Quân y nơi đầu sóng Trường Sa

Khánh Gia Thứ sáu, ngày 12/03/2021 06:05 AM (GMT+7)
Giữa biển khơi muôn trùng sóng gió, nhiều năm qua, đội ngũ y, bác sĩ quân y luôn là chỗ dựa tin cậy của người dân và cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại các đảo ở Quần đảo Trường Sa.
Bình luận 0

Nhiều trường hợp khẩn cấp đã được quân y kịp thời cấp cứu, cứu sống, nhờ vậy mà cán bộ chiến sĩ yên tâm công tác, ngư dân yên tâm khi đánh bắt xa bờ.

Ở nơi đầu sóng ngọn gió, dù điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các bệnh xá quân y, Trung tâm Y tế ở Trường Sa còn thiếu thốn so với đất liền, song các y, bác sĩ quân y thực sự là "từ mẫu" khi tham gia cứu chữa bệnh cho ngư dân, đồng đội.

Cấp cứu giữa biển khơi

Chúng tôi gặp ngư dân Nguyễn Đức Thiện (quê ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) khi anh được điều trị tại bệnh xá đảo Sơn Ca, quần đảo Trường Sa. Anh Thiện kể, anh hành nghề lặn biển, mỗi chuyến đi đánh bắt ở ngư trường Trường Sa thường kéo dài cả tháng. Trong lần lặn biển quá sâu lại lên mặt nước nhanh, anh đã bị sốc và giảm áp đột ngột, anh được bạn tàu nhanh chóng đưa vào đảo Sơn Ca cấp cứu. Mặc dù tình trạng rất nặng, nhưng với sự hỗ trợ tích cực và kịp thời của các bác sĩ, anh đã qua cơn hiểm nghèo.

Quân y nơi đầu sóng Trường Sa - Ảnh 1.

Các bác sĩ quân y thực hiện ca mổ cấp cứu cho ngư dân tại bệnh xá Hoàng Sa. Ảnh: P.V

Giữa muôn vàn khó khăn, lực lượng y, bác sĩ trên quần đảo Trường Sa đã thực sự làm chủ trang thiết bị y tế hiện đại, sẵn sàng thăm khám, cấp cứu, chữa bệnh, điều trị kịp thời cho nhân dân, ngư dân, cán bộ và chiến sĩ đang công tác trên tuyến đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

"Tôi bị nạn được đưa vô đây, được các bác sĩ, y tá trên đảo Sơn Ca cứu chữa kịp thời. Những ngày nằm điều trị ở bệnh xá, tôi được giúp đỡ rất tận tình. Các y bác sĩ và cán bộ, chiến sĩ đã sinh ra tôi lần thứ 2. Tôi cũng không biết nói gì hơn là xin cảm ơn các bác sĩ và anh em trên đảo Sơn Ca"- anh Thiện xúc động chia sẻ.

Còn ngư dân Lê Văn Dũng (sinh năm 1965, quê ở Tuy Hòa, Phú Yên) được đưa vào bệnh xá đảo Trường Sa cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc chậm, liệt nửa người bên trái, tiểu đại tiện không tự chủ. Anh được chẩn đoán đột quỵ xuất huyết bán cầu phải. Ngay khi tiếp nhận, các y bác sĩ đã kết nối trực tuyến với Bệnh viện Quân y 175 hội chẩn và phẫu thuật kịp thời nên bệnh nhân Dũng đã được cứu sống.

Quyết đoán chính xác

Theo thiếu tá - bác sĩ Phan Quang Thịnh - Bệnh xá trưởng Đảo Trường Sa, bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe cho quân dân trên đảo thì thời gian qua bệnh xá tiếp nhận 2 loại bệnh rất thường gặp và khá nguy hiểm ở ngư dân đánh bắt cá xa bờ, đó là viêm ruột thừa cấp và giảm áp do lặn biển sâu. Điều kiện nơi đảo xa khó khăn hơn trong đất liền, khối lượng công việc ở trên đảo cũng nhiều và đa dạng hơn vì các y bác sĩ phải xử lý tất cả các loại bệnh từ đơn giản đến phức tạp. Bên cạnh đó lực lượng y bác sĩ lại thiếu nên bản thân mỗi cán bộ quân y không chỉ riêng đảo Trường Sa mà ở các đảo khác trên quần đảo Trường Sa đều phải tự trau dồi kiến thức thông qua việc học và đọc thêm sách, tài liệu mới đáp ứng được yêu cầu công việc.

Quân y nơi đầu sóng Trường Sa - Ảnh 3.

Cấp cứu cho ngư dân trên đảo Tiên Nữ. Ảnh: P.V

Mặt khác, do đặc thù nơi biển đảo nên hầu hết các y, bác sĩ phải độc lập tác chiến, trước đây khi cơ sở vật chất thiếu thốn, trong nhiều trường hợp cần thiết các bác sĩ ở đảo sẽ nhờ tư vấn từ đất liền qua điện thoại hoặc ghi điện phim, chụp ảnh lại rồi gửi email để các bác sĩ ở các bệnh viện trong đất liền như Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, 103… xem và chẩn đoán.

Nhưng giờ đây tại bệnh xá đảo, nhiều thiết bị như máy chụp X quang, máy siêu âm, gây mê cho đến hệ thống truyền dữ liệu và hội chuẩn từ xa đã được trang bị, giúp các y, bác sĩ trên đảo được tham khảo chuyên môn trong xử lý nhanh chóng các ca bệnh khó. Do vậy, chẩn đoán đúng bệnh và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp ở Trường Sa đặc biệt quan trọng.

Ở mỗi đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa đều có 1 bác sĩ quân y. Do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế thiếu thốn hơn rất nhiều so với các đảo khác, nên những bác sĩ quân y ở nơi đầu sóng ngọn gió này, vừa phải luôn tự học để nâng cao trình độ chuyên môn lại vừa phải độc lập, quyết đoán trong mọi tình huống.

Trung úy Phạm Quang Việt - y tá đảo Tiên Nữ cho biết, kể từ khi nhận công tác trên đảo, dù điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế còn khá thiếu thốn so với đất liền nhưng bản thân anh luôn cố gắng hết sức trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đã có rất nhiều lượt cán bộ, chiến sĩ và đặc biệt là ngư dân được quân y đảo Tiên Nữ chăm sóc sức khỏe, cứu chữa kịp thời.

Còn đại úy, bác sĩ Bùi Công Hưng ở đảo Đá Đông chia sẻ, anh rất tự hào khi được cống hiến ở Trường Sa, được góp phần nhỏ bé của mình bảo vệ chủ quyền biển đảo nơi tiền tiêu và chăm sóc sức khỏe cho quân dân huyện đảo.

Anh Hưng nhớ lại một lần trong đêm khuya, khi nhận được tin báo có một bệnh nhân là công binh bị trượt hào ngã, thanh sắt chọc vào cổ. Lúc đưa đến đảo, bệnh nhân trong tình trạng rất nguy kịch, khó giữ được tính mạng. Lúc đó, bác sĩ Hưng đã nhanh chóng đặt đường truyền thuốc giảm đau toàn thân, dùng thuốc trợ tim mạch, cầm máu. Khi bệnh nhân ổn định, anh đã tiến hành rửa, khâu cầm máu vết thương và ngày hôm sau có thể di chuyển bệnh nhân ra đảo Trường Sa tiếp tục điều trị.

Đến nay, bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục và tiếp tục quay lại đảo công tác. Đó là niềm vui vô cùng lớn của một bác sĩ thực hiện nhiệm vụ nơi đảo xa. Qua mỗi ca cấp cứu, khám chữa bệnh, anh lại có kinh nghiệm cho những lần khám sau. Anh Hưng bảo, những lúc tính mạng của cán bộ, chiến sĩ và ngư dân nằm trong tay mình, mình buộc phải đưa ra quyết định nhanh, trong những trường hợp đặc biệt phải xin ý kiến và sự hỗ trợ của cấp trên. Còn phần lớn phải tự quyết định. Chỉ chần chừ một giây là khó giữ tính mạng cho người bệnh. Xác định rõ nhiệm vụ nên bác sĩ Bùi Công Hưng luôn vững vàng tư tưởng và quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ trong thời gian công tác trên đảo.

Nhằm phục công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho quân dân trên các đảo ở quần đảo Trường Sa, những năm qua, Đảng, Nhà nước và quân đội đã đầu tư đồng bộ trang thiết bị y tế hiện đại cho các bệnh xá trên các đảo. Nhiều thiết bị như máy chụp X.quang, máy siêu âm, gây mê cho đến hệ thống truyền dữ liệu và hội chẩn từ xa đã được trang bị giúp các y, bác sĩ trên đảo được tham khảo chuyên môn trong xử lý nhanh chóng các ca bệnh khó. Qua đó, công tác thăm khám, cấp cứu, chữa bệnh, điều trị cho người dân, ngư dân, cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa được cải thiện và nâng cao một cách rõ rệt. Nhiều trường hợp bệnh sau khi được cấp cứu kịp thời tại đảo, khi chuyển về đất liền đã được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe có chuyển biến tích cực.

Giữa muôn vàn khó khăn, lực lượng y, bác sĩ trên quần đảo Trường Sa đã thực sự làm chủ trang thiết bị y tế hiện đại, sẵn sàng thăm khám, cấp cứu, chữa bệnh, điều trị kịp thời cho nhân dân, ngư dân, cán bộ và chiến sĩ đang công tác trên tuyến đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem