Quảng Nam: Huyện biên giới Tây Giang chủ động xây dựng phương án phòng chống bão lũ

21/09/2021 16:46 GMT+7
Do địa hình đồi núi, độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh bởi nhiều con sông, suối, nên khi vào mùa mưa ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thường xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất.

Đa số nhà ở của người dân dạng bán kiên cố và thiếu kiên cố, một số nơi vẫn còn nhà đơn sơ (254 nhà), vì vậy, chủ động phòng chống thiên tai là việc làm cần thiết nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Chủ động xây dựng phương án 

Ông Trần Văn Ta, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tây Giang cho biết: Rút kinh nghiệm từ mùa bão lũ 2020, năm nay, huyện Tây Giang sớm xây dựng và triển khai đồng bộ phương án "Phòng-chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai năm 2021" quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. 

Từ năm 2010 đến năm 2020, mưa, lũ ở huyện Tây Giang đã làm 20 người bị thương, 421 nhà bị sập, 586 nhà dân bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại 830,20 tỷ đồng. Mưa lũ phá hủy nhiều cầu cống, giao thông, thủy lợi nước sinh hoạt của người dân.

Theo ông Ta, huyện đã chuẩn bị vật tư theo phương châm "4 tại chỗ"; kiểm tra lại lực lượng, phương tiện phục vụ công tác phòng-chống thiên tai, lũ lụt; kiểm tra các công trình cầu, cống, hồ đập, trạm xá, trường học trên địa bàn huyện và yêu cầu các ngành đẩy nhanh tiến độ tu sửa, khắc phục, gia cố các công trình kịp thời đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. 

Quảng Nam: Huyện biên giới Tây Giang chủ động xây dựng phương án phòng chống bão lũ - Ảnh 2.

Lãnh đạo huyện Tây Giang kiểm tra sạt lở ở vùng cao. Ảnh: Đình Hiệp.

Đặc biệt là đảm bảo an toàn tuyến đường lên 4 xã vùng cao. Toàn huyện có 55 công trình thủy lợi nhỏ, 85 hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn, 59 trường học, 10 trạm y tế, 3 mạng thông tin di động và hệ thống điện lưới quốc gia cần được bảo vệ.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Tây Giang xây dựng phương án triển khai lực lượng sẵn sàng ứng cứu, phương tiện phục vụ tìm kiếm cứu nạn khi có thiên tai xảy ra và giúp nhân dân khắc phục kịp thời hậu quả; đảm bảo dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu không để xảy ra thiếu đói trong dân. UBND huyện yêu cầu Trung tâm Y tế huyện chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc dự phòng, phương tiện cấp cứu và chuẩn bị lực lượng sẵn sàng dập dịch có thể phát sinh trong mùa mưa, lũ.

Gấp rút sửa chữa đường, di dời dân

Để đảm bảo giao thông thông suốt, huyện đã chỉ đạo các nhà thầu, sửa chữa các đoạn sạt lở trên tuyến đường ĐT 606, các tuyến đường ĐH và các trục đường liên xã; sửa chữa và làm mới 22 cây cầu treo bị hư hỏng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó, công tác sắp xếp ổn định dân cư, khắc phục cơ sở hạ tầng, được sự quan tâm sát sao, kịp thời.

Đến nay, Tây Giang đã đầu tư, bố trí các nguồn vốn xây dựng các điểm tái định cư, di dời người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở về nơi ở mới. Ông Ta cho biết thêm, Tây Giang đã đi trước một bước về công tác sắp xếp, bố trí dân cư ở tập trung qua đó đã ngăn ngừa được thảm họa sạt lở đất và lũ quét vào cuối năm 2020. Dù cơ sở hạ tầng bị thiệt hại lớn nhưng tính mạng của người dân vẫn được đảm bảo.

Quảng Nam: Huyện biên giới Tây Giang chủ động xây dựng phương án phòng chống bão lũ - Ảnh 3.

Di dời dân ở vùng có nguy cơ sạt lở về mặt bằng mới an toàn. Ảnh: Đình Hiệp.

Thực hiện Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, Tây Giang đã san ủi, bố trí dân cư tập trung tại 115 điểm. 1.394/1.457 hộ về nơi ở mới an toàn, tổng kinh phí đầu tư gần 60 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện có 4.240 nhà ở kiểu mẫu "dân cư nông thôn". Trong đó, có 2.370 căn nhà đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, có 1.650 căn nhà chưa đạt chuẩn, còn 220 căn nhà tạm cần xây dựng mới.

Ông Bríu Hồ, Chủ tịch UBND xã Ch'Ơm cho biết: Cứ đến mùa mưa bão, 4 xã vùng cao (Tr'Hy, A Xan, Ch'Ơm, GaRy) thường xuyên bị cô lập. Trong đợt bão lũ cuối năm 2020, các tuyến đường từ trung tâm huyện đi 4 xã vùng cao bị chia cắt hơn tháng trời. Điện, thông tin liên lạc bị đứt hoàn toàn. Hàng hóa khang hiếm, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.  Do đó, việc chủ động sửa chữa hệ thống thông tin liên lạc, đường sá cũng như dự trữ lương thực, thực phẩm tại chỗ cho dân trước mùa mưa bão là rất quan trọng.

Tại cuộc họp các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Tây Giang mới đây, lãnh đạo huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên bám sát từng địa bàn để kịp thời xử lý những tình huống xấu xảy ra. 10 xã cũng đã lập phương án di dời dân khỏi vùng nguy cơ sạt lở, kiểm tra các kho thóc dự trữ. Đặc biệt, nhắc nhở nhân dân không bơi lội qua sông, suối, vớt củi, bắt cá khi nước lũ về; không ngủ qua đêm trong các chòi rẫy dọc sông suối lớn, khu vực có độ dốc nguy hiểm.

Tây Giang đã xây dựng lực lượng tham gia ứng phó khi có bão lụt gồm Quân sự (45 người), Công an (85 người), Biên phòng (72 người), Dân quân (100 người) và Thanh niên xung kích (700 người). 

Đình Hiệp - Trần Hậu
Cùng chuyên mục