TTVH Online

Nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi: Thành công bước đầu

Phong Cầm 03/07/2019 13:15 GMT+7

Sáng qua (2/7), Bộ NNPTNT đã tổ chức họp bàn về một số kết quả bước đầu nghiên cứu vaccine, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Theo đánh giá mới nhất, kết quả bước đầu trong phòng thí nghiệm và thí điểm trên diện hẹp của vaccine này đều cho thấy rất khả quan.

Đem lại hy vọng cho người chăn nuôi

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay đã tròn 5 tháng kể từ khi xảy ra ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đầu tiên tại Hưng Yên (1/2/2019). Trên cả nước có khoảng 2,8 triệu con lợn phải tiêu hủy, chiếm xấp xỉ 10% tổng đàn, nhưng thực tế có thể nhiều hơn vì việc thống kê hiện nay chưa đo đếm được đến từng hộ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc sáng 2/7. Ảnh: M.H

"Về nhóm chế phẩm, trước mắt cần tổng kết quy trình sử dụng chế phẩm vi sinh để đưa vào ứng dụng thực tế; rà soát, tổng kết quy trình chăn nuôi an toàn sinh học để ra hướng dẫn mới về an toàn sinh học. Trước mắt, đây vẫn là vũ khí duy nhất phòng bệnh hiệu quả, còn vaccine cần tiếp tục thí nghiệm và để tiến tới sản xuất ra thương mại còn thời gian dài”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Theo Bộ trưởng, nguy cơ bệnh dịch vẫn tiếp tục xảy ra, đe doạ tới ngành chăn nuôi. Khi dịch xảy ra, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học được ngành nông nghiệp đặt lên hàng đầu, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu vaccine.

Một số người cho rằng, đặt ra nhiệm vụ này là bất khả thi trong bối cảnh thế giới gần 100 năm qua chưa nghiên cứu được, nhưng chúng ta vẫn quyết tâm làm và đến nay đã đạt được kết quả ban đầu rất tích cực.

Báo cáo về tình hình nghiên cứu bệnh DTLCP, bà Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Học viện đang thực hiện 7 đề tài nghiên cứu do Bộ NNPTNT giao, ngoài ra còn có 7 đề tài khác do Học viện chủ động thực hiện như thử chế phẩm nano bạc, thử độc lực virus trên lợn… Đáng chú ý, nghiên cứu vaccine vô hoạt đã bước đầu ghi nhận sự thành công.

Theo bà Lan, đến nay các nhóm nghiên cứu của Học viện đã tạo được vaccine vô hoạt thế hệ mới và bước đầu có kết quả tốt trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên diện hẹp.

Cụ thể, vaccine thử nghiệm đã được tiến hành tại 3 trại lợn bị bệnh DTLCP thuộc 3 hộ gia đình khác nhau ở Hưng Yên, Hà Nam và Thái Bình. Kết quả cho thấy, toàn bộ 16/18 lợn nái và 15 lợn thịt của 3 hộ gia đình này đều sống khoẻ mạnh sau hơn 2 tháng, một số nái đã đẻ và lợn con khoẻ mạnh. Trong khi những con lợn không được tiêm vaccine thì đều chết do DTLCP.

Đánh giá về độ an toàn của vaccine, bà Lan cho biết, vaccine an toàn đối với lợn được tiêm phòng và có hiệu quả bảo hộ cao đối với đàn lợn được tiêm phòng (có 83,3% số lợn sống khi công cường độc và 100% lợn sống khi nhiễm tự nhiên).

“Tuy nhiên với loại vaccine vô hoạt, cần tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm thêm trên diện rộng hơn. Trong khi đợi Bộ NNPTNT cấp kinh phí khẩn cấp cho nghiên cứu và sản xuất vaccine DTLCP, đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm cấp III, nhóm nghiên cứu cũng đã chuẩn bị từ 300-500 liều vaccine để phục vụ thí nghiệm. Hạn chế lớn nhất hiện nay là chúng ta chưa có cơ sở vật chất, thiết bị cần thiết để sản xuất vaccine quy mô công nghiệp”- bà Lan nhấn mạnh.

An toàn sinh học - vũ khí trước mắt

Ông Trần Xuân Hạnh – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) cho biết, nếu vaccine nghiên cứu thành công, chắc chắn công ty sẽ sản xuất được. Hiện Navetco cũng đang phối hợp với Chi cục Thú y vùng 6 nghiên cứu giảm độc virus bằng phương pháp truyền thống, cắt bỏ gen… và dự kiến 1 tháng nữa sẽ cho kết quả cụ thể.

Là một bác sĩ thú y, song đồng thời cũng là một chủ trang trại chăn nuôi quy mô 500 con lợn nái, ông Nguyễn Văn Bách – Tổng Giám đốc Công ty Amavet cho biết, bệnh DTLCP không nguy hiểm với người tiêu dùng, thịt lợn có thể ăn bình thường, nhưng nguy hiểm với các chủ trang trại vì nó có thể làm người chăn nuôi phá sản. Trang trại của ông Bách cũng bị chết 1 chuồng nuôi do nhiễm virus dịch tả, ngay lập tức ông tiến hành tiêu hủy triệt để lợn bị bệnh, cách ly đàn lợn, phun sát trùng đúng cách, đúng liều lượng và sử dụng sản phẩm Kangjuntai – một chất kháng khuẩn, kháng virus nhằm ức chế và kìm hãm sự nhân lên của virus (trộn đều vào thức ăn). 

“Kết quả cho thấy, đàn lợn còn lại vẫn phát triển khỏe mạnh. Trong lúc chưa có vaccine, chúng tôi cố gắng tìm cách sống chung với dịch. Muốn kiểm soát được dịch, phải hiểu được đặc điểm mạnh – yếu của virus, hiểu được con đường truyền lây, nhất là chủ trang trại, công nhân chăn nuôi phải thực hiện thận trọng, tỉ mỉ, kiểm soát từng bước mới thành công”- ông Bách nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho biết: Qua nghiên cứu các mô hình thí điểm, cho thấy việc sử dụng chế phẩm vi sinh probiotic trong thức ăn chăn nuôi có thể hạn chế được bệnh DTLCP. Thực tế chăn nuôi sinh học còn cho chất lượng thịt rất tốt, giảm chất thải ra môi trường. “Trong khi chờ vaccine thì người chăn nuôi có thể áp dụng mô hình An toàn dịch bệnh + an toàn sinh học + chế phẩm vi sinh. Tuy nhiên phải làm căn cơ bài bản mới có hiệu quả” – ông Dương khẳng định.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, chúng ta đang có kết quả bước đầu về vaccine nhưng không được chủ quan. Cần tiếp cận nghiên cứu theo hướng sáng tạo nhất, và mở thêm các hướng nghiên cứu khác. Phải nghiên cứu theo hướng những cá thể tồn tại có thể thích ứng được với virus hay không? Như trường hợp con gà rù, virus bệnh vẫn tồn tại trong cơ thể con gà nhưng không chết, vẫn sinh trưởng bình thường...

Minh Huệ
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN