Sáng nay (2/7), tại khách sạn Quân đội (Hà Nội), Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương, Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt cùng phối hợp tổ chức hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”.
Sáng nay (2/7), tại khách sạn Quân đội (Hà Nội), Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương, Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt cùng phối hợp tổ chức hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”.
Hội thảo có sự tham dự của ông Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; ông Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc Hội. Về phía Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt có Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập. Hội thảo còn có sự tham dự của nông dân từ nhiều vùng miền trên cả nước, chủ trang trại, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp và các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam bày tỏ nhiều kỳ vọng vào sự phát triển mới cho nông sản Việt trước những cơ hội khi gia nhập CPTPP.
"Chính phủ và Hội Nông dân Việt Nam cùng với người nông dân Việt Nam sẽ phải tập trung xây dựng hợp tác xã kiểu mới và doanh nghiệp nông nghiệp và liên kết 6 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà ngân hàng, nhà phân phối), ưu tiên phát triển một hệ thống ngành kinh doanh nông nghiệp hiện đại và ngành công nghiệp nông sản thực phẩm cùng với dịch vụ phân phối, kho vận được kết nối mạnh mẽ", Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh bày tỏ ấn tượng với khẩu hiệu của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: “Đoàn kết – Đổi mới – Chủ động – Hội nhập – Phát triển bền vững”. Theo Bộ trưởng, Hội nhập rõ ràng là một lựa chọn không thể đảo ngược của nước ta, nhất là khi chúng ta đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định với các tiêu chuẩn cao như CPTPP và EVFTA.
"Hội nhập là một lựa chọn không thể đảo ngược của nước ta, nhất là khi chúng ta đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định với các tiêu chuẩn cao như CPTPP và EVFTA. Thế nhưng, bức tranh Hội nhập không phải là màu hồng do những nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan. Trong đó, nông sản thường là hàng hóa dễ tổn thương nhất khi có xáo trộn, đối đầu trên thế giới...Tôi vui mừng nhận thấy, là cho đến nay gần như toàn bộ tất cả các Bộ, ngành và các tỉnh, thành tham gia Hội thảo ngày hôm nay đã hoàn tất Kế hoạch hành động và gửi cho Bộ Công Thương đăng lên trên trang thông tin điện tử chính thức của Chính phủ về Hiệp định CPTPP”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, Hiệp định CPTPP mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân. Để tận dụng tốt các cơ hội do thị trường này mang lại cũng như chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ở một sân chơi mới, doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét một số giải pháp như: Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm; cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển; cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn.
Đề cập đến giải pháp cho xuất khẩu nông sản Việt, bà Lê Hoàng Oanh - Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi (Bộ Công thương) cho rằng chúng ta cần có thái độ tiếp cận thị trường và Phương thức giao dịch. Trong đó, tiếp cận thị trường Trung Quốc như các thị trường khó tính khác (Mỹ, Nhật, Eu,..) và Phương pháp giao dịch thương mại chính quy.
Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc tham gia sâu vào các Hiệp định Thương mại kinh tế, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, Việt Nam sẽ gia tăng cơ hội tăng xuất khẩu. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt ở việc tăng sức ép đáng kể đến sức cạnh tranh với nhóm hàng nông lâm thủy sản và có thể đối mặt với nguy cơ thu hẹp sản xuất.
Hội thảo bao gồm hai phần. Trong lúc nghỉ giải lao, nhiều phóng viên báo chí đã phỏng vấn các khách mời tham dự Hội thảo. Trong ảnh: Đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam trả lời phỏng vấn các cơ quan thông tấn báo chí.
Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Chí Hiếu trả lời báo giới bên lề hội thảo.
Bước vào phần Hội thảo, ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư vào ngành công nghệ chế biến để cho ra đời những sản phẩm tươi, bảo quan được lâu dài hơn. "Chúng tôi đã làm được điều đó với quả dừa, chúng tôi có thể cung cấp dừa quanh năm. Thanh long VN rất ngon nhưng lại không bảo quản được lâu. VN cũng cần tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, công bằng với tất cả các nhà đầu tư. Và quan trọng nhất là phải giữ được uy tín khi hợp tác làm ăn với các thương nhân nước ngoài. Nhiều thương nhân Hàn Quốc khi bị bất tín trong làm ăn với thương nhân VN cũng không biết bấu víu vào đâu", ông nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội thảo. Theo ông, trong phát biểu của mình ông chỉ ra 5 hiểu nhầm của người dân hiện tại.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, qua hội thảo CPTPP "Cơ hội và Thách thức cho nông sản Việt", Trung Ương hội Nông dân sẽ có báo cáo Hội thảo trình lên ban bí thư, Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế hỗ trợ nông nghiệp. Nhà nước, doanh nghiệp còn nhiều việc phải làm, bắt đầu từ đổi mới tư duy, hành động trước cánh cửa CPTPP đang mở rộng, để tận dụng cơ hội phát triển nền kinh tế.
Hội thảo kéo dài 4 giờ đồng hồ thu hút đông đảo phóng viên báo chí Trung ương và địa phương trên địa bàn Hà Nội tham dự.