Quả bóng vàng Việt Nam 2020 Nguyễn Văn Quyết – “Vàng mười” không sợ lửa! - Ảnh 1.

Những ngày cách đây hơn 20 năm, ở vùng quê Hữu Bằng, Thạch Thất (Hà Tây cũ nay là Hà Nội), cậu bé Nguyễn Văn Quyết mải mê chạy theo trái bóng được kết bằng rơm, có khi là đó là trái bưởi, sau này là bóng nhựa với ước mơ một ngày nào đó trở thành cầu thủ, được chạy trên sân cỏ xanh mướt, được ti vi truyền hình trực tiếp như các chú, các anh Đỗ Mạnh Dũng, Nguyễn Hồng Sơn, Trương Việt Hoàng, Nguyễn Đức Thắng, Thạch Bảo Khanh… cùng Thể Công vô địch quốc gia 1998. Một ngày, sân bóng làng xã, đến huyện bỗng trở nên "chật hẹp" đối với Văn Quyết và em đã một mình tìm đường tới Trung tâm bóng đá Viettel xin tập luyện.

Thời gian qua đi, vượt qua hàng loạt cuộc kiểm tra, sàng lọc khắt khe từ thể trạng đến kỹ thuật, tư duy chiến thuật như lớp lớp cầu thủ Thể Công từng phải đối mặt, Văn Quyết được giữ lại. Nhưng đúng vào lúc đấu trường V.League tưởng như ở rất gần thì anh cùng các bạn bè cùng lứa lại rơi vào cảm giác mất phương hướng khi "tượng đài" Thể Công bị xóa tên đúng dịp kỷ niệm 55 năm thành lập!

Đúng ở thời điểm bắt đầu khẳng định được mình ở các tuyến trẻ Viettel, đang tràn đầy hy vọng nhất, Văn Quyết lại phải đối diện với nỗi thất vọng. Cảm giác lúc ấy có thể dùng từ nào để diễn tả?

- Hụt hẫng! Tôi từng cảm thấy mình may mắn khi có thể trụ lại ở Viettel sau bao thử thách. Với tôi, được chơi bóng chuyên nghiệp trong màu áo đội bóng giàu truyền thống Thể Công là niềm tự hào. Ở Viettel, tôi được làm việc, được dạy bảo bởi những cựu danh thủ như bác Nguyễn Cao Cường – chân sút huyền thoại của bóng đá Việt Nam, chú Đỗ Mạnh Dũng, Nguyên Sỹ Long, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Thanh Hải…

Quả bóng vàng Việt Nam 2020 Nguyễn Văn Quyết – “Vàng mười” không sợ lửa! - Ảnh 3.

Cơ hội mở ra trước mắt lứa 9x chúng tôi khi lứa các anh kế trên (Thể Công 87) như Trịnh Quang Vinh, Nguyễn Ngọc Duy, Nguyễn Quốc Long, Phạm Minh Đức, Nguyễn Công Huy… được chọn đi Đức, Bulgaria tập huấn với mục tiêu trở thành những trụ cột, tìm lại ánh hào quang cho Thể Công.

Chúng tôi từ "kép phụ" bỗng trở thành "kép chính" và đều rất cố gắng để một ngày được khoác áo đội 1 Thể Công tại V.League, vậy mà…

Khi V.League 2009 kết thúc, Thể Công được chuyển giao cho Thanh Hóa thi đấu V.League 2010. Còn lứa chúng tôi mang tên Viettel thi đấu giải hạng Nhất.

Lúc ấy hoang mang lắm nhưng tôi cũng chỉ biết tự nhủ cố gắng tập luyện, cống hiến hết sức cho đội bóng mà thôi. Tôi còn trẻ và còn nhiều cơ hội.

Và cũng rất nhanh, cơ hội đã đến với Văn Quyết trong màu áo Hà Nội T&T (Hà Nội FC) hiện nay…

- Giải hạng Nhất QG 2010 lúc ấy mỗi đội có 3 ngoại binh chứ không sử dụng toàn nội binh như bây giờ. Để có được suất đá chính, ban đầu tôi cũng bỡ ngỡ khi phải cạnh tranh rất nhiều trên hàng công. Sau này nghĩ lại, đúng là mỗi khi vượt qua được những giới hạn, càng khó khăn bao nhiêu mình sẽ trưởng thành bấy nhiêu. Mùa giải hạng Nhất 2010 tôi chơi tốt, ghi được 8 bàn, là "vua phá lưới nội". Đó có thể coi là bước đệm tuyệt vời, thành quả cho những nỗ lực không ngừng của bản thân tôi.

Chuẩn bị cho mùa giải 2011, Công ty cổ phần thể thao Hà Nội T&T mua lại đội hạng Nhất Viettel và thi đấu hạng Nhất QG 2011 với tên Hà Nội. Đây lại là một bước ngoặt tiếp theo trong sự nghiệp của tôi khi được chọn sang Hà Nội T&T chơi V.League năm đó.

"Lại một thử thách nữa đến với mình rồi", tôi nghĩ vậy. Hà Nội T&T lúc đó là đương kim vô địch V.League, trong đội hình có rất nhiều cầu thủ giỏi từ nội binh tới ngoại binh Brazil như trung vệ Cristiano, tiền vệ Benicio, tiền đạo người Argentina Gonzalo, Lê Công Vinh, Lê Hồng Minh, Thạch Bảo Khanh…

Là cầu thủ trẻ, tôi chỉ biết tập luyện chăm chỉ, ra sân cố gắng hết mình. Tôi biết ơn HLV Phan Thanh Hùng – người đã tin tưởng, tạo cơ hội cho tôi ra sân thường xuyên ngay từ những ngày đầu ở Hà Nội T&T và có những đóng góp cho đội bóng.

Với HLV Phan Thanh Hùng, điều quan trọng là bạn phải phù hợp với triết lý, lối chơi tập thể của đội bóng, đáp ứng đấu pháp chiến thuật. Không có cá nhân nào quan trọng hơn tập thể. Dù bạn có là cầu thủ "sao số" đến đâu, khi tới đội bóng đều phải hiểu điều đó.

Suy nghĩ ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi cho tới bây giờ. Tôi luôn nghĩ, cá nhân mình có thể "thiệt thòi" một chút nhưng thành tích tập thể phải luôn được tối ưu.

Quả bóng vàng Việt Nam 2020 Nguyễn Văn Quyết – “Vàng mười” không sợ lửa! - Ảnh 3.

Tôi biết Văn Quyết từ khi còn là cầu thủ trẻ khoác áo U19 Việt Nam  đá bại U21 Thái Lan giành ngôi vô địch giải U21 quốc tế 2010, cho tới khi anh được định danh VQ10 – người đội trưởng mẫu mực của những "người hùng Thường Châu" trong màu áo Hà Nội FC.

Những "hạt ngọc" của Hà Nội FC như Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Hậu, Đức Huy, Quang Hải…, đều ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi cách nghĩ, cách hành động của Văn Quyết cả trên sân cỏ lẫn cuộc sống. Danh hiệu  Quả bóng vàng Việt Nam 2020 của Văn Quyết  vì thế không chỉ mang ý nghĩa chuyên môn, mà còn là sự thừa nhận ý chí, nghị lực, sự kiên nhẫn hoàn thiện, vượt lên chính mình của anh đúng với tinh thần Olympic "Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn"…

Quả bóng vàng Việt Nam 2020 Nguyễn Văn Quyết – “Vàng mười” không sợ lửa! - Ảnh 4.

Năm 2020, Văn Quyết đã nhận được nhiều giải thưởng: Cầu thủ xuất sắc nhất V.League, Quả bóng vàng Việt Nam, VĐV tiêu biểu số 1 của Thể thao Việt Nam năm 2020. Mọi thứ cứ như được dồn nén và "bùng nổ" đúng thời điểm?

- Tính từ khi tôi đến với Trung tâm Viettel năm 2005 khi 14 tuổi thì lúc này đã có 16 năm "ăn bóng đá, ngủ bóng đá". Bóng đá là môn chơi của cảm xúc, bóng đá chính là cuộc đời nên không tránh khỏi có nhiều thời điểm khó khăn, có thắng-có thua, có thành công-thất bại nhưng chưa lúc nào tôi ngừng cố gắng, chưa bao giờ có suy nghĩ dừng lại.

Tôi không có thói quen suy nghĩ về những gì đã qua hoặc tính toán tương lai đường dài. Tôi chủ yếu tập trung vào thời điểm hiện tại, chuẩn bị tốt cho từng trận đấu, trân trọng mỗi giây phút của cuộc sống, được ra sân tận hưởng bầu không khí cuồng nhiệt từ các khán đài.

Không chỉ năm 2020 vừa qua mà trong suốt những năm chơi bóng, chưa bao giờ tôi ngừng nỗ lực vươn lên. Nhưng vì một phút giây bột phát nào đó, tôi đã vấp váp.

Tôi nghĩ đơn giản đó là những gì mình phải vượt qua, tích lũy thêm kinh nghiệm, trưởng thành, chín chắn hơn, biết kiểm soát cảm xúc và có thái độ đúng mực, chuyên nghiệp.

Danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam 2020 thực sự rất cảm xúc đối với tôi. Tôi được giới truyền thông, giới chuyên môn và người hâm mộ thừa nhận. Đương nhiên, vẫn còn những ý kiến này khác nhưng tôi nhận thấy đa phần mình được ủng hộ, đó là niềm tự hào.

Quả bóng vàng Việt Nam 2020 Nguyễn Văn Quyết – “Vàng mười” không sợ lửa! - Ảnh 5.

Văn Quyết từng là Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm 2010, 2011. Tiếp đến là Quả bóng bạc Việt Nam 2014, 2015. Và nếu không có pha xô đẩy trọng tài Hoàng Phạm Công Khanh tại V.League 2016 có lẽ Quả bóng vàng đã tới với Quyết sớm hơn?

- Tất cả đã qua lâu rồi. Trên sân tôi là đội trưởng, mình phải máu lửa, phải hô hào anh em thì anh em mới "máu" chứ.

Tôi không bao giờ có ý nghĩ chơi ác ý hay triệt hạ ai cả. Nếu có va chạm, xong tình huống, anh em cầu thủ đều hiểu và chia sẻ. Tôi chỉ muốn làm những gì tốt nhất cho đội bóng.

Quả bóng vàng Việt Nam 2020 Nguyễn Văn Quyết – “Vàng mười” không sợ lửa! - Ảnh 7.

Về pha xô đẩy trọng tài, đúng là lúc đó mình nóng giận. Nhưng tôi khẳng định không tự nhiên mình lại làm thế được.

Trong bóng đá, nhiều tình huống có thể xảy ra và đôi khi mình không thể kiểm soát hết. Tôi đã phải nhận hình thức kỷ luật từ VFF, không được gọi lên ĐT Việt Nam… tôi cũng buồn lắm chứ. Nhưng buồn mãi thế nào được, mình phải hành động và tôi lại ra sân tập luyện.

Những giọt mồ hôi trên sân tập giúp tôi cảm thấy thoải mái hơn, tìm được trạng thái cân bằng trở lại để chuẩn bị tốt hơn cho chặng đường phía trước.

Cuộc sống luôn có những thử thách mà bản thân mỗi người đều phải vượt qua. Môi trường bóng đá Việt Nam có một thời nhìn đâu cũng "gờn gợn" mà Văn Quyết là một trong những người hiểu rõ nhất sau thất bại SEA Games 2011…

- Tại SEA Games 2011, U23 Việt Nam bị chủ nhà U23 Indonesia loại ở bán kết, sau đó thua tiếp U23 Myanmar trong trận tranh HCĐ, cả đội đều rất buồn. Tôi lúc ấy là cầu thủ trẻ chỉ biết tập luyện ra sân cống hiến chứ không để ý gì đến những chuyện hậu trường.

Năm ấy khi trở về nước, tôi cũng không suy nghĩ nhiều. Mạng xã hội cũng chưa phát triển như bây giờ nên cũng không đọc báo, không biết thông tin gì. Sau này thấy bảo có nghi ngờ tiêu cực khi Trọng Hoàng đá hỏng phạt đền. Còn tôi không ăn mừng khi Văn Thắng ghi bàn ấn định chiến thắng 3-1 phút cuối trận vòng bảng với U23 Lào.

Thời điểm đó đúng là "sốc", chẳng biết phải nói gì, đành để thời gian trả lời vậy!

