Quảng Nam: Có vốn ưu đãi “tiếp sức”, người dân Tây Giang mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế để thoát nghèo

Hiền Thúy - Trần Hậu Thứ năm, ngày 09/03/2023 06:00 AM (GMT+7)
Những năm qua, việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp, đã giúp cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, có bước phát triển vượt bậc cả về nguồn vốn giải ngân cũng như hiệu quả sử dụng vốn.
Bình luận 0

Đồng hành cùng người nghèo

Là hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chị Bríu Thị Bích, thôn Nal, xã Lăng, huyện Tây Giang, được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, thoát nghèo và dần ổn định cuộc sống.

"Được vay 50 triệu đồng mục đích sử dụng mua 2 con bò giống sinh sản. Từ 2 con bò giống, vợ chồng tôi rất phấn khởi làm chuồng trại, chăm sóc, chăn dắt, không thả rông, siêng năng cắt cỏ và kiếm thêm nhiều nguồn thức ăn khác, 2 con bò giống ngày càng lớn nhanh, khỏe mạnh, phát triển, sau 4 năm đã cho 5 con bò con.

Đầu năm 2020, tôi bán 2 con bò đã trả hết nợ ngân hàng và tiếp tục vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm để trồng 4ha cây keo. Tính đến thời điểm hiện tại, gia đình tôi có 1 đàn bò gồm 14 con và 4ha keo đang phát triển tốt", chị Bích phấn khởi nói.

Quảng Nam: Có vốn ưu đãi “tiếp sức”, người dân ở Tây Giang mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế để thoát nghèo - Ảnh 1.

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách mà nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thoát nghèo bền vững. Ảnh: Hiền Thúy.

Tương tự, năm 2017, vợ chồng anh Zơ Râm Bhéh và chị Zơ Râm Thị Bên thôn Agriih, xã A Xan huyện Tây Giang vay Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tây Giang 50 triệu đồng, anh đầu tư mua 2 cặp bò giống và 9 con dê, sửa chữa chuồng trại, trích ra số tiền nhỏ đi tham quan học tập thực tế tại các mô hình gia trại bò, dê ở các huyện như Đông Giang, Nam Giang, ai có trang trại lớn cũng đều đến thăm và học cách chăn nuôi. Kết hợp chăn nuôi, anh còn đầu tư trồng hơn 3 ha cây quế, cam, bưởi và đào ao nuôi thêm cá.

Nhờ có sự chăm sóc và đầu tư tốt, mỗi năm vợ chồng anh Bhéh xuất bán từ 4-5 con bò, hơn 10 con dê, thêm cá, gà, vịt, ngang với nguồn thu từ 150-180 triệu đồng/năm. Hiện gia đình anh Bhéh là hộ tiêu biểu về thoát nghèo có nguồn thu nhập khá ổn định mà nhiều người thầm mơ ước.

Quảng Nam: Có vốn ưu đãi “tiếp sức”, người dân ở Tây Giang mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế để thoát nghèo - Ảnh 2.

Người dân huyện Tây Giang được cán bộ ngân hàng chính sách xã hội tư vấn về nguồn vốn vay ưu đãi. Ảnh: Hiền Thúy.

Theo ông Arất Blúi, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hay, trong 20 năm qua, Tây Giang có gần 20.000 hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Nguồn vốn tín dụng đã góp phần giúp hơn 11.000 hộ nghèo, cận nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; trên 174 học sinh - sinh viên nghèo, khó khăn được vay vốn để học tập; 2.642 lao động có việc làm ổn định; gần 620ha rừng được trồng mới; 836 ngôi nhà cho người nghèo được xây dựng, 3.049 hộ ở vùng khó khăn được vay vốn sản xuất kinh doanh.

Có thể nói, tín dụng chính sách xã hội đã thực sự làm tốt vai trò là ''bà đỡ" hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách thoát khỏi nghèo từng bước vươn lên làm giàu điển hình như như hộ Hốih Tèo, Ating Thị Vai, Cơlâu Thái Ngọc, Zơ Râm Bhéh, A rất Đen, Alăng Rích, Abinh Dưới, Bríu Thị Bích... đã góp phần cùng địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 3,2%.

Tây Giang có mức thu nhập bình quân đầu người vẫn còn thấp, nhiều hộ mới thoát nghèo nhưng chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo rất cao. Nhưng với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, mặt trận, các ban ngành đoàn thể, cùng sự cần cù, vượt khó vươn lên của người dân, nhờ vậy đời sống của người dân ngày càng khởi sắc.

"Có được thành quả như ngày hôm này là nhờ có sự đóng góp rất lớn của nhiều nguồn lực huy động từ xã hội, trong đó phải kể đến nguồn vốn tín dụng chính sách Chính Phủ cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trong những năm qua là một kênh tín dụng đem lại hiệu quả thiết thực nhất cho người dân vùng cao Tây Giang…", ông Blúi khẳng định.  

Vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả

Theo ông Vũ Định, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tây Giang cho hay, các Hội đoàn thể xây dựng mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn để cùng với ngân hàng, các tổ chức hội chuyển tải nguồn vốn đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, đảm bảo công khai, dân chủ theo phương châm "dân biết, dân làm, dân kiểm tra".

Quảng Nam: Có vốn ưu đãi “tiếp sức”, người dân ở Tây Giang mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế để thoát nghèo - Ảnh 3.

Có vốn ưu đãi "tiếp sức" nhiều hộ dân tại Tây Giang đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt... để nâng cao thu nhập. Ảnh: Hiền Thúy.

Lấy vai trò trưởng thôn trong việc tham gia chứng kiến việc bình xét đối tượng cho vay từ cơ sở, giám sát quá trình sử dụng vốn của người vay, phối hợp cùng với Hội đoàn thể và Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn xử lý các tồn tại, vướng mắc tại cơ sở,... góp phần rất lớn vào hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.

Ông Định cho biết thêm, hiện toàn huyện có 103 tổ, trong đó có 101 tổ xếp loại tốt, 2 tổ khá, không có tổ trung bình, yếu... tổ tiết kiệm và vay vốn đã giúp ngân hàng làm tốt công tác bình xét cho vay đúng đối tượng, giám sát hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, được ủy nhiệm thu lãi, thu tiết kiệm, tham gia xử lý nợ tồn đọng, nợ bị rủi ro…

Mạng lưới tổ vay vốn đã trở thành cánh tay đắc lực, là cầu nối hữu hiệu giữa ngân hàng và người vay điển hình tổ vay vốn Bríu Trường, Hốih Mia, Alăng len….

Quảng Nam: Có vốn ưu đãi “tiếp sức”, người dân ở Tây Giang mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế để thoát nghèo - Ảnh 4.

Tỷ lệ hộ nghèo từ 87,46% (năm 2004), đến nay còn 29.2% (theo tiêu chí cũ) bình quân hàng năm giảm 3,2%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,13% (số liệu cuối năm 2022). Ảnh: Hiền Thúy.

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tây Giang huy động các nguồn lực tài chính như nguồn vốn ngân sách địa phương đã tạo điều kiện để mở rộng cho vay đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của đối tượng, nhất là người lao động chưa có việc làm.

Đặc biệt triển khai mô hình huy động tiết kiệm dân cư ngay tại điểm giao dịch xã là việc làm mới vừa tạo điều kiện cho người dân thuận lợi trong việc tham gia gửi và rút tiền, đồng thời tạo nên sự chủ động về vốn để thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi.

Tổng nguồn vốn cho vay đến cuối năm 2022 là hơn 203 tỷ đồng, tăng hơn 201 tỷ đồng so với khi mới đi vào hoạt động. Trong đó, vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân gần 20 tỷ đồng; vốn ủy thác ngân sách huyện gần 1,5 tỷ đồng.

Có thể nói, nguồn vốn tín dụng ưu đãi Chính phủ thời gian qua đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo từ 87,46% (năm 2004), đến nay còn 29.2% (theo tiêu chí cũ) bình quân hàng năm giảm 3,2%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,13% (số liệu cuối năm 2022). 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem