Quảng Bình: Hiệu quả từ chuỗi liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên "cánh đồng hai huyện"

PV Thứ sáu, ngày 27/05/2022 07:25 AM (GMT+7)
Vụ mùa Đông – Xuân năm nay, Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình thực hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên địa bàn hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình). Đây là hai huyện nổi tiếng trù phú với hạt lúa trĩu vàng.
Bình luận 0

Ghi nhận của PV, trên cánh đồng huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) vào những ngày này, người dân đang hối hả ra đồng thu hoạch vụ lúa Đông – Xuân.

Quảng Bình: Hiệu quả từ chuỗi liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên "cánh đồng hai huyện" - Ảnh 1.

Bà con nông dân trên địa bàn huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) đang thu hoạch vụ lúa Đông - Xuân thực hiện theo chuỗi liên kết sản xuất hướng hữu cơ.

Trò chuyện với PV, ông Nguyễn Văn Diệu (SN 1987, ở xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Năm nay, tôi liên kết cùng nhiều hộ dân gieo trồng giống lúa LTH31 theo hướng hữu cơ trên diện tích 12ha tại cánh đồng ở xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy".

"Chúng tôi tuân thủ theo cơ cấu thời vụ nên lúa trổ bông đẹp, ít sâu bệnh, quá trình sinh trưởng và phát triển không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tuy nhiên, giống LTH31 vẫn sạch bệnh. Hiện chúng tôi đang tốc lực thu hoạch vụ lúa Đông – Xuân, dù năm nay ảnh hưởng của mưa, lũ bất thường nhưng với giống LTH31 cho năng suất dự ước đạt gần 70 tạ/ha", ông Diệu nói.

Quảng Bình: Hiệu quả từ chuỗi liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên "cánh đồng hai huyện" - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Diệu (SN 1987, ở xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) bên cánh đồng 12 ha lúa LTH31 gần thu hoạch.

Ông Đỗ Trung Lý – Chủ nhiệm HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Giang (xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), chia sẻ: "Vụ mùa này, Hợp tác xã cùng Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình làm chuỗi liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên diện tích 20ha bằng giống LTH31. Đến nay, lúa thu hoạch cho bông đẹp, không hư hại do sâu bệnh. Phía công ty họ đến tận ruộng thu mua lại lúa cho bà con với giá cao nên phấn khởi lắm".

Còn ông Đặng Hữu Hùng - Đội trưởng đội sản xuất xóm 2 HTX Tuy Lộc (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), cho hay: "Vụ Đông - Xuân năm nay, tôi gieo 6 sào bằng giống QS 88, tôi làm theo hướng hữu cơ như hướng dẫn của Công ty Giống cây trồng Quảng Bình nên lúa phát triển đẹp lắm. Hiện chúng tôi đang thu hoạch và thấy chất lượng giống tốt, có tiềm năng, năng suất cao. Dù thời tiết không thuận lợi nhưng diện tích lúa tôi gieo trồng đạt hơn 70 tạ/ha".

Quảng Bình: Hiệu quả từ chuỗi liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên "cánh đồng hai huyện" - Ảnh 3.

Chuỗi liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được chính quyền địa phương và người dân hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) đánh giá cao, rất hiệu quả.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ - Giám đốc Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình, cho biết: "Công ty đang thực hiện nhiều chuỗi liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm trên địa bàn hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy. Công ty cung ứng 100% giống, phân bón và cử cán bộ kĩ thuật hướng dẫn cho bà con nông dân canh tác theo hướng hữu cơ. Đến thời điểm thu hoạch, công ty thu mua toàn bộ lúa tươi ngay tại ruộng cho bà con. Hiệu quả đưa lại cho người dân tăng từ 25 – 30% so với sản xuất bình thường".

"Với mục tiêu liên kết sản xuất lúa gạo bền vững, xây dựng nguồn nguyên liệu đạt chuẩn cho thương hiệu "Gạo quê Đại tướng". Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục phối hợp với huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy mở rộng diện tích canh tác theo hướng hữu cơ, thực hiện quy trình chế biến gạo, đóng gói nhãn hiệu theo tiêu chuẩn, quy định trong nước cũng như phục vụ cho việc xuất khẩu, đồng thời, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu "Gạo quê Đại tướng", ông Kỳ cho hay.

Ông Nguyễn Văn Vương - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy, cho biết: "Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 500ha thực hiện chuỗi liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Chúng tôi thấy rất hiệu quả, người nông dân yên tâm sản xuất, khắc phục được tình trạng được mùa nhưng đầu ra khó, liên kết được giữa doanh nghiệp, chính quyền và người nông dân để sản xuất bền vững".

Liên quan đến thông tin bà con nông dân trên địa bàn huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) gieo trồng giống lúa LTH31 nhưng không đạt năng suất như dự kiến, trao đổi với PV, ông Trần Văn Định – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch, cho hay: "Chúng tôi đã thành lập đoàn đi kiểm tra chất lượng giống lúa LTH31 trên địa bàn huyện và nhận thấy giống lúa LTH31 khi trổ bông, lúa bị đen, nhiều hạt lép. Tuy nhiên, đây là do bà con không tuân thủ theo cơ cấu thời vụ mà tự gieo trồng trước nên khi lúa sinh trưởng gặp đợt rét ảnh hưởng đến năng suất. Đặc biệt, vừa qua do xảy ra mưa, lũ trái mùa nên lúa ngã đổ nhiều, làm giảm năng suất".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem