TTVH Online

Gắn “mào” cho xe công nghệ: Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT “nghiên cứu lại”

Phong Cầm 23/07/2019 07:29 GMT+7

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu việc hủy bỏ quy định bắt buộc phải gắn hộp đèn trên nóc xe thay vào đó dùng công nghệ để quản lý.

Tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự An toàn giao thông chiều qua (22/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẩn trương báo cáo Thủ tướng nghị định thay thế Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu loại bỏ ngay các điều kiện không cần thiết, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào mạng lưới vận tải thay phương thức quản lý truyền thống.

“Đề nghị hủy bỏ quy định bắt buộc phải gắn hộp đèn trên nóc xe thay vào đó dùng công nghệ để quản lý; yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu việc này”, Thủ tướng nói.

Trước đó, Bộ GTVT đã  trình Thủ tướng dự thảo lần thứ 9 nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiệnkinh doanh vận tải bằng ô tô, sau khi đã thống nhất một số nội dung với Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an.

Tại dự thảo lần thứ 9, Bộ GTVT tiếp tục giữ quy định xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ (như xe Grab, Vato, Be) phải gắn hộp đèn “Xe hợp đồng” cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12x30 cm.

Theo Bộ GTVT, quy định này nhằm bảo đảm quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, xác định rõ hình thức ứng dụng hợp đồng điện tử với loại hình taxi.

Quy định này của Bộ Giao thông vận tải gặp phải nhiều ý kiến phản đối. Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng quy định xe công nghệ phải gắn mào như taxi truyền thống sẽ làm tăng chi phí vận hành của doanh nghiệp, gây khó cho cơ quan quản lý, chịu thiệt lớn nhất là người dùng và tài xế. Thậm chí, có chuyên gia cho rằng việc ‘đeo mào’ cho Grab là một tư duy quản lý cũ kỹ, lỗi thời và lạc hậu.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc ‘đeo mào’ cho xe công nghệ là một tư duy quản lý cũ kỹ, lỗi thời và lạc hậu.

Trước đó, góp ý cho dự thảo, Bộ Tư pháp cũng đề nghị bỏ quy định xe có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử (như Grab, Fastgo...) phải gắn bảng điện tử với chữ "Xe hợp đồng" cố định trên nóc xe. Bộ Tư pháp cho rằng, quy định này là không cần thiết vì dự thảo đã quy định tất cả loại xe hợp đồng đều phải có phù hiệu "Xe hợp đồng".

Về khái niệm kinh doanh vận tải bằng ôtô, Bộ Tư pháp yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu lại quy định này. Hiện tại, theo dự thảo nghị định mới nhất, kinh doanh vận tải bằng ôtô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

Bộ Tư pháp cho biết, theo quy định trên thì bất kỳ đơn vị nào thực hiện một công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc công đoạn quyết định giá cước vận tải đều bị coi là kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Góp ý dự thảo này, VCCI cũng đề nghị bỏ quy định lắp hộp đèn, quy định này không nhằm mục đích quản lý nào (nếu quản lý loại hình kinh doanh thì đã có phù hiệu). Đồng thời, không phục vụ mục đích nhận diện khách hàng, bởi xe hợp đồng không giống xe taxi, khách hàng không cần nhận biết ở trên đường.

“Trong khi đó quy định này lại gây tốn kém chi phí không cần thiết cho người kinh doanh (chi phí làm hộp đèn), đồng thời hạn chế đáng kể thị trường kinh doanh. Ví dụ, các xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng trong đám cưới, đám ma…”,VCCI nhấn mạnh quan điểm.

PV
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN