Việc những trái dưa hấu Quảng Nam phải dán tem nhãn mã QR code nhằm truy xuất nguồn gốc trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc, cho thấy đã đến lúc chính quyền địa phương, ngành chức năng, doanh nghiệp và người dân phải tuân thủ nghiêm túc việc đăng ký mã số vùng trồng.
Bắt buộc phải làm
Trao đổi với phóng viên NTNN, TS Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NNPTNT khẳng định, đã đến lúc phải tuân thủ nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc - yêu cầu bắt buộc của mọi thị trường nhập khẩu.
Sơn La đã đăng ký mã số vùng trồng cho nhiều diện tích xoài Yên Châu. Ảnh: T.L
Cục Bảo vệ thực vật đã tổng hợp và được phía Trung Quốc chấp thuận đối với 1.200 mã số vùng trồng cho 8 loại trái cây đã được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc tại 42 tỉnh, thành trên cả nước, cùng 608 mã số cơ sở đóng gói tại 31 tỉnh, thành. |
“Đơn cử như trái dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc, nếu chúng ta đăng ký được mã số vùng trồng, cung cấp cho hải quan nước bạn để được mã hóa bằng QR code, khi thương lái thu mua, họ có thể kiểm tra chất lượng từng quả, dán tem ngay tại ruộng, sau đó chuyển lên cửa khẩu. Tại đây, cán bộ hải quan chỉ cần soi điện thoại vài giây là ra mọi thông tin và cho thông quan. Còn nếu không có tem nhãn, bà con mang dưa lên cửa khẩu, tập trung vào chợ, rồi mới tìm mối mua, nếu có người mua mới quay lại làm các thủ tục kiểm dịch thực vật, rất mất thời gian và làm giảm chất lượng dưa hấu. Nếu kết nối với doanh nghiệp ngay từ đầu, việc trao đổi hàng hóa sẽ thông suốt và nhanh chóng” – ông Hòa nói.
Cũng theo ông Hòa, yêu cầu thông tin truy xuất nguồn gốc được Trung Quốc bắt đầu thực hiện chặt từ tháng 5.2018, đây là một giải pháp nhằm đảm bảo những nông sản đó có CO (giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa) của Việt Nam, chứ không phải là sản phẩm của một nước thứ ba, tạm nhập vào Việt Nam rồi tái xuất sang Trung Quốc để hưởng ưu đãi về thuế.
“Một bài học còn nhãn tiền đối với 2 doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Tiền Giang và Long An bị phía Trung Quốc yêu cầu xem xét dừng xuất khẩu chính ngạch, bởi thông tin họ nắm được năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp chỉ 100.000 tấn/năm, nhưng sản lượng xuất khẩu lại lên đến 130.000 tấn, số còn lại lấy ở đâu? Nếu chúng ta không nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, thực hiện đúng quy định, chính chúng ta sẽ tự hại mình” - ông Hòa khẳng định.
Trên nóng dưới lạnh
Thực tế, ngay sau khi nhận được thông tin yêu cầu bắt buộc phải có truy xuất nguồn gốc với nông sản xuất khẩu, ngày 23.5.2018, Bộ NNPTNT đã có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước, các đơn vị trực thuộc Bộ chỉ đạo các địa phương, đơn vị gấp rút triển khai thống kê vùng trồng cây ăn quả, các cơ sở đóng gói quả tươi theo quy định của Trung Quốc (có kèm theo mẫu phụ lục). Trước mắt, tập trung thống kê thông tin của 8 loại quả tươi được Trung Quốc cho phép nhập khẩu từ Việt Nam, gồm: Thanh long, xoài, chôm chôm, mít, chuối, vải, nhãn và dưa hấu.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) là đơn vị cập nhật thông tin vùng trồng, cơ sở đóng gói của các tỉnh gửi sang Trung Quốc. Ngay sau khi được phía Trung Quốc chấp nhận, Cục sẽ cập nhật danh sách mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói lên website của Cục (www.ppd.gov.vn).
Ông Hòa thừa nhận một thực tế, bên cạnh những địa phương nỗ lực thống kê, đăng ký mã số vùng trồng (điển hình là Sơn La, Bắc Giang), còn nhiều địa phương, lãnh đạo, ngành chức năng chưa thực sự quan tâm. “Thậm chí, thời điểm này vẫn có địa phương hỏi phương thức đăng ký mã số vùng trồng, dù thông tin đã công khai trên mạng internet từ rất lâu” - ông Hòa nêu một thực tế.
Theo ông Hòa, nếu các địa phương, doanh nghiệp và nông dân không đồng lòng thay đổi phương thức sản xuất, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, có thể con đường đưa nông sản Việt vươn xa sẽ rất khó khăn.
Trong giai đoạn đầu khi triển khai quản lý truy xuất nguồn gốc, phía Trung Quốc cho phép phía Việt Nam tự cung cấp thông tin vùng trồng, cơ sở đóng gói để họ đưa vào hệ thống quản lý của hải quan, tạo thuận lợi cho việc kiểm tra khi thông quan. Nhưng có thể họ sẽ trực tiếp đến Việt Nam kiểm tra thực tế từng vùng trồng, cơ sở đóng gói xem có đáp ứng đủ yêu cầu hay không.
"Đã có những doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Trung Quốc buộc phải dừng xuất khẩu bởi khi kiểm tra đã không đáp ứng được các yêu cầu của họ” – ông Hòa nói.