Theo thông tin mới nhất về cơn bão số 2 từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, khoảng 4h30-5h sáng nay (4/7), bão số 2 đã đổ bộ vào khu vực các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định.
Hồi 5h ngày 4/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh Hải Phòng-Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (50-75km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi sâu vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực trung du và vùng núi Bắc Bộ.
Ở khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) trong sáng sớm nay còn có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 11. Biển động rất mạnh.
Trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Dự báo mưa: Trong ngày hôm nay (4/7), ở Thanh Hóa và khu vực Tây Bắc Nghệ An có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 40-80mm/12 giờ, có nơi trên 100mm/12 giờ); từ đêm nay mưa giảm.
Trong ngày và đêm nay, ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Đông Bắc có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 50-150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ); vùng núi Bắc Bộ có mưa to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/ 24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ).
Khu vực Hà Nội: Có mưa vừa đến mưa to và giông. Trong mưa giông có gió giật mạnh.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết do bão đổ bộ vào sáng sớm nên nước biển dâng sau bão sẽ không đáng ngại. Nhưng đáng lo nhất là mưa lớn ảnh hưởng từ cơn bão trên phạm vi rất rộng, bắt đầu từ các tỉnh bắc Trung bộ lan ra đồng bằng Bắc bộ và các tỉnh Tây Bắc và Việt Bắc.
Dự báo mưa kéo dài cho đến hết ngày 6/7, lượng mưa cả đợt ở vùng núi Bắc bộ trong khoảng 100 - 200 mm/24 giờ, có nơi trên 250 mm/24 giờ, những khu vực còn lại có tổng lượng mưa từ 50 - 150 mm/24 giờ. “Mưa lớn tập trung ở các khu vực bắc Trung bộ vừa trải qua hạn hán, nắng nóng và cháy rừng. Miền núi phía bắc có mưa lớn đã xảy ra sạt lở đất ở nhiều nơi. Khi những khu vực này tiếp tục mưa lớn thì nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đặc biệt là lũ ống, lũ bùn ở khu vực vừa có cháy rừng rất cao”, ông Lâm cảnh báo.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, nhấn mạnh đến việc đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập trong mưa bão, nhất là các tuyến đê trọng yếu, xuống cấp và đang tiến hành sửa chữa; đồng thời yêu cầu Tổng cục PCTT đôn đốc các địa phương kiểm tra, rà soát đối với các công trình này, đặc biệt là hệ thống quai đê tại tỉnh Thái Bình. Đối với các địa phương dự báo có ngập úng, hệ thống cống, trạm bơm tiêu cũng cần có phương án vận hành linh hoạt trong ứng phó với mưa lớn.