Quan hệ Trung - Úc căng thẳng, Trung Quốc vẫn đổ bộn tiền mua nước ngọt?

Thứ hai, ngày 13/07/2020 12:17 PM (GMT+7)
Khi căng thẳng Trung Úc leo thang, Canberra đang ngày càng quan ngại về hành vi mua nước ngọt tại Úc của Bắc Kinh. Tính từ tháng 6/2019 đến nay, các nhà đầu tư Trung Quốc sở hữu 756 gigalit, tương đương 1,9% lượng nước có sẵn để bán trên thị trường Úc.
Bình luận 0

Trung Quốc đang gia tăng sở hữu nguồn nước từ tay người Úc

Trung Quốc có "âm mưu" gì khi đổ bộn tiền mua nước ngọt tại Úc giữa lúc hạn hán? - Ảnh 1.

Khi Úc đối diện khủng hoảng nguồn nước trầm trọng, các nhà đầu tư Trung Quốc đổ bộn tiền mua nước từ tay người Úc

Châu Úc là lục địa khô cằn nhất hành tinh. Tại Úc, nước đã trở thành hàng hóa giao dịch tại một số địa phương từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Sau 4 thập kỷ, cho đến nay, thị trường mua bán nước đã phát triển thành ngành công nghiệp trị giá 3 tỷ AUD (2,08 tỷ USD), lớn nhất toàn cầu.

Nông dân Úc được nhà nước trao quyền thực hiện các giao dịch trên thị trường nước cho bất kỳ đối tượng nào, kể cả các thực thể nước ngoài. Dù cơ quan chính phủ sẽ thực hiện công tác đăng ký quyền sở hữu nước ngọt với các thực thể này, nhưng chi tiết các khoản mua thường không được công khai.

Hồi tháng trước, Báo cáo thường niên của Hội đồng xét duyệt đầu tư nước ngoài FIRB (Úc) cho thấy đăng ký sở hữu nước ngoài về quyền lợi nước ngọt được công bố cho thấy Trung Quốc hiện là chủ sở hữu nước ngoài lớn nhất về nước ngọt tại Úc. Xếp ở vị trí thứ hai là Mỹ với một khoảng cách khá mong manh.

Cụ thể, tính từ tháng 6/2019 đến nay, các nhà đầu tư Trung Quốc sở hữu 756 gigalit, tương đương 1,9% lượng nước có sẵn để bán trên thị trường Úc. Các nhà đầu tư Mỹ nắm trong tay 713 gigalit, tương đương 1,85%. 

Số nước ngọt thuộc sở hữu của nước ngoài tại Úc đã tăng từ 10,4% vào tháng 6/2018 và lên 10,5% trong cùng kỳ năm 2019.

Năm ngoái là năm nóng kỷ lục trong lịch sử nước Úc, hạn hán và cháy rừng lan rộng khắp lục địa. Chi phí nước tăng từ 20 AUD/ 1 triệu lit sau những trận mưa lớn lên tới 1.000 AUD/ 1 triệu lit trong thời gian hạn hán đỉnh điểm. 

Giá nước cũng thay đổi theo từng tiểu bang. Ví dụ, ở Tây Úc, trung bình hàng quý người dân phải trả hóa đơn nước khoảng 233 AUD, trong khi con số này ở bang Tasmania lên tới 365 AUD.

Khi nước ngày càng trở nên đắt đỏ, hàng loạt phương tiện truyền thông nước này đã quay sang chỉ trích Trung Quốc, cáo buộc rằng đây là một âm mưu của Bắc Kinh ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh nước Úc. 

Một MC truyền hình trên đài phát thanh nổi tiếng nước Úc thậm chí trò chuyện với thính giả rằng Trung Quốc đang “cướp nguồn nước” của Úc "bằng cả hai tay". Căng thẳng Trung - Úc khởi phát từ vụ dịch Covid-19 càng hâm nóng thêm những luồng chỉ trích như vậy.

Nhưng giáo sư Quentin Grafton, giám đốc Trung tâm Kinh tế, Môi trường và Chính sách của Đại học Quốc gia Úc thì lạc quan hơn, cho rằng quyền sở hữu nước ngọt tại Úc của Trung Quốc không gây ra mối đe dọa đáng kể nào. 

“Bạn không thể di chuyển cánh đồng của bạn, nhưng bạn có thể di chuyển nguồn nước. Khi tình trạng hạn hán diễn ra, đây điều mà chúng ta thường làm… Vấn đề ở đây không phải ai là người sở hữu nước. Bởi vì dù họ đến từ đâu, Mỹ, Trung Quốc hay Úc, nước cũng sẽ không thất thoát ra ngoài Úc. Không thể xuất khẩu nước ra nước ngoài”.

Ông Quentin nhấn mạnh rằng thay vì tập trung mũi nhọn vào quyền sở hữu nước của Trung Quốc, các phương tiện truyền thông nên chú ý đến vấn nạn khai thác nước quá mức hoặc thiếu minh bạch về sở hữu. “Quan trọng hơn cả việc tìm hiểu xem ai sở hữu nước; chúng ta cần quản lý chính xác lượng nước là bao nhiêu, ở đâu, sử dụng cho mục đích gì”.

Khủng hoảng nguồn nước trầm trọng tại Úc

Trung Quốc có "âm mưu" gì khi đổ bộn tiền mua nước ngọt tại Úc giữa lúc hạn hán? - Ảnh 3.

Một hồ khai thác nước tại Úc

Vấn đề về quyền sở hữu nước của Trung Quốc nổi lên trong bối cảnh Úc bước vào giai đoạn khô và nóng nhất trong nhiều thập kỷ. Thời tiết tại lục địa này cực đoan đến nỗi người dân nhiều bang phải trải qua cái nóng hơn 40 độ C và mưa bão dữ dội chỉ trong một ngày. Các chuyên gia khí tượng thậm chí còn cảnh báo những viễn cảnh tồi tệ hơn khi cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra những hệ lụy nặng nề.

Hồi năm ngoái, Cục Khí tượng Úc tuyên bố năm 2019 là năm nóng nhất và khô nhất từng được ghi nhận. Các bụi cây héo khô vì thiếu nước trầm trọng khu lượng mưa giảm mạnh đã trở thành tác nhân làm bùng lên đám cháy rừng kéo dài hàng tháng trời.

Trong thời điểm đó, nước không chỉ là yếu tố sống còn trong hoạt động canh tác nông nghiệp của Úc mà còn là vũ khí mạnh mẽ trong việc chữa cháy hay cứu hộ. Tuy nhiên, thực tế vụ hỏa hoạn năm ngoái đã chỉ ra chính phủ Úc chưa đáp ứng lượng nước lưu trữ phù hợp để đối phó với nguy cơ hỏa hoạn cao như vậy.

Nhiều nhà phân tích đã phê bình ngân sách quá lớn của chính phủ Úc cho quốc phòng khi nước này cam kết tăng 85% chi tiêu quốc phòng từ 32,4 tỷ AUD năm 2016 lên 58,7 AUD vào năm 2025. Họ chỉ ra rằng rủi ro từ biến đổi khí hậu có thể lớn hơn nhiều rủi ro từ các yếu tố quốc phòng. 

Vụ cháy rừng năm 2019 là một minh chứng thực tế. Do đó, có khả năng tham vọng tăng trưởng ngân sách quốc phòng sẽ được tạm gác lại để nhường chỗ cho khoản chi tiêu hàng trăm tỷ AUD ngân sách nhằm giảm thiểu cháy rừng và hạn hán, nước biển dâng...

Thùy Dung (SCMP - Reuters)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem