Quản lý thị trường vào cuộc, thẻ đeo diệt khuẩn, chống virus corona vẫn tràn lan

Thanh Phong Thứ ba, ngày 03/03/2020 15:08 PM (GMT+7)
Thời gian vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã liên tục phát hiện và xử lý hành vi buôn bán các loại thẻ đeo diệt khuẩn, chống virus corona. Tuy nhiên, các loại thẻ trên vẫn được rao bán công khai trên các trang mạng xã hội (MXH).
Bình luận 0

"Loạn" thẻ đeo diệt khuẩn, chống virus

Hiện nay, trên các trang MXH, sàn thương mại điện tử xuất hiện nhiều thông tin quảng cáo các mặt hàng thẻ đeo được giới thiệu có công dụng diệt khuẩn, chống virus với các thương hiệu đến từ Nhật Bản như: Virus Shut Out, Virus Clodewash,… Với rất nhiều mẫu mã, giá thành dao động từ hơn 100.000 đồng đến gần 300.000 đồng.

Cụ thể, trên trang fanpage Facebook Red Door - Hàng Nhật Nội Địa rao bán sản phẩm thẻ Virus Shut Out với lời quảng cáo có công dụng ngăn ngừa các loại vi khuẩn. Theo quảng cáo của fanpage trên, loại thẻ này xuất xứ từ nước Nhật, tuy nhiên, tại quốc gia này, mặt hàng trên đã bị cấm đưa sang nước khác.

QLTT vào cuộc, thẻ đeo diệt khuẩn, chống virus vẫn tràn lan - Ảnh 1.

Fanpage Facebook Red Door - Hàng Nhật Nội Địa quảng cáo ản phẩm thẻ Virus Shut Out.

"Bên Nhật, Thẻ diệt khuẩn mỗi người chỉ được mua 1 chiếc - hôm nay đã cấm không cho mang ra khỏi nước! Thế mà dân ta được dùng mà còn nghi ngờ về chất lượng!

Ở Nhật sử dụng rất phổ biến, cho những người hay chăm bệnh nhân ở bệnh viện; học sinh, sinh viên, người đi làm hay sử dụng phương tiện công cộng, Nhật ko làm cái gì vô ích đâu ạ", trích bài quảng cáo fanpage Red Door- Hàng Nhật Nội Địa.

Theo đó, một thẻ kháng khuẩn được cơ sở này bán có giá 160.000 đồng và có tác dụng dùng cho 30 ngày. Thành phần được giới thiệu gồm một số chất tiêu diệt làm sạch vi khuẩn quanh thân và ngăn chặn các chủng cúm thông thường.

Lần theo địa chỉ số nhà 51 ngõ 24 Đặng Tiến Đông (Đống Đa, Hà Nội) trên fanpage, pv Dân Việt tìm đến cửa hàng Red Door- Hàng Nhật Nội Địa. Tuy nhiên, tại cơ sở này, khi khách hàng hỏi mua mặt hàng thẻ kháng khuẩn Virus Shut Out, người bán hàng tỏ vẻ đề phòng.

"Nhà em hết hàng rồi anh ơi! Mặt hàng đó nhà em chỉ nhập về mấy cái cho một số khách quen thôi!", người bán hàng này nói.

QLTT vào cuộc, thẻ đeo diệt khuẩn, chống virus vẫn tràn lan - Ảnh 2.

Người bán hàng tại cơ sở trên phố Đặng Tiến Đông Red Door - Hàng Nhật Nội Địa chỉ nhận đặt hàng qua mạng và từ chối bán hàng trực tiếp.

Sau khi thông báo hết hàng, người này nghe điện thoại và cầm chiếc túi nilon có sản phẩm thẻ Virus Shut Out bên trong đưa cho một người giao hàng đã đợi sẵn ngoài cửa.

Ghi nhận tình trạng trên, sau khi rời khỏi cửa hàng, phóng viên đã gọi điện lại để đặt hàng giao nhận tại nhà. Trái với thái độ đề phòng khi khách đến hỏi mua trực tiếp, người bán hàng tư vấn rất nhiệt tình, ngay lập tức hỏi địa chỉ và số lượng để giao hàng.

Không chỉ cơ sở trên, một số website, sàn thương mại điện tử như: kyotosho.vn, hangngoainhap.com.vn, shopee,… cũng rao bán các loại thẻ kháng khuẩn, diệt virus với giá từ hơn 100.000 đồng đến gần 300.000 đồng.

Thực hư tác dụng loại thẻ "thần thánh"

Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 do virus corona, không ít gia đình, nhất là những nhà có trẻ nhỏ, người già, người có bệnh mãn tính đã không ngần ngại bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua loại thẻ diệt vi khuẩn, chống virus xem như "tấm bùa" hộ mệnh.

Tuy nhiên, đại diện Vụ Trang thiết bị y tế đã nhiều lần khẳng định trước truyền thông, hiện nay Bộ Y tế chưa cấp phép lưu hành cho bất kỳ loại thẻ nào có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus như quảng cáo rao bán trên mạng xã hội.

QLTT vào cuộc, thẻ đeo diệt khuẩn, chống virus vẫn tràn lan - Ảnh 3.

Rất đông người tiêu dùng đặt mua các sản phẩm thẻ kháng khuẩn, diệt virus.

Ngoài ra, PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng thông tin thêm, thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng của Bộ Y tế chưa nhận được thông tin chính thức nào từ các nhà khoa học hay chuyên gia phòng bệnh truyền nhiễm, chống dịch của các tổ chức quốc tế về việc đeo thẻ giúp phòng dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 do virus corona chưa có khuyến cáo về phương pháp phòng bệnh bằng loại thẻ này. Trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào khuyên người dân sử dụng loại sản phẩm như trên để phòng ngừa Covid-19.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương nhận định, các thông tin về một số loại thẻ diệt khuẩn trên mạng xã hội đa phần chỉ đề câu khách, bán hàng.

Cụ thể, theo bác sĩ Cấp, acid cloric (HClO3) là một acid mạnh, nếu tiếp xúc với bông vải sợi hay da thịt, nó có thể đốt cháy luôn, nên không thể thấm vào thẻ đeo an toàn với da thịt. Còn carbon dioxide chính là khí carbonnic (CO2). Không thể có dạng kết hợp nào giữa natri cloric acid với carbon dioxide mà có tác dụng diệt vi khuẩn, virus, phấn hoa trong không gian, càng không thể đeo thẻ trước cổ để tạo được hàng rào vô hình như quảng cáo.

Được biết, trong thời gian vừa qua lực lượng Quản lý thị trường, cơ quan chức năng trên cả nước liên tục phát hiện các lô hàng thẻ diệt khuẩn buôn lậu. Cụ thể, 17h ngày 19/2, Đội Cảnh sát kinh tế (CAQ Thanh Xuân) phối hợp đội Quản lý thị trường số 12 tiến hành kiểm tra đối tượng có biểu hiện nghi vấn đang chào bán hàng tại khu vực cổng chợ thuốc Hapulico 85 Vũ Trọng Phụng.

QLTT vào cuộc, thẻ đeo diệt khuẩn, chống virus vẫn tràn lan - Ảnh 4.

Lực lượng chức năng liên tục phát hiện, xử lý hành vi buôn bán trái phép các loại thẻ diệt khuẩn, virus thời gian qua.

Theo đó, cơ quan chức năng phát hiện số lượng lớn gần 300 thẻ đeo được giới thiệu có tác dụng diệt virus do nước ngoài sản xuất. Qua quá trình kiểm tra, số hàng hóa trên không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm định chất lượng.

Đại diện đội Cảnh sát kinh tế (CAQ Thanh Xuân) cho hay, số hàng trên được đối tượng Phạm Tiến Mạnh (sinh năm 1997, nguyên quán Thái Nguyên) được nhập lậu từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam và được quảng cáo trên mạng xã hội có tác dụng làm sạch không khí xung quanh, ngăn chặn vi khuẩn, virus có hại như corona.

Ngày 27/2, Đội QLTT số 12 (Cục QLTT tỉnh Gia Lai) xử phạt 2.000.000 đồng với ông Lương Tấn Dũng, chủ cơ sở kinh doanh Mỹ phẩm Halo nằm trên địa bàn TP. Pleiku vì hành vi chào bán 20 sản phẩm được cho là thẻ đeo diệt virus mang nhãn hiệu Virus Shut Out có xuất xứ Nhật Bản không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, Đội QLTT số 12 đã theo dõi trang mạng xã hội facebook.com/HaloCosmeticsKT của cơ sở kinh doanh Halo. Theo đó, fanpage này thường xuyên quảng cáo thẻ đeo diệt virus mang nhãn hiệu Virus Shut Out với công dụng: "Khi đeo thẻ sẽ làm sạch không khí xung quanh, ngăn ngừa vi khuẩn, virus có hại như virus Corona".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem