Quảng Nam: Bình Định Nam đi lên từ các mô hình kinh tế

Trần Hậu Thứ tư, ngày 10/02/2021 09:14 AM (GMT+7)
Với nhiều cách làm hay, hiệu quả, xã Bình Định Nam (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã cán đích nông thôn mới (NTM) năm 2016. Thời gian qua, địa phương này tiếp tục nỗ lực duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng đến xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu.
Bình luận 0

Làng quê khởi sắc

Về xã Bình Định Nam hôm nay, nhận thấy sự đổi thay diệu kỳ của một bức tranh làng quê tươi mới, đường trục xã, trục thôn, xóm được bê tông hóa, trải nhựa phẳng lì, ven hai bên đường là những ngôi nhà kiên cố mọc lên san sát, các công trình phúc lợi khang trang, hiện đại, nhiều cây xanh, cột điện thắp sáng dọc hai bên đường.... Điều này khẳng định thêm sự quyết tâm, nỗ lực của địa phương trong quá trình thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu.

Quảng Nam: Bình Định Nam đi lên từ các mô hình kinh tế - Ảnh 1.

Cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, trường học được địa phương quan tâm, đầu tư đã tạo nên sức sống mới cho Bình Định Nam hôm nay. Ảnh: Trần Hậu.

Ông Nguyễn Văn Việt  – Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam cho biết, xã Bình Định Nam được tách lập vào năm 2007 từ xã Bình Định, khi mới tách lập xã không có trường học các cấp, không có trạm y tế, không có cơ quan làm việc, nhà văn hóa thôn không có, đường xá chưa được đầu tư xây dựng, đời sống người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp khá khó khăn.

Qua hơn 13 năm xây dựng và phát triển, xã đã huy động các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhờ đó cơ sở hạ tầng đã được xây dựng hoàn thiện, đến nay, cơ bản phục vụ tốt nhu cầu đi lại và sinh hoạt của nhân dân.

Trong những năm qua xã xây dựng được hơn 30km giao thông nông thôn, 6km giao thông nội đồng, 10km kênh mương nội đồng. Xây dựng đầy đủ các thiết chế văn hóa, trường học, trạm y tế, cơ quan làm việc…

Quảng Nam: Bình Định Nam đi lên từ các mô hình kinh tế - Ảnh 2.

Bình Định Nam đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế đem hiệu quả cao cho người dân.

Tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM giai đoạn 2017-2020 là 21,5 tỷ đồng. Bình Định Nam được đầu tư 40 công trình xây dựng từ nguồn vốn NTM, đến nay các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng và thực hiện quyết toán đạt 100% và không còn nợ khối lượng xây dựng cơ bản.

Được biết, xã Bình Định Nam bắt đầu xây dựng NTM vào năm 2013 và được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm 2016. Đến nay gần 5 năm được công nhận xã NTM, qua đánh giá rà soát xã đạt 19/19 tiêu chí, các tiêu chí ngày được nâng cao. Đặc biệt xã xây dựng thành công 2 thôn Đồng Thanh Sơn và Châu Xuân đạt "Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu" và đã được UBND huyện công nhận.

Đòn bẩy từ các mô hình kinh tế

Ông Việt cho biết, bên cạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, thời gian qua Bình Định Nam đặc biệt chú trọng đến công tác phát triển sản xuất, ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân. Địa phương đã hỗ trợ 100% tiêu giống cho 50 hộ xây dựng chỉnh trang vườn tạp và xây dựng mô hình trồng hồ tiêu đạt hiệu quả. Hỗ trợ 50% con giống xây dựng mô hình bò cái lai sinh sản cho 15 hộ.

Năm 2019, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng phương án được huyện thẩm định và triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng dự án liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm hoa lan đạt hiệu quả cao.

Quảng Nam: Bình Định Nam đi lên từ các mô hình kinh tế - Ảnh 3.

Mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng, chăn nuôi lợn, gà ngày một phát triển.

Năm 2020 tiếp tục duy trì mở rộng các dự án đã có và xây dựng dự án liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu cà gai leo với hơn 20 hộ liên kết quy mô hơn 2ha.

Tập trung chỉ đạo đầu tư chuyên canh lúa nước theo hướng liên kết sản xuất lúa chất lượng cao. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hàng năm từ sản xuất 2 vụ lúa sang 1 vụ lúa, 1 vụ màu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Triển khai xây dựng phương án tích tụ, tập trung ruộng đất giai đoạn 2020-2022, thực hiện tại cánh đồng tổ 1, tổ 6 thôn Đồng Thanh Sơn với diện tích 30ha.

Kinh tế gia trại được người dân quan tâm, mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng, chăn nuôi lợn, gà ngày một phát triển, phát triển các mô hình kinh tế vườn như tiêu, cây ăn quả, mô hình làm nấm rơm. Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), địa phương đăng ký mô hình sản phẩm túi tinh trà cây cà gai leo.

Hiện nay trên địa bàn xã có 121 cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng hoạt động có hiệu quả.

Thương mại, dịch vụ trên địa bàn xã ngày một phát triển và đa dạng các loại hình như ăn uống, vận tải, cơ giới hóa, một số hộ dân nhận gia công giày da, may mặc tại nhà nhằm giải quyết thời gian rảnh rỗi thời kỳ nông nhàn, một số thanh niên tham gia xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, Hàn Quốc đến nay được 30 người góp phần tăng thêm một phần thu nhập cho hộ gia đình.

Từ khi đạt chuẩn NTM năm 2016, kinh tế - xã hội địa phương có bước tăng trưởng khá, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, thu nhập tăng qua các năm.

Năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/người/năm, tăng 1,51 lần so với năm 2016 (27,72 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo giảm bền vững, năm 2020 hộ nghèo còn 41 hộ, tỷ lệ 2,8%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem