Quảng Nam: Để Chính quyền điện tử không còn xa lạ với bà con miền núi

Đình Hiệp - Trần Hậu Thứ hai, ngày 07/06/2021 14:59 PM (GMT+7)
Huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) đang phối hợp với Viettel Quảng Nam để triển khai dự án chính quyền điện tử.
Bình luận 0

Nhiều trở ngại

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Tây Giang cho biết, với đặc thù huyện miền núi, nhiều xã cách trung tâm huyện trên 60km nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông còn gặp nhiều trở ngại. Hiện nay, chỉ có 6/10 xã có mạng viễn thông hữu tuyến, 4 xã vùng cao thì dùng mạng 3G nhưng tốc độ đường truyền quá yếu, do đó việc triển khai họp trực tuyến hay thực hiện lưu, chuyển văn bản, chữ ký số qua hệ thống Q-Office còn gặp nhiều khó khăn.

Quảng Nam: Các huyện miền núi gặp khó khăn trong việc xây dựng chính quyền điện tử - Ảnh 1.

Các huyện miền núi gặp khó khăn trong việc xây dựng chính quyền điện tử.

Được biết, năm 2018, UBND huyện phối hợp với Viettel Quảng Nam để triển khai hệ thống cầu truyền hình từ tỉnh về huyện và từ huyện về được 3 xã (Axan, Bhalêê và Dang) và xây dựng hệ thống Q-Office. Tuy nhiên, hệ thống này đã cũ và hư hỏng nhiều, chất lượng hình ảnh thấp, đường truyền yếu.

Ông Nguyễn Chí Toàn, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tây Giang cho biết thêm, việc triển khai chính quyền điện tử còn chậm so với các huyện miền núi chứ chưa nói đến đồng bằng. Điển hình như phần mềm một cửa điện tử dù đã triển khai thực hiện nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Đa số là hồ sơ đều nộp trực tiếp chứ không trực tuyến qua mạng. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản Q-Office chỉ có một số các cơ quan, đơn vị chuyên môn cấp huyện triển khai thực hiện, còn 10 xã thì chưa có xã nào triển khai hết.

Quảng Nam: Các huyện miền núi gặp khó khăn trong việc xây dựng chính quyền điện tử - Ảnh 2.

Việc sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến sẽ góp phần tiết kiệm thời gian xử lý công việc, hạn chế tối đa các hồ sơ, văn bản tồn đọng nhất là với đặc thù của huyện miền núi...

Riêng lĩnh vực chữ ký số dù được Sở Thông tin và Truyền thông tin đã cấp phép nhưng mức độ sử dụng, ký chữ ký số trên văn bản điện tử để trao đổi trên môi trường mạng còn quá ít, cấp xã chưa triển khai. Ngoài ra, nguồn nhân lực chuyên sâu về công nghệ thông tin (CNTT) của huyện còn thiếu và yếu. Tại một số phòng, ban huyện và 10 xã chưa có cán bộ phụ trách mảng CNTT. Việc tham mưu xử lý văn bản điện tử còn chậm và gặp nhiều vướng mắc.

Ông Toàn chia sẻ, đa số các máy tính của cán bộ, công chức, viên chức chưa cài đặt được phần mềm diệt virus có bản quyền. Việc bảo vệ máy tính, không để lộ, lọt thông tin gặp khó khăn. "Chúng tôi rất lo vì hiện nay, toàn huyện chưa có thiết bị sao lưu dữ liệu dự phòng, nếu để lọt dữ liệu mật ra ngoài thì rất nguy hiểm…", ông Toàn nói.

Tìm hướng khắc phục

Để nâng cấp và mở rộng hệ thống thông tin, điện tử bắt kịp xu thế công nghệ hiện nay, UBND huyện Tây Giang đã có nhiều buổi làm việc với Viettel Quảng Nam để thống nhất tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng đường truyền, lắp đặt mới trang thiết bị tại 10 xã và 2 điểm cầu tại Huyện ủy và UBND huyện. Mục tiêu là làm sao kết nối thông suốt từ điểm cầu Trung ương, tỉnh về tận các xã.

Quảng Nam: Các huyện miền núi gặp khó khăn trong việc xây dựng chính quyền điện tử - Ảnh 3.

Giao thông là trở ngại trong trong việc xây dựng chính quyền điện tử.

Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Nguyễn Văn Lượm cũng đã chỉ đạo các ban ngành và 10 xã phối hợp với Viettel Quảng Nam tiến hành khảo sát thực triển khai xây dựng, hoàn thiện mạng viễn thông, nhất là kéo hệ thống cáp lên 4 xã vùng cao, phủ sóng di động đến tận các thôn; triển khai lặp đặt thêm 4 trụ thu phát sóng di động và hệ thống cầu truyền hình đến từng xã.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tập huấn, đào tạo về CNTT cho cán bộ xã; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng "biểu mẫu điện tử", "hồ sơ điện tử" để nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng khi đăng ký thực hiện thủ tục hành chính mức độ 3, 4. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, đảm bảo đạt chỉ tiêu đề ra.

Ông Lượm khẳng định, việc sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến sẽ góp phần tiết kiệm thời gian xử lý công việc, hạn chế tối đa các hồ sơ, văn bản tồn đọng nhất là với đặc thù của huyện miền núi.

"Lãnh đạo từ huyện đến xã phải gương mẫu đi đầu trong việc sử dụng CNTT. Mỗi cán bộ phải coi ứng dụng CNTT là công cụ bắt buộc khi thực thi công vụ và xây dựng chính quyền điện tử cần phải triển khai đồng bộ từ trên xuống dưới",  ông Lượm nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem