Quảng Bình: Vợ chồng ông Bốn Tám thuê đất hoang cấy lúa kiểu khác người, thu tiền tỷ mỗi năm

Văn Hòa- Việt Hoàng Thứ năm, ngày 12/08/2021 13:01 PM (GMT+7)
Từ chỗ theo nghề buôn bán nay đây mai đó, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Hương (dân thường gọi vợ chồng ông Bốn Tám), xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) về quê thuể đất hoang trồng lúa. Nhờ biết áp dụng khoa học kĩ thuật và tận dụng tối đa các sản phẩm từ cây lúa, vợ chồng ông thu tiền tỷ mỗi năm.
Bình luận 0

Về thôn Vĩnh Phú, xã Quảng Hòa, nhắc đến cái tên "Bốn Tám" thì không một ai là không biết. Đó là tên thường gọi của vợ chồng ông Nguyễn Thanh Hương và bà Nguyễn Thị Thanh Huyền. 

Vợ chồng ông nổi tiếng sống chân chất, nhưng nổi tiếng nhất là câu chuyện làm nông đưa lại hiệu quả kinh tế cao.

Thuê đất hoang cải tạo để trồng lúa bằng cách này, đôi vợ chồng thu về tiền tỷ mỗi năm  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thanh Hương, xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) thăm cánh đồng lúa của gia đình. Ảnh: Việt Hoàng.

Ông Hương và vợ ông năm nay đều đã 49 tuổi. Trước năm 2016, ông Hương cùng vợ làm nghề buôn bán nhỏ, nhập các mặt hàng như mía, dưa về rồi đem bán lại. 

Công việc này khiến vợ chồng ông thường xuyên phải đi xa, thu nhập bấp bênh và không có thời gian để chăm lo gia đình.  

Xuất thân là con nhà nông, nên mặc dù theo nghề buôn bán nhưng vợ chồng ông vẫn ước mơ làm giàu bằng nghề nông. 

Sau thời gian dài ấp ủ, năm 2016, vợ chồng ông thuê 2,5ha đất nông nghiệp ở xã Quảng Hòa để làm mô hình cánh đồng lớn. Tiếp đó, vợ chồng ông thuê thêm hơn 5ha đất người ta bỏ hoang từ năm 2004 do nhiễm mặn, nhiễm cát sau bão lũ.  

Sau khi thuê đất, vợ chồng ông dốc sức đầu tư cải tạo để đưa vào sản xuất. 

Ông Hương kể: "Thời gian đầu cải tạo đất rất vất vả, vì đất ở đây chủ yếu bị ngập mặn, nhiễm cát nên bị chua, phèn rất nặng. Hầu hết diện tích đất này đều phải thay toàn bộ đất mặt. Vợ chồng tôi phải mất tới 2 năm để xử lý đất, diệt cỏ dại để trồng lúa".

"Quyết tâm làm cái nghề "chân lấm tay bùn", tôi phải nghĩ rất nhiều, làm sao để đem lại doanh thu cao nhất. Tôi dành thời gian để xem các chương trình về nhà nông, vào miền Tây để xem cách trồng lúa…Việc trồng lúa ở quê chủ yếu là dùng tay chân, sức người, nhưng tôi gom kinh phí để mua máy máy cày, máy gặt… để cơ giới hóa tối đa trong sản xuất", ông Hương chia sẻ.

Thuê đất hoang cải tạo để trồng lúa bằng cách này, đôi vợ chồng thu về tiền tỷ mỗi năm  - Ảnh 2.

Mô hình nuôi lợn của vợ chồng ông Nguyễn Thanh Hương. Ảnh: Văn Hòa.

Để giảm thiểu tối đa sức người, vợ chồng ông Hương đã mạnh dạn đầu tư 3 máy cày, 2 máy gặt lúa liên hợp. Vợ chồng ông cũng là nngười đầu tiên của Quảng Bình dùng máy bay không người lái để phun thuốc phòng sâu, bệnh cho lúa.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền kể: "Mỗi vụ lúa cần phải 2-3 lần phun thuốc phòng bệnh. Nếu như làm thủ công thì làm hư hại đến lúa và tiền thuê nhân công cao. Nếu thuê người phun thuốc thủ công thì mất 40.000 đồng một sào, nhưng khi sử dụng máy bay để phun thuốc thì chỉ mất 25.000 đồng một sào".

Bên cạnh đó, vợ chồng ông tìm mọi cách để tận dụng hết các sản phầm từ cây lúa. Ông đầu tư cả vào các khâu xay xát, nghiền bột…Gạo sau khi xay xát được nghiền thành bột để bán cho các cơ sở làm bún, bánh, số còn lại không xay thì xuất bán đi các tỉnh, thành...

Ngoài ra, gia đình ông còn bán rơm cho các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn. Trấu sau khi xay xát cũng được ép thành bánh để bán cho người dân làm chất đốt.

Biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên lúa của vợ chồng ông cho năng suất cao, mỗi năm thu hoạch từ 110- 120 tấn lúa. 

Vợ chồng ông còn có nguồn thu đáng kể từ các sản phẩm của cây lúa, từ vỏ trấu… Nhờ đó, doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng/năm.

Thuê đất hoang cải tạo để trồng lúa bằng cách này, đôi vợ chồng thu về tiền tỷ mỗi năm  - Ảnh 3.

Dây chuyền máy xay xát và nghiền bột gạo của vợ chồng ông Nguyễn Thanh Hương- Ảnh: Việt Hoàng.

Thời gian gần đây, vợ chồng ông Hương còn được biết đến bởi mô hình nông nghiệp sạch, với dây chuyền sản xuất và cung cấp gạo không hóa chất nhằm có một hướng đi bền vững. Vợ chồng ông đã hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm để xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Hòa với diện tích sản xuất ban đầu là 2ha.

Ông Hương cho hay: "Thời gian tới tôi sẽ tân trang, mua bổ sung thêm một số máy móc, đầu tư thiết bị chăm bón, học hỏi thêm kỹ thuật trồng lúa hữu cơ để nâng cao năng suất".

Vợ chồng ông Hương cũng đã phát triển thêm mô hình vườn- ao- chuồng, nuôi cá, bò, gà, lợn… mỗi năm cho thêm nguồn thu hàng trăm triệu đồng.

Ông Dương Minh Hà- cán bộ địa chính, nông nghiệp xã Quảng Hòa, TX Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) cho biết: "Mô hình trồng lúa kết hợp của vợ chồng ông Hương là mô hình đem lại hiểu quả kinh tế cao.

Vợ chồng ông Hương cũng là người đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ở xã. Chính quyền xã luôn vận động, khuyến khích, hỗ trợ người dân sản xuất theo các mô hình sáng tạo như vợ chồng ông Hương để bà con vươn lên làm giàu".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem