Quảng Nam: Chuyển đổi số giúp nâng cao giá trị kinh tế, cải cách thủ tục hành chính

Đoàn Hồng - Trần Hậu Thứ bảy, ngày 07/08/2021 12:15 PM (GMT+7)
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, tạo nên đột phá to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân và toàn xã hội dựa trên công nghệ số.
Bình luận 0

Vào cuộc quyết liệt và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận

Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", trong thời gian qua, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số và bước đầu đạt được kết quả tốt, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh, hạ tầng mạng viễn thông đã phủ rộng từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Quảng Nam: Nhiều chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số đề phát triển kinh tế - Ảnh 1.

UBND tỉnh Quảng Nam và FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh Vân Anh.

Đã triển khai thống nhất, đồng bộ các ứng dụng chung cơ bản của Chính quyền điện tử như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp Qoffice, hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, chữ ký số… kết nối liên thông dữ liệu giữa các cấp, thúc đẩy trao đổi, sử dụng văn bản điện tử và hình thành môi trường làm việc qua mạng, góp phần nâng cao hiệu quả công việc và cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.

Bước đầu tạo lập nền tảng về hạ tầng kỹ thuật, các phần mềm cơ sở dữ liệu dùng chung cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng tại các đơn vị. Việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp ngày càng được nâng cao về chất lượng và hiệu quả.

Quảng Nam: Nhiều chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số đề phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Chuyển đổi số đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Ảnh: CTV.

Ông Bửu cho biết thêm, công nghệ số được ứng dụng trên nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và đạt được nhiều thành quả ấn tượng như: Trên lĩnh vực y tế, hiện nay, tất cả các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, trung tâm y tế hai chức năng đã sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện HIS trong việc quản lý, điều hành và ứng dụng trong công tác khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán Bảo hiểm y tế (BHYT), 100% các cơ sở khám chữa bệnh (KCB), BHYT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thực hiện kết nối liên thông dữ liệu KCB và thanh toán BHYT với cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) qua hệ thống giám định điện tử.

Việc triển khai sử dụng hệ thống phần mềm phục vụ công tác khám chữa bệnh đã mang lại những hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành tại các đơn vị. Thông tin giữa các bộ phận được gửi, nhận chia sẻ nhanh chóng, đúng lúc, đúng thời điểm đã tiết kiệm thời gian, chi phí trong hoạt động quản lý; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Hệ thống phần mềm được triển khai có độ chính xác cao, giảm thiểu tối đa sai sót trong quá trình hoạt động tại các bộ phận.

Quảng Nam: Nhiều chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số đề phát triển kinh tế - Ảnh 4.

Quảng Nam đang triển khai ứng dụng công nghệ vào ngành nông nghiệp trên Smart Quang Nam. Ảnh: CTV.

Trong lĩnh vực giáo dục, hầu hết các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hệ thống thông tin quản lý trường học, cụ thể: khối Trung học phổ thông 100% các trường đã ứng dụng phần mềm, khối Trung học cơ sở có 216/219 trường, khối tiểu học có 67/256 trường.

Ở lĩnh vực du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thí điểm hệ thống du lịch thông minh gồm các phân hệ: Cổng thông tin du lịch; Bản đồ số du lịch; Ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động; Hệ thống phân tích phản hồi về du lịch Quảng Nam từ mạng xã hội.

Quảng Nam: Nhiều chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số đề phát triển kinh tế - Ảnh 5.

Chuyển động số được ứng dụng vào công tác phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Trần Hậu.

Lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường được Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với VNPT triển khai thí điểm hệ thống thông tin đất đai, đề xuất giải pháp xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý và Cổng thông tin không gian địa lý tỉnh Quảng Nam.

Lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam triển khai hệ thống thông tin chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ứng dụng công nghệ GIS phục vụ quản lý dữ liệu trên các lĩnh vực chăn nuôi, thủy lợi và xây dựng nông thôn mới.

Quảng Nam: Nhiều chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số đề phát triển kinh tế - Ảnh 6.

Ngành kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã ứng dụng công nghệ vào kiểm tra rừng. Ảnh: CTV.

Lĩnh vực Giao thông Vận tải đã được Sở Giao thông Vận tải triển khai hoàn thiện hệ thống thông tin địa lý (GIS) quản lý hạ tầng giao thông, phần mềm tại địa chỉ http://gis.sgtvt.quangnam.gov.vn/. Triển khai sử dụng phần mềm Govone (kiểm tra, giám sát, bảo trì đường bộ), đã triển khai cài đặt, sử dụng đến nhân viên, công chức tuần đường, kiểm tra, giám sát đường bộ, thanh tra….

Hướng đến mục tiêu kép để phát triển kinh tế và cải cách hành chính

Ông Bửu cho biết, mặc dù tỉnh Quảng Nam triển khai quyết liệt và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của tỉnh còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế: Hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống mạng diện rộng WAN, hội nghị truyền hình, trung tâm tích hợp dữ liệu chưa đáp ứng yêu cầu.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung cho người dân và doanh nghiệp, hệ thống ứng dụng chuyên ngành chưa kết nối để trao đổi dữ liệu và liên thông nghiệp vụ.

Quảng Nam: Nhiều chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số đề phát triển kinh tế - Ảnh 7.

Quảng Nam mong muốn đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn toàn tỉnh từ cơ quan Nhà nước, đến người dân, doanh nghiệp góp phần xây dựng cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất và tiêu thụ dựa trên công nghệ số. Ảnh: Vân Anh.

Chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cả về kinh tế và xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng, bảo đảm an toàn, an ninh mạng còn khó khăn, thách thức, chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin thấp.

Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, đưa Quảng Nam vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số tốt; hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt cộng đồng của người dân.

Tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ; khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp số có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Quảng Nam: Nhiều chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số đề phát triển kinh tế - Ảnh 8.

Web của tỉnh Quảng Nam thời công nghệ 4.0. Ảnh: Trương Hồng.

Để đạt được mục tiêu đó, Quảng Nam đã đề ra 6 giải pháp cụ thể: Một là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Hai là xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số.

Ba là đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin theo nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, tăng cường dùng chung hạ tầng thông tin.

Quảng Nam: Nhiều chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số đề phát triển kinh tế - Ảnh 9.

Ngành nông nghiệp trên Smart Quang Nam như phòng, chống thiên tai, xả lũ; hướng dẫn con vật nuôi, cây trồng: sâm Ngọc Linh, dỗi rừng, măng cụt, con bò giống, lúa giống, tôm công nghệ cao... Ảnh: CTV.

Bốn là xây dựng chính quyền số, hình thành các đô thị thông minh phát triển hạ tầng chính quyền số phục vụ cơ quan Nhà nước trên cơ sở kết hợp thế mạnh của mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng Internet, trung tâm dữ liệu của cơ quan nhà nước để phục vụ kết nối liên thông, xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Năm là thúc đẩy phát triển kinh tế số, với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế của tỉnh.

Sáu là phát triển xã hội số, triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, giám đốc điều hành các doanh nghiệp.

Với những kết quả đạt được ban đầu mà chuyển động số đã mang lại, sẽ tạo tiền đề cho việc xây dựng chính quyền điện tử, hiện đại hóa nền hành chính trong công tác cải cách hành chính, đảm bảo việc ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết với cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hiệu quả quản lý Nhà nước và cải cách hành chính, làm cho hoạt động của cơ quan Nhà nước được công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công dân và tổ chức trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem