Tại cuộc họp bàn về một số kết quả bước đầu nghiên cứu vaccine, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, một số con lợn nhiễm virus DTLCP nhưng vẫn sống khỏe và đây là nguồn vật liệu quan trọng để giới khoa học nghiên cứu, tìm ra những giống lợn có thể kháng bệnh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định việc nghiên cứu vaccine phòng chống DTLCP đang cho kết quả khả quan. Ảnh: M.H
Được biết, hiện nay chúng ta đã có những kết quả bước đầu về việc nghiên cứu vaccine phòng chống DTLCP, ông có thể cho biết đó là vaccine gì?
- Một trong những điểm đáng mừng trong công tác phòng chống DTLCP là chúng ta đã có những kết quả ban đầu trong việc nghiên cứu vaccine. Ngay từ đầu, chúng ta cũng đã xác định bên cạnh việc chăn nuôi an toàn sinh học, phải nghiên cứu bằng được vaccine để phục vụ chăn nuôi, khống chế dịch.
Qua 5 tháng, chúng ta đã có kết quả ban đầu tích cực. Trong đó, nghiên cứu của các nhà khoa học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam trên dòng vaccine vô hoạt thế hệ mới, khảo nghiệm trong phòng thí nghiệm và khảo nghiệm trên diện hẹp cho kết quả tốt.
Bên cạnh đó, Công ty CP thuốc thú y trung ương Navetco cũng đang phối hợp Chi cục Thú y vùng 6 triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khác nhau, kết quả trong phòng thí ngiệm cũng rất tốt.
Thứ hai, cùng với hướng nghiên cứu vaccine, chúng ta cũng đã nghiên cứu và thử nghiệm nhiều mô hình sử dụng chế phẩm sinh học và cũng cho kết quả rất tích cực. Chúng tôi đã kiểm tra tại nhiều trang trại, trong đó có trang trại quy mô 500 con lợn thì cho thấy, với việc sử dụng đồng bộ giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp với chế phẩm, có thể giúp nâng cao sức đề kháng của con lợn, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Có người nghi ngờ rằng ở các quốc gia tiên tiến đã trải qua dịch bệnh tới 60 năm mà chưa tìm ra vaccine, trong khi Việt Nam đã nhanh chóng có được kết quả khả quan. Liệu việc sản xuất vaccine có thể trở thành hiện thực?
- Phải khẳng định là chúng ta có quyền tin tưởng và sự quyết tâm rất lớn, không phải thế giới không làm được mà chúng ta lại chịu bó tay. Ngay từ đầu, Bộ NN&PTNT đã xác định việc nghiên cứu tìm ra vaccine là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tiến tới sản xuất vaccine. Niềm tin đó đang có câu trả lời, bởi chúng ta có đội ngũ nhà khoa học giỏi, cộng với 9 cơ sở sản xuất vaccine đảm bảo quy trình an toàn theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới. Đặc biệt, với niềm tin và sự quyết tâm rất cao, không có lẽ chúng ta lại chịu thua trước dịch bệnh này?
Bằng sự quyết tâm đó, có thể khẳng định hướng đi này đang có những thành công nhất định. Dĩ nhiên, để tiến tới sản xuất được vaccine, còn mất một thời gian dài và đầy gian nan nữa.
Nhưng với kết quả này và với sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan quản lí nhà nước, các nhà khoa học, doanh nghiệp, thậm chí cả người dân..., chúng tôi tin tưởng điều này sẽ trở thành hiện thực.
Đến thời điểm này, đã có 61 tỉnh, thành phố xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi với gần 3 triệu con lợn phải tiêu hủy. Ảnh: Dương Tường
Theo thông tin từ Chi cục Thú y vùng 6 cho thấy, có những con lợn đã bị nhiễm virus DTLCP nhưng sau một thời gian theo dõi vẫn sống khỏe mạnh. Chúng ta có nghiên cứu tìm hiểu xem vì sao lại có chuyện lạ đó, nhằm tìm ra giống lợn có khả năng kháng bệnh dịch nguy hiểm này?
- Phải thừa nhận một điều là thiên nhiên vốn cân bằng, tạo hóa hài hòa, do đó các loài sinh ra đều có một kháng thể nhất định trong cơ thể, có những đàn lợn bị nhiễm virus DTLCP, nhưng trong đàn lại có con vượt qua được dịch bệnh, vẫn sống khỏe mạnh.
Đây sẽ là nguồn vật liệu quan trọng để chúng ta nghiên cứu theo 2 hướng: Một là nghiên cứu những giống lợn có khả năng thích ứng với những loại bệnh như DTLCP và với các bệnh khác; thứ 2, từ những con lợn này, chúng tôi đã tiến hành lấy mẫu và gửi đi phân tích tại các cơ sở khoa học lớn trên thế giới để xem cấu trúc gen của con lợn đó như thế nào? Những chủng virus đang tồn tại trong cơ thể con lợn còn sống đó như thế nào để phục vụ nghiên cứu, tiến tới tìm ra phương pháp thích ứng, chủ động với dịch bệnh.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!