Quảng Bình: Nông dân miền núi Minh Hóa thoát nghèo nhờ vay vốn nuôi lợn rừng, trồng mít Thái

Trần Anh Thứ tư, ngày 22/09/2021 07:30 AM (GMT+7)
Nhiều nông dân trên địa bàn huyện miền núi Minh Hoá (tỉnh Quảng Bình) tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo rồi đầu tư nuôi gà, nuôi lợn rừng cho thu nhập cao, dần ổn định cuộc sống...
Bình luận 0

Bỏ Sài Gòn về quê vay vốn chăn nuôi

Trò chuyện với PV Dân Việt, anh Cao Ngọc Hiến (SN 1993, ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Tôi học đến lớp 10 rồi vào Sài Gòn làm công nhân. Làm được mấy năm thấy cảnh công nhân vất vả và không cho thu nhập cao nên tôi khăn gói về quê lập nghiệp".

Theo anh Cao Ngọc Hiến, năm 2017, anh về quê ở xã Minh Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) lập nghiệp trên mảnh vườn gần 3 ha của gia đình. Gia đình anh thuộc diện cận nghèo của xã, không có tiền mua con giống, cây giống nên anh đi vay mượn.

Quảng Bình: Nông dân miền núi Minh Hóa thoát nghèo nhờ vay vốn nuôi gà, nuôi lợn rừng - Ảnh 1.

Anh Cao Ngọc Hiến cho lợn rừng ăn cỏ trồng trong vườn. (Ảnh: Trần Anh)

Được sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương, anh Hiến mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi chương trình tín dụng cho vay hộ cận nghèo và giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa.

Ngày đầu lập nghiệp, anh Hiến mua cây keo về trồng trên diện tích 2 ha và xây dựng trang trại gần 1 ha để nuôi lợn rừng, nuôi gà và nuôi bò.

Cũng theo anh Hiến, hiện trang trại của anh đang nuôi 60 con lợn rừng, 100 con gà và 10 con bò. Dù bệnh dịch tả lợn châu phi, viêm da nổi cục trên địa bàn nhưng đàn bò, đàn lợn của anh chưa nhiễm bệnh và bán được giá cao với 180.000 đồng/kg. Bình quân mỗi năm trang trại của anh cho lãi 200 triệu đồng.

Hiệu quả từ vốn vay ưu đãi

Cũng giống như anh Cao Ngọc Hiến, trước đây, cuộc sống gia đình chị Đinh Thị Hà (SN 1987, ở thôn Minh Xuân, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 2015, chị Đinh Thị Hà được chính quyền xã Xuân Hóa khuyến khích, động viên, tạo điều kiện hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Quảng Bình: Nông dân miền núi Minh Hóa thoát nghèo nhờ vay vốn nuôi gà, nuôi lợn rừng - Ảnh 2.

Chi Đinh Thị Hà đang nuôi hơn 1.200 con gà thịt. (Ảnh: TA)

Trên diện tích rộng 3ha, chị Hà dành 1ha diện tích mặt nước để đầu tư nuôi cá nước ngọt. Diện tích còn lại, chị đầu tư xây dựng hệ thống trang trại nuôi lợn rừng, gà, vịt kết hợp trồng cây ăn quả.

Chị Đinh Thị Hà cho biết: "Những năm đầu lập nghiệp, tôi gặp rất nhiều khó khăn do nguồn vốn đầu tư không nhiều, kinh nghiệm chăn nuôi gần như không có. Tôi phải tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trên sách, báo và đi tham quan thực tế những mô hình chăn nuôi khác để rút kinh nghiệm cho bản thân".

Đến nay, trang trại của chị Hà đang nuôi trên 1.200 con gà thịt, 7 con lợn rừng nái, 40 lợn rừng thịt, trồng ổi, mít Thái và 5 ao nuôi cá nước ngọt các loại... Hàng năm, trang trại của chị thu khoảng 10 tấn thịt lợn hơi, trên 3.600kg gà, vịt và trên 2 tấn cá các loại, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình chị thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm.

Quảng Bình: Nông dân miền núi Minh Hóa thoát nghèo nhờ vay vốn nuôi gà, nuôi lợn rừng - Ảnh 3.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa đến thăm hộ gia đình vay vốn để nuôi lợn rừng. (Ảnh: TA)

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hồ Hải Dương - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở tất cả các thôn, xóm của 15 xã, thị trấn trong toàn huyện Minh Hóa. Đặc biệt, nguồn vốn vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn ở 4 xã biên giới đã phát huy tốt hiệu quả. Qua đánh giá rà soát, hầu hết các hộ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đều sử dụng vốn đúng mục đích".

Nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội không chỉ giúp hội viên, nông dân trong tỉnh Quảng Bình giảm nghèo, từng bước vươn lên khá giả mà còn giúp cho cán bộ Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình sâu sát hơn với tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hoạt động ủy thác cho vay vốn ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội cũng giúp Hội Nông dân thu hút thêm hội viên, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem