PVN trước nỗi lo tổn thất 5.785 tỷ đồng ở Lọc hoá dầu Nghi Sơn

Nguyên Phương Thứ ba, ngày 18/02/2020 13:00 PM (GMT+7)
Sau 6 tháng đầu năm 2019, khoản trích lập dự phòng của PVN cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã tăng lên 5.785 tỷ đồng. So với giá gốc đầu tư là 12.669 tỷ đồng, tỷ lệ trích lập dự phòng đã chiếm tới 45%.
Bình luận 0

img

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn nhìn từ trên cao. (Ảnh minh hoạ).

PVN loay hoay với khoản ưu đãi thuế ở Lọc hoá dầu Nghi Sơn

Còn nhớ, tại văn bản tổng hợp Báo cáo kết quả giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2019, trọng tâm là đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính từng cho biết, tính đến thời điểm 30/11/2019, Bộ này chưa nhận được đầy đủ báo cáo giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2019 của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Trong đó, có 2 đơn vị đại diện chủ sở hữu của nhiều doanh nghiệp quy mô lớn  được Bộ Tài chính nêu cụ thể là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và UBND TP.HCM.

“Đến thời điểm ngày 30/11/2019, Bộ Tài chính mới nhận được báo cáo giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2019 của 10/19 tập đoàn, tổng công ty; còn 09/19 tập đoàn, tổng công ty, UBQLVNN tại doanh nghiệp chưa gửi báo cáo giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2019 là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnamairlines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triên đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV)”, Bộ Tài chính nêu cụ thể.

img

Quang cảnh Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn về đêm. (Ảnh minh hoạ).

Và tất cả phải chờ tới những ngày đầu tháng 2/2020, khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gửi đến Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp BCTC riêng lẻ bán niên 2019 đã kiểm toán. Trong đó, khoản đầu tư của PVN vào Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn - đơn vị quản lý, vận hành nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn - tiếp tục ghi nhận tín hiệu kém khả quan.

Nhìn lại năm 2018, dù ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu đột biến trong năm, song lợi nhuận sau thuế của PVN chỉ đạt 28.050 tỷ đồng, giảm 8,22% so với năm 2017. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới kết quả nêu trên do khoản cổ tức, lợi nhuận được chia từ các đơn vị thành viên của PVN giảm tới 3.024 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài ra, doanh nghiệp phải trích lập dự phòng tổn thất khoản đầu tư tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn với giá trị 2.875 tỷ đồng.

Còn sau 6 tháng đầu năm 2019, khoản trích lập dự phòng của PVN cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã lên tới 5.785 tỷ đồng. So với giá gốc đầu tư là 12.669 tỷ đồng, lượng trích lập dự phòng đã chiếm tới 45%. Giá trị hợp lý của khoản đầu tư chỉ còn 6.884 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của PV, Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ USD, quy mô 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Dự án này được vận hành thương mại vào ngày 14/11/2018.

Song theo thông tin từ PVN, năm 2018, Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) lỗ kế hoạch 1.379 tỷ đồng, doanh thu đạt 29.323 tỷ đồng, đạt 18% kế hoạch năm.

Ngoài ra, dự án này còn một vấn đề khiến PVN lo lắng. Đó là việc bù thuế do bao tiêu sản phẩm dự án. Cụ thể, thuế nhập khẩu dầu từ ASEAN hiện nay (0%) đã thấp hơn giá trị ưu đãi cho Lọc dầu Nghi Sơn.

Trong khi đó, theo thỏa thuận giữa Chính phủ (do PVN thay mặt ký với liên doanh nhà đầu tư), dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn không chỉ được áp giá bán buôn các sản phẩm của mình tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu mà còn được cộng vào giá bán thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen... ).

Đặc biệt, theo thỏa thuận với liên danh nhà đầu tư lọc dầu Nghi Sơn, trong 10 năm, nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm bù cho Lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này.

Còn theo thông tin mới đây, trên cơ sở Nghị quyết của HĐTV PVN vào ngày 3/4/2019, PVN tạm thời tách nghĩa vụ ưu đãi tương đương thuế nhập khẩu và ảnh hưởng thuế TTĐB phát sinh tương ứng kể từ ngày vận hành thương mại Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn tới 30/6/2019 khỏi kết quả hoạt động kinh doanh của PVN và ghi nhận vào khoản mục phải thu ngắn hạn khác cho đến khi Đề án tổng thể xử lý nguồn thực hiện nghĩa vụ ưu đãi tương đương thuế nhập khẩu và ảnh hưởng thuế TTĐB tương ứng được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Dấu hỏi khoản đầu tư vào PVEP

Bên cạnh thông tin về khoản đầu tư vào Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, kiểm toán viên của Deloitte Việt Nam cũng đã đưa ra kết luận ngoại trừ với khoản đầu tư của PVN vào PVEP.

Tại PVEP, ngày 31/12/2018, PVN cũng ghi nhận khoản đầu tư tài chính dài hạn vào PVEP theo giá trị gốc ban đầu. Song theo kiểm toán viên của Deloitte Việt Nam, do không thể thu nhập được các bằng chứng kiểm toán thích hợp về sự suy giảm giá trị của khoản đầu tư này tại ngày 31/12/2018, do đó kiểm toán viên đã đưa ra ý kiến ngoại trừ ảnh hưởng của vấn đề này tới BCTC riêng của PVN cho năm tài chính kết thúc cùng ngày.

“Do số dư dự phòng đầu tư tài chính đầu năm có ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ của công ty, chúng tôi không thể xác định được ảnh hưởng có thể có tới chỉ tiêu lợi nhuận trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ và số dư lợi nhuận chưa phân phối đầu kỳ trong Bảng cân đối kế toán giữa niên độ của kỳ hoạt động 6 tháng, kết thúc ngày 30/6/2019”, kiểm toán viên của Deloitte Việt Nam cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem