Gần đây, diện tích trồng cây mít siêu sớm (còn gọi là mít Thái) đã liên tục tăng cao tại nhiều địa phương ở ĐBSCL và cả nước nói chung, do nông dân đổ xô trồng loại cây này vì giá cả đầu ra và lợi nhuận hấp dẫn. Đáng lo là nông dân tại ĐBSCL phát triển trồng mít Thái chủ yếu theo kiểu tự phát, thiếu liên kết với nhau để hình thành các vùng sản xuất tập trung, thiếu gắn kết với các doanh nghiệp và nhà tiêu thụ nhằm đảm bảo đầu ra sản phẩm trong tương lai...
Sức hấp dẫn quá lớn từ mít Thái
Mít Thái đã và đang được nhiều nông dân chọn trồng vì có giá bán cao, trồng "nhanh ăn", lại nhẹ công chăm sóc và dễ thu hoạch. Thời gian qua, giá trái mít Thái thường xuyên ở mức rất cao, từ 45.000-70.000 đồng/kg.
Với mức giá này, mỗi công đất trồng mít Thái nông dân có thể thu được trên 100 triệu đồng/năm, cao hơn gấp nhiều lần so với nhiều loại cây ăn trái khác. Còn nếu so với lúa, nông dân cho rằng khoảng cách thu nhập là "một trời, một vực" nên bỏ lúa chuyển lên trồng mít Thái...
Ông Nguyễn Văn Ngộ ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang tiến hành trồng mít Thái trên mảnh ruộng vừa lên bờ liếp.
Ông Trương Văn Triệu ngụ ấp Trường Thọ 2, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết: "Một cây mít Thái cho thu nhập đến gần 10 triệu đồng/năm, cao hơn thu nhập từ 1 công lúa/năm. Giá mít Thái nhiều lúc ở mức trên 60.000 đồng/kg, bán mỗi trái mít. Tôi đã lên mương 3 công đất ruộng để trồng mít Thái và xen canh thêm một số loại cây ăn trái khác như sầu riêng và nhãn Ido".
Theo ông Triệu, gia đình ông còn 6 công lúa, dự kiến tới đây cũng tiếp tục lên mương để trồng thêm cây ăn trái nữa vì thu nhập từ lúa khá thấp. Bà Châu Mỹ Phượng ngụ ấp Trường Thọ 2, xã Trường Long, huyện Phong Điền, cho biết: "Mỗi công đất sạ lúa chăm sóc trong 3 tháng chỉ cho lợi nhuận trên dưới 1 triệu đồng nên rất nhiều bà con đã chuyển lúa sang trồng cây ăn trái, nhất là trồng mít Thái. Hiện tôi cũng dành một công đất ruộng trồng mít Thái, hy vọng gia đình tôi có thu nhập tốt hơn".
Người dân huyện Phong Điền, TP Cần Thơ thu hoạch mít Thái. Ảnh: CTV.
Hiện nay, giá cây giống mít Thái trên thị trường đã tăng gấp đôi so với hồi đầu năm 2019 và có khả năng còn tăng. Tại nhiều địa phương ở ĐBSCL, giá cây giống mít Thái đã ở mức từ 20.000-25.000 đồng/cây (loại cây ghép mới 1 cơi lá, gốc ghép có đường kính 1-1,8 phân), còn loại cây có gốc ghép lớn hơn và lên được 2-3 cơi lá có giá 30.000-40.000 đồng/cây.
Ông Nguyễn Văn Ngộ ngụ xã Trường Long A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, cho biết: "Để trồng cho 5,5 công đất, tôi chấp nhận mua 860 cây mít giống với giá 23.000 đồng/cây, nhưng chất lượng không được tốt. Mít ghép mới lên 1 cơi lá và gốc khá nhỏ, với đường kính chỉ cỡ 1 phân, đem về trồng thấy tỷ lệ bị hao hụt khá nhiều".
Theo ông Ngộ dù chưa có đơn vị, doanh nghiệp nào đứng ra đặt hàng sản xuất hay hứa bao tiêu đầu ra mít Thái, song, qua so sánh giữa nhiều loại cây trồng thì mít dễ trồng, nhẹ công chăm sóc và dễ thu hoạch, không phải tốn nhiều nhân công. Chỉ cần giá mít Thái giữ ở mức từ 10.000 đồng/kg trở lên là nông dân có thể "sống khỏe".
Cần đảm bảo đầu ra
Theo ông Trương Văn Nho, một nhà vườn đã có nhiều năm kinh nghiệm trồng mít Thái tại xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, mít Thái là loại cây ăn trái ngon và có giá trị dinh dưỡng cao, có nhiều tiềm năng phát triển, giúp nông dân làm giàu và thực tế cũng đã chứng minh điều này.
Trồng cây mít Thái cũng không quá nặng chi phí đầu tư ban đầu, cây có trái quanh năm, lại nhẹ công chăm sóc, dễ thu hoạch và dễ mang trái tươi đi xa tiêu thụ, cũng như chế được nhiều sản phẩm có thể để lâu ngày. Vấn đề là Nhà nước cần kịp thời quy hoạch, tổ chức sản xuất thành các khu vực tập trung gắn với sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Mít Thái siêu sớm đang được nhiều hộ dân huyện Phong Điền, TP Cần Thơ ưa trồng. Ảnh: Đài PTTH Cần Thơ.
Điều này nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, truy xuất được nguồn gốc và dễ dàng điều tiết sản lượng để đưa sản phẩm thâm nhập vào thị trường nhiều nước trên thế giới, chứ không chỉ tập trung xuất khẩu dạng tươi thô sang thị trường Trung Quốc như hiện nay.
Thời gian qua, trái mít Thái bán được giá cao do được nhiều tiểu thương và doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua trái tươi để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhiều chuyên gia cũng đã cảnh báo, rủi ro cho nhà nông là rất lớn khi đổ xô trồng giống mít Thái mà chưa có hợp đồng bao tiêu hay xuất khẩu ổn định.
Bởi nguồn cung trái mít Thái hiện đã có dấu hiệu vượt xa so với nhu cầu tiêu thụ trong nước, trong khi năng lực chế biến mít của các nhà máy trong nước còn hạn chế. Thực tế cho thấy, năm 2018 có thời điểm thị trường Trung Quốc tạm ngừng "ăn hàng" mít Thái, giá mít Thái loại 1 (loại khoảng 10 kg/trái trở lên) tại nhiều địa phương chỉ còn ở mức 5.000-6.000 đồng/kg, còn mít loại 2 giá chỉ 3.000-4.000 đồng/kg nhưng nông dân rất khó bán vì ít người đi thu mua.
Thương lái đang tích cực thu gom mít Thái ở Cần Thơ. Ảnh: CTV.
Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, giá mít Thái cũng có những diễn biến rất khó đoán, có thời điểm giá mít loại 1 lên ở mức trên 60.000 đồng/kg, nhưng cũng có thời điểm chỉ ở mức trên dưới 40.000 đồng/kg.
Hiện nay, các thị trường khó tính gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Úc đã cho phép nhập khẩu ngày càng nhiều các loại trái cây tươi của Việt Nam như: thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, xoài,... nhưng chưa có mít.
Còn các thị trường vốn được coi là dễ tính như Trung Quốc ngày càng siết chặt nhập khẩu nông sản tiểu ngạch và nâng cao hàng rào về kiểm dịch thực vật, quy định ngày càng khắt khe hơn đối với nông sản nhập khẩu, nhất là việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Do vậy, nếu nông dân cứ tiếp tục phát triển trồng mít Thái theo kiểu nhỏ lẻ, tự phát, không đảm bảo theo các tiêu chuẩn mới của thị trường sẽ rất khó tiêu thụ trong tương lai.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu chính ngạch đối với 8 loại quả tươi của Việt Nam gồm mít, thanh long, chôm chôm, xoài, nhãn, vải, dưa hấu và chuối. Bên cạnh yêu cầu cơ bản về kiểm dịch thực vật như giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, Trung Quốc cũng áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nhập khẩu, cụ thể trên bao bì phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói... |