Theo tôi, muốn bóng đá phát triển thì phải chuyên nghiệp từ lãnh đạo đội bóng, ban huấn luyện, cầu thủ, trọng tài, giới truyền thông đến các CĐV… Sau kỳ tích giành HCB U23 châu Á (Thường Châu, Trung Quốc), các cầu thủ cũng đã được nhìn nhận đúng đắn hơn khi công nghệ, truyền thông phát triển, các đội bóng cũng chuyên nghiệp hơn trước.

Điều quan trọng nữa là các anh lớn như chúng tôi cũng phải làm gương cho các em nhìn vào. Những bài học của thế hệ chúng tôi cũng giúp các em trẻ thay đổi, tránh những sai sót để đi đến cùng sự nghiệp.

Nói về ước mơ, không chỉ cá nhân tôi mà mọi cầu thủ Việt Nam đều mong một ngày bóng đá Việt Nam khẳng định rõ vị thế ở tốp đầu châu lục, có mặt tại ngày hội bóng đá thế giới World Cup.

Nhưng suy nghĩ, mơ ước là một chuyện, điều quan trọng là chúng ta phải cùng nhau hành động, gắn kết để biến ước mơ thành hiện thực.

Trước mắt, tôi mong ĐT Việt Nam giành vé lọt tới vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á. Những thành tích liên tiếp của các đội tuyển dưới thời HLV Park Hang-seo sẽ góp phần "xóa sạch" những nghi ngờ về một thời bóng đá Việt Nam "tranh tối tranh sáng".

Quả bóng vàng Việt Nam 2020 Nguyễn Văn Quyết – “Vàng mười” không sợ lửa! - Ảnh 7.

Trong suốt cuộc trò chuyện cùng Dân Việt, Văn Quyết đề nghị không nói về gia đình. Tôi hiểu, với Quyết, gia đình là những gì riêng tư nhất cần được nâng niu, tôn trọng và "bảo mật". Mọi người có thể bắt gặp Văn Quyết đưa vợ con đi uống cafe vào một buổi sáng cuối tuần, hay nhìn thấy anh chơi bóng cùng con trai trong những ngày không thể ra sân sát cánh cùng đồng đội vì chấn thương. Tất cả những sự kiện quan trọng nhất trong đời cầu thủ của Văn Quyết như khi cùng Hà Nội FC lên ngôi vô địch V.League, Cúp QG, đoạt Siêu Cúp, Gala tôn vinh danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất V.League, Quả bóng vàng Việt Nam 2020… cũng luôn có sự hiện diện của vợ con anh.

Văn Quyết cũng khéo vun đắp tình yêu thương, niềm đam mê bóng đá cho con trai khi đưa con đến một số nơi, tham dự chương trình bóng đá cộng đồng mà anh cùng các đồng đội tham gia.

Sau tất cả, hãy cảm nhận tầm quan trọng, thiêng liêng của gia đình đối với Văn Quyết qua chính những hình ảnh đời thường mà bạn vô tình bắt gặp đâu đó, chứ không phải qua lời kể.

Quả bóng vàng Việt Nam 2020 Nguyễn Văn Quyết – “Vàng mười” không sợ lửa! - Ảnh 8.

Với Quyết, Hà Nội FC như một gia đình thứ 2?

- Đó không phải là suy nghĩ của riêng tôi đâu mà với tất cả cầu thủ Hà Nội từ tuyến trẻ lên đội 1. Đời cầu thủ, không có nhiều người may mắn được thi đấu, cống hiến cho một đội bóng có ông chủ như bầu Hiển – người có tình yêu bóng đá vô cùng lớn, luôn biết quan tâm, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cầu thủ.

Quả bóng vàng Việt Nam 2020 Nguyễn Văn Quyết – “Vàng mười” không sợ lửa! - Ảnh 9.

Bầu Hiển thường nói một câu: "Các cháu cứ yên tâm tập trung thi đấu". Chỉ như vậy là đủ để động viên tinh thần anh em. Tôi vẫn nhớ trận đấu trên sân Long An ở V.League 2013 – trận đấu quyết định mang về chiếc Cúp vô địch sớm 1 vòng đấu và là Cúp vô địch V.League đầu tiên của tôi cùng Hà Nội, bầu Hiền dù rất bận với công việc kinh doanh vẫn xuống tận Long An để cổ vũ cho đội nhà đăng quang sau chiến thắng 2-1.

Suốt 15 năm qua kể từ khi mới thành lập năm 2006 đến nay, tất cả các thành viên đội bóng chưa bao giờ phải bàn tán về chế độ, lương thưởng. Sự ổn định ở đội bóng cực cao, như một gia đình với nhiều lớp thế hệ chung sống, người đi trước làm gương cho lớp kế cận nhìn theo, tiếp nối. Đó cũng là động lực, là điều để các lớp "U" nhìn vào đó cố gắng.

Đó là lý do mà dù có nhiều đội bóng nước ngoài mời xuất ngoại với mức đãi ngộ "khủng", Văn Quyết vẫn từ chối?

- Về câu chuyện này, tôi muốn nhắc tới AC Milan – đội bóng yêu thích của tôi một chút. Đây là đội bóng có những cầu thủ cả đời trung thành với màu áo sọc đỏ đen như Maldini, Baresi. Chiếc áo số 3 và số 6 của họ cũng đã được "treo vĩnh viễn", trở thành biểu tượng, được lưu giữ trân trọng trong phòng truyền thống CLB.

Quan điểm của tôi cũng vậy. Trước đây tôi ở Viettel và chờ đợi một ngày nào đó được khoác áo Thể Công, có thể là mãi mãi. Nhưng rồi Thể Công bị xóa tên, tôi mới tới Hà Nội theo sự chuyển giao của đội bóng.

Đến giờ quan điểm của tôi vẫn thế, chỉ khi CLB không dùng tôi nữa, tôi mới ra đi. Tôi không muốn tự mình liên hệ, độc lập phá vỡ mối quan hệ giữa mình và CLB.

Viettel, Hà Nội FC, bầu Hiển, HLV Phan Thanh Hùng là những cái tên có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của Văn Quyết. Vậy có cầu thủ nào là hình mẫu để Văn Quyết học tập?

- Với tôi, mọi cầu thủ V.League và quốc tế đều có điểm hay cho tôi học hỏi. Để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, họ phải vượt qua rất nhiều thách thức. Tất cả đều là những cầu thủ giỏi, có tố chất tốt, có ý chí, nghị lực, có những điểm mạnh, điểm yếu khác nhau.

Vấn đề là họ chưa có cơ hội phát huy sở trường của mình hoặc thiếu may mắn mà thôi.

Điều đó cũng tương tự như với các HLV. Ví dụ tôi ấn tượng với cách xây dựng lối chơi, xây dựng đội bóng rất tự tin của Pep Guardiola. Nhưng Pep cũng không phải là tất cả, mỗi người đều có một cách nhìn, đánh giá riêng.

Tôi may mắn có cơ hội làm việc với rất nhiều HLV nội, ngoại ở cả cấp độ CLB và các đội tuyển quốc gia. Tôi đúc kết được nhiều kinh nghiệm cho riêng mình khi trả lời câu hỏi: Tại sao HLV này lại dùng mình ở thời điểm này, với ý đồ chiến thuật này; nhưng HLV khác lại có suy nghĩ khác.

Những kinh nghiệm ấy giúp tôi chia sẻ được với các cầu thủ trẻ, giúp họ tiến bộ hơn.

Mỗi khi nhìn thấy các đồng nghiệp, các em trẻ thành công tôi cảm thấy rất vui, như niềm vui mà chính tôi đã trải qua.

Còn khi bản thân tôi thành công, tôi lại nghĩ nhiều hơn tới đối thủ, người thua cuộc và chia sẻ với họ. Đơn giản, bản thân tôi cũng từng thất bại nhiều trước khi có được những thành công!

Cảm ơn Văn Quyết về cuộc trò chuyện cởi mở này! Nhân Ngày Thể thao Việt Nam 27/3, chúc Văn Quyết cùng Hà Nội FC hoàn thành mục tiêu vô địch V.League, Cúp QG, khẳng định vị thế của đội bóng hàng đầu châu lục tại AFC Cup 2021 nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập.

Quả bóng vàng Việt Nam 2020 Nguyễn Văn Quyết – “Vàng mười” không sợ lửa! - Ảnh 10.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem