PTT Vương Đình Huệ: “Việt Nam phát triển ổn định giữa thế giới bất định”

P.V Thứ sáu, ngày 22/02/2019 16:03 PM (GMT+7)
“Tôi đặt câu hỏi với các chuyên gia là dự báo nào chắc chắn nhất? Họ trả lời rằng điều chắc chắn nhất là chưa có gì chắc chắn. Bối cảnh Thế giới năm 2018 bất định như vậy mới thấy ý nghĩa của thành tựu chúng ta đạt được. Việt Nam vẫn phát triển ổn định giữa điều kiện Thế giới bất định!”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Bình luận 0

img

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: "Việt Nam vẫn phát triển ổn định giữa điều kiện Thế giới bất định!”. (Ảnh: Internet)

Việt Nam phát triển ổn định giữa Thế giới bất định

Sáng 22.2, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2019.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ biểu dương những kết quả tích cực mà Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đạt được trong năm 2018. Nhìn lại TTCK Việt Nam năm 2018, Phó Thủ tướng đánh giá: “2018 là năm thị trường chứng khoán Việt Nam vượt khó thành công. Có lúc VnIndex tăng lên mốc lịch sử 1.204 điểm, rồi tựu chung cả năm lại giảm điểm. Nhưng tăng về quy mô, và mức giảm điểm của Việt Nam chẳng ăn thua gì với Thế giới”.

Dẫn chứng câu chuyện FED điều chỉnh lãi suất tới 4 lần trong năm 2018 và những diễn biến căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiết lộ: “Tôi đặt câu hỏi với các chuyên gia là dự báo nào chắc chắn nhất? Họ trả lời rằng điều chắc chắn nhất là chưa có gì chắc chắn. Bối cảnh Thế giới năm 2018 bất định như vậy mới thấy ý nghĩa của thành tựu chúng ta đạt được. Việt Nam vẫn phát triển ổn định giữa điều kiện Thế giới bất định!”.

Theo Phó Thủ tướng, vốn hóa toàn thị trường hiện đã bằng 110% GDP, bằng tổng dư nợ tín dụng vào giai đoạn cuối năm 2015, đầu năm 2016. Điều quan trọng hơn là cơ cấu thị trường thay đổi theo hướng tích cực. Trước đây, 80% trái phiếu Chính phủ do các tổ chức tín dụng nắm, giờ chỉ còn chiếm 39 - 40%, còn lại các quỹ nắm. Trái phiếu Chính phủ phát hành trước đây chỉ có kỳ hạn 2 - 3 năm, giờ kéo dài tới hơn 10 năm và lãi suất giảm xuống. Kết quả, không chỉ Chính phủ, mà các DN cũng huy động được vốn. Năm 2018, TTCK Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường huy động vốn thành công nhất trong số các quốc gia ASEAN, vượt qua Singapore.

Kết quả đó cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đóng góp một phần không nhỏ cho thành công của nhiều doanh nghiệp, thông qua huy động vốn, các doanh nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh và phát triển, giảm áp lực vay ngân hàng; hỗ trợ tốt cho công tác cổ phần hóa , tạo ra một cơ cấu thị trường vốn Việt Nam cân đối hơn, hiệu quả hơn, hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Việc Việt Nam được bổ sung vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi loại 2 theo báo cáo thường niên tháng 9 của tổ chức FTSE Russell công bố ngày 27.9.2018 cũng là một trong những động thái hết sức tích cực tại thời điểm cuối năm 2018.

Mục tiêu phát triển TTCK Việt Nam tới năm 2025

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, ngoài việc huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu ra công chúng trên thị trường chứng khoán, việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng cần được đẩy mạnh do kênh huy động vốn này hiện quy mô còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp các nước trong khu vực.

Theo đó, Bộ Tài chính cần đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước gắn với niêm yết thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, cần nghiêm túc công khai doanh nghiệp đã cổ phần hóa, đủ điều kiện nhưng chưa niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, kiên quyết xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu vi phạm.

“Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kế hoạch lên tổng thể và tham vọng là cơ cấu lại và phát triển TTCK Việt Nam trước mắt tới năm 2020 và lộ trình tới năm 2025 chứ không phải ăn đong từng năm. Phấn đấu đến năm 2020, thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP, số lượng nhà đầu tư đạt 3% dân số. Đồng thời tạo cơ chế phát triển nhà đầu tư chuyên nghiệp, đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán, triển khai chứng quyền có đảm bảo”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

img

“Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính xây dựng, đề xuất khung nhất định để trình Chính phủ trình Quốc hội cho phép thí điểm Đề án phát triển thị trường chuyên biệt cho startup, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, năm 2019 đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước phối hợp với với các Bộ, ngành liên quan tập trung triển khai những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Thứ nhất, tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán theo hướng lành mạnh, minh bạch, an toàn, bền vững có khả năng chống lại các cú sốc, va đập từ bên ngoài.

Thứ hai, tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về cả chất và lượng của thị trường chứng khoán, nâng cao vai trò vị thế của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế. Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Luật Chứng khoán, thể chế hóa các nội dung quan trọng, đảm bảo sự đồng bộ phù hợp với các luật quan trọng khác.

Thứ ba, triển khai quyết liệt các giải pháp nêu tại Đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán và bảo hiểm đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường phái sinh với tính chất cung cấp công cụ tài chính phòng vệ rủi ro, phát triển các sản phẩm mới cho thị trường chứng khoán. Nâng cao chất lượng phát hành và niêm yết chứng khoán, khuyến khích phát triển đa dạng các dịch vụ tài chính hỗ trợ cho sự tăng cường minh bạch và bền vững của thị trường.

Thứ tư, đối với khối các công ty niêm yết, đăng ký giao dịch, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần phải mạnh dạn tận dụng kênh thị trường chứng khoán để huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ tổ chức tín dụng.

Thứ năm, đối với khối các tổ chức trung gian kinh doanh chứng khoán trên thị trường, đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban chứng khoán tập trung đẩy mạnh công tác tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tiếp tục thanh lọc các tổ chức kinh doanh chứng khoán yếu kém về quy mô vốn và chất lượng dịch vụ.

Thứ sáu, tích cực khơi thông dòng vốn nước ngoài thông qua các giải pháp chính sách cụ thể, thiết thực, góp phần phát triển thị trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại tiếp cận thông lệ quốc tế để sớm đạt mục tiêu về nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thứ bảy, tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Trong đó, tăng quyền tiếp cận thông tin, ưu tiên thiết lập các cơ chế giám sát, cảnh báo sớm, có kịch bản phòng ngừa khủng hoảng, bảo đảm hoạt động ổn định, an ninh tài chính quốc gia.

Thứ tám, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và điều hành thị trường tài chính, thị trường chứng khoán; phát huy các nguồn lực xã hội cho nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; coi đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp là một đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao nhiệm vụ: “Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính xây dựng, đề xuất khung nhất định để trình Chính phủ trình Quốc hội cho phép thí điểm Đề án phát triển thị trường chuyên biệt cho startup, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem