Quan chức Nhà Trắng: "Châu Âu đứng cùng chiến tuyến với Mỹ trong vấn đề Trung Quốc"

13/08/2020 11:16 GMT+7
Thứ trưởng Bộ tư pháp Mỹ John Demers mới đây tuyên bố Châu Âu đang xích lại gần hơn với Washington trong quan điểm về mối đe dọa từ Bắc Kinh sau hàng loạt động thái mà Trung Quốc thực hiện tại Hồng Kông và Khu tự trị Tân Cương.
Châu Âu đứng cùng chiến tuyến với Mỹ trong thái độ với Trung Quốc - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ John Demers

Thứ trưởng John Demers hiện là người đứng đầu cơ quan chống gián điệp của Bộ Tư pháp Mỹ. Hôm 12/8 (giờ Mỹ), tại hội nghị của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, ông này tuyên bố: “Chúng tôi tồn tại nhiều bất đồng với các nước Châu Âu, nhưng sự thật là rút cuộc chúng tôi và Châu Âu cùng chia sẻ những giá trị chính trị tương đồng. Điều đó rất hữu ích trong những cuộc thảo luận song phương”.

“Những gì đã xảy ra ở Hồng Kông và Tân Cương” đang cho thấy sự thất hứa và mối đe dọa từ chính phủ Bắc Kinh, ông Demers khẳng định.

Trong thời gian qua, chính phủ Mỹ đã không ngừng thúc đẩy các đồng minh, đặc biệt là các nước Châu Âu cấm các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei “nhúng tay” vào cơ sở hạ tầng mạng 5G thế hệ mới.

Nỗ lực này biến thành một chương trình mà Bộ Ngoại giao Mỹ đặt tên là Clean Network (Mạng Sạch), trong đó yêu cầu các đồng minh Châu Âu phát triển một tiêu chuẩn chung về kỹ thuật số nhằm loại bỏ “mối đe dọa lâu dài với quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu, nhân quyền” từ các ứng dụng mạng của Trung Quốc.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tổ chức, ông John Demers cho hay Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston từ lâu đã được đặt dưới sự theo dõi chặt chẽ của Cục Điều tra Liên bang FBI do cáo buộc là “sân sau” cho hoạt động đánh cắp tài sản trí tuệ nhân tạo của Bắc Kinh tại Mỹ. Theo vị Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ, “không phải ngẫu nhiên” mà Washington yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc này hồi tháng trước. “Tổng thống Trump đã nhận được thông tin về khoảng 50 trường hợp có dấu hiệu của các hoạt động gián điệp công nghệ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ để phục vụ lợi ích của Trung Quốc tại 30 thành phố khác nhau trên toàn nước Mỹ. Lãnh sự quán Houston chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi”.

Ông John Demers nhấn mạnh mối quan ngại của chính phủ Mỹ về việc ứng dụng TikTok của Trung Quốc có thể phục vụ hoạt động thu thập dữ liệu cá nhân nhạy cảm cho Bắc Kinh. Ông Trump mới đây đã đưa ra “tối hậu thư” buộc ByteDance bán hoạt động tại Mỹ của TikTok cho Microsoft hay bất cứ công ty Mỹ nào trước ngày 15/9 hoặc sẽ bị cấm cửa. Tổng thống Mỹ cũng ký lệnh hành pháp cấm mọi công dân, doanh nghiệp Mỹ thực hiện giao dịch với TikTok và WeChat trong vòng 45 ngày, viện dẫn mối đe dọa an ninh quốc gia.

Chưa dừng lại ở đó, Thứ trưởng John Demers cũng nhấn mạnh nguy cơ từ các giao dịch của Trung Quốc với các nước Châu Âu trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát. Ông này mô tả lời đề nghị hỗ trợ của Bắc Kinh với các nước Châu Âu là “hơi nhiệt tình thái quá khi đưa ra những nỗ lực cứu viện đồ bảo hộ cá nhân; nhưng lại yêu cầu ngược lại các nước phải công khai cảm ơn vì đã nhận được sự hỗ trợ tuyệt vời từ Trung Quốc”.

“Khi bạn làm như vậy, những hành động cứu trợ đã đi lệch hướng. Cũng giống như khi bạn hỗ trợ nhân đạo nhưng lại đòi hỏi sự bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc vậy”. Theo ông Demers, chính cách làm như vậy của Bắc Kinh đã đẩy Châu Âu đến gần hơn với Washing ton.

Hiện đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa đưa ra bình luận nào về những tuyên bố mới nhất của ông Demers.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục