Quá chậm giải ngân vốn đầu tư công: Lãnh đạo địa phương than thở hàng loạt "nỗi khổ"

An Linh Thứ bảy, ngày 28/05/2022 07:01 AM (GMT+7)
"Giá sắt thép, xi măng tăng ảnh hưởng rất lớn, nhà thầu càng làm càng lỗ nên họ chờ được bù giá. Cộng thêm vướng mắc giải phóng mặt bằng, có dự án tới hơn 300 ngày, gồm cả quá trình thi công và tái định cư", Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy nói.
Bình luận 0

Tại cuộc họp với các địa phương nhằm rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tìm giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, chiều 27/5, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Tổ trưởng, Tổ công tác số 5 của Thủ tướng về giải ngân vốn đầu tư công đã họp cùng lãnh đạo 5 tỉnh thành phố là Bắc Ninh, Hà Nam, Đà Nẵng, Hải Dương và Quảng Nam bàn giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

"Tắc" nhiều ở dự án nhóm A vì "rừng" thủ tục, quy định

Theo Báo cáo của 5 địa phương thuộc trách nhiệm kiểm tra của Tổ công tác số 5, không chỉ chưa phân bổ hết vốn đầu tư, mà giải ngân vốn còn chậm.

Chủ tịch Hà Nam: "Sắt thép, xi măng tăng giá, nhà thầu càng làm càng lỗ" - Ảnh 1.

Địa phương cho rằng một trong các lý do khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm là giá vật liệu tăng, nhà thầu chờ bù giá.

Tổng vốn đầu tư ngân sách giao cho 5 tỉnh thành trên là gần 28.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 5.500 tỷ đồng, vốn địa phương là 22.400 tỷ đồng.

Đến hết ngày 4/5, giải ngân của 5 địa phương trên chỉ là 4.327 tỷ đồng, đạt 14,2 % kế hoạch địa phương giao lại và đạt 15,4% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức bình quân của cả nước là 16,36%.

Có 3/5 địa phương (Bắc Ninh, Hà Nam, Đà Nẵng) có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 15%. Có 4/5 địa phương chưa thực hiện giải ngân vốn ODA hoặc giải ngân với tỷ lệ rất thấp (tỉnh Quảng Nam đạt 1,9%).

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Dũng cho rằng, các địa phương phải làm rõ nguyên nhân ở đâu? Do chúng ta chưa quyết liệt, do giá nguyên vật liệu tăng cao, hay do giải phóng mặt bằng; từ đó đề xuất giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Về phía địa phương, nguyên nhân giải ngân chậm được các lãnh đạo địa phương khẳng định là các cơ chế chính sách, thủ tục hành chính rườm rà, phát sinh thời gian, chi phí.

Lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố nêu: Khó khăn vướng mắc tập trung chủ yếu ở các dự án nhóm A, các dự án có quy mô lớn, có tính chất liên kết vùng. Bởi với các dự án này, thủ tục, trình tự, thiết kế kỹ thuật, dự toán, thủ tục đấu thầu... phải lấy ý kiến của nhiều cơ quan liên quan, làm kéo dài phê duyệt dự án và giải ngân các dự án

Ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết: Tỉnh đã giải ngân được 15,5% kế hoạch giao, do năm 2022 là năm đầu tiên triển khai dự án nhiệm kỳ mới nên thủ tục, trình tự đầu tư mất rất nhiều thời gian.

Giá sắt thép, xi măng tăng, nhà thầu lỗ chờ bù giá

"Mỗi bước quy trình ít nhất mất tới 30-35 ngày, đấu thầu mất tới 30 ngày, còn nếu cho phép chỉ định thầu thì rút ngắn được thời gian. Ngoài ra giá sắt thép, xi măng tăng ảnh hưởng rất lớn, nhà thầu càng làm càng lỗ nên họ chờ để bù giá. Cộng thêm vướng mắc giải phóng mặt bằng, có dự án tới hơn 300 ngày, gồm cả quá trình thi công và tái định cư", ông Huy nhấn mạnh.

Chủ tịch Hà Nam: "Sắt thép, xi măng tăng giá, nhà thầu càng làm càng lỗ" - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT họp bàn 5 địa phương bàn thúc đẩy vốn đầu tư công (Ảnh Bộ KH&ĐT).

Ông Huy cũng chỉ ra thêm, hiện nay tính giá đất cũng có bất cập, mặc dù đang được sửa đổi quy định, nhưng nếu không sớm ban hành thì tất cả các tỉnh đều tắc. Chẳng hạn có tới 2 thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường có những điểm vướng, nên các địa phương khó áp dụng.

Lãnh đạo các địa phương đều thừa nhận thực trạng dự án đầu tư công trước khi khởi công phải mất nhiều thời gian triển khai thủ tục lập, thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, các thủ tục về đấu thầu...

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành ở một số cơ quan đơn vị, chủ đầu tư chưa thực sự tập trung, quyết liệt thiếu quyết tâm chính trị, vai trò của người đứng đầu còn hạn chế. Thậm chí, có tình trạng một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu yếu kém về năng lực, chuyên môn; kỷ cương kỷ luật chưa nghiêm, công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, việc xử lý các vi phạm, chậm trễ trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công chưa kịp thời, nghiêm minh...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng để đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công, các địa phương cần biết chính xác tình hình địa phương mình, quá trình triển khai dự án cụ thể, về thể chế, pháp luật, quy định có vướng mắc gì… để từ đó có kiến nghị, giải pháp cụ thể.

"Trong bối cảnh vừa triển khai kế hoạch đầu tư công, vừa phải phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nếu không quyết tâm thực hiện, không kịp thời tháo gỡ thì không thể hấp thụ vốn, ảnh hưởng tới mục tiêu kế hoạch mà Chính phủ đặt ra," Bộ trưởng Dũng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem