lúa bó, mùa khô thì đi cộ rơm, gia đình nào sở hữu từ 2-3 chú trâu chuyên đi kéo thuê sẽ cho thu nhập khá sau mỗi mùa gặt. Ảnh: MA.
Hiện với giá kéo rơm thuê 2.000 đồng/cuộn rơm tùy đường xa hay gần vào mùa thu hoạch rộ, trung bình một ngày một con trâu đem lại thu nhập vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng cho chủ nuôi. Ảnh: MA.
Trung bình mỗi vụ lúa, một con trâu kéo từ 100-200 công lúa hoặc rơm là chuyện bình thường. Ảnh: MA.
Trâu giúp người dân có thêm thu nhập nên rất được "cưng", khi trâu mệt thì được tắm mát, cho ăn. Ảnh: MA.
Những con trâu như những người bạn của nông dân trên cánh đồng ở mỗi mùa gặt. Ảnh: MA.
Từ việc cộ lúa, rơm, những con trâu đem về thu nhập khá cho nhiều hộ. Ảnh: MA.