Quảng Nam: Kêu gọi người dân chung tay bảo vệ động vật, thực vật hoang dã
Ngày 3/3, UBND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ NNPTNT, Dự án "Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học" do Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ và Ban Quản lý Dự án Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng "Ngày Động, thực vật thế giới năm 2022".
Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam cho biết: Ngày 20/12/2013, tại phiên họp thứ 68, Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc đã tuyên bố ngày 3/3 là ngày "Động, thực vật hoang dã Thế giới".
Ngày Động, thực vật hoang dã thế giới được tổ chức hàng năm nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về thế giới động vật, thực vật hoang dã, từ đó góp phần bảo tồn nền tảng đa dạng sinh học.
Chủ đề của ngày động, thực vật thế giới năm 2022 là "Khôi phục các loài Động, thực vật hoang dã để Phục hồi Hệ sinh thái"; hướng đến việc kêu gọi mối quan tâm và hành động để bảo tồn các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp và đưa ra các giải pháp, sáng kiến mới để phục hồi và bảo tồn chúng nhằm tạo nên sự cân bằng sinh thái.
Nghị quyết Đại hội đảng bộ lần thứ 21 của thành phố Tam Kỳ đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là "xây dựng thành phố Tam Kỳ phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025 và định hướng xây dựng đô thị xanh, thông minh, đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030" và đề ra giải pháp "phát triển hệ thống cây xanh, phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ cảnh quan môi trường" là một trong các nhóm nhiệm vụ trọng tâm để đạt mục tiêu đó.
Bên cạnh đó, thành phố đã có những chỉ đạo kiên quyết và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan để tăng cường thực thi pháp luật, ngăn chặn các hành vi vi phạm về quản lý và bảo vệ rừng, săn bắt, tiêu thụ các loài động vật hoang dã.
Các hoạt động này đã góp phần vào việc phục hồi, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, tạo cảnh quan đô thị xanh, cải tạo môi trường sống và tạo bản sắc riêng của thành phố.
"Hôm nay, hưởng ứng Ngày Động, thực vật hoang dã năm 2022 là dịp để chúng ta khẳng định quyết tâm của các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ tài nguyên rừng, phục hồi các loài động thực vật hoang dã, khôi phục hệ sinh thái cho chính chúng ta và thế hệ tương lại.
Đối với UBND Thành phố Tam Kỳ, tôi kêu gọi sự quan tâm và hành động tích cực hơn nữa của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp, tổ chức xã hội, các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, doanh nhân và người dân hưởng ứng Ngày Động, thực vật hoang dã Thế giới nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về thế giới động vật, thực vật hoang dã, từ đó góp phần bảo tồn nền tảng đa dạng sinh học…", ông Nam nhấn mạnh.
Ông Vũ Văn Hưng - Đại diện Ban Quản lý Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tổn đa dạng sinh học thuộc Bộ NNPTNT nhấn mạnh: Theo dữ liệu toàn cầu từ danh sách Đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nheein Quốc tế, hiện nay có 8.400 loài động vật và thực vật hoang dã đang bị đe dọa nghiêm trọng, trong khi gần 30.000 loài khác được coi là có nguy cơ tuyệt chủng hoặc dễ bị tổn thương. Hệ sinh thái đang bị đe dọa hơn bao giờ hết và việc phục hồi các hoài động vật, thực vật hoang dã giờ đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của quốc gia.
Trong đó, Việt Nam được xếp hạng là một trong số 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới với khoảng 16% số loài động thực vật trên thế giới đang phân bổ ở Việt Nam.
Nhưng những năm gần đây, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng suy giảm đa dạng sinh học và suy thoái rừng nhiệt đới cao ở Việt Nam là do các hoạt động về quản lý, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học còn chưa nhất quán và hiệu quả chưa cao.
Việc thực thi pháp luật nhằm bảo tồn động vật hoang dã, ngăn chặn săn, bắt động vật hoang dã trái pháp luật vẫn còn nhiều bất cập. Nhận thức của người dân còn hạn chế cùng với thói quen tiêu thụ thịt thú rừng và chim hoang dã còn khá phổ biến. Tất cả các yếu tố này là thách thức rất lớn cho việc bảo vệ động vật hoang dã và bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam…
"Có mặt tại sự kiện ngày hôm nay ở thành phố Tam Kỳ, tôi rất vui mừng được chứng kiến sự cam kết và phối hợp liên ngành đó thông qua sự ủng hộ mạnh mẽ từ UBND thành phố Tam Kỳ, sự tham gia của các Ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị kinh doanh trong tỉnh.
Chúng tôi tin tưởng sự hỗ trợ từ Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ, cùng với sự ủng hộ, phối hợp tích cực của các Ban ngành tại địa phương, các hoạt động về giảm cầu tiêu thụ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học tại Quảng Nam sẽ có được hiệu quả thiết thực và đem lại những thay đổi tích cực trong thời gian tới", ông Hưng nhấn mạnh.
Thay mặt cho ban lãnh đạo Hợp phần Bảo Tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Hợp tác phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) tài trợ, đại diện Tổ chức Quốc tề về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế đầu tiên hoạt động tại Việt Nam nhấn mạnh.
Từ năm 1985, WWF bắt đầu hỗ trợ xây dựng chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, WWF được vinh dự hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong đó có Bộ NNPTNT trong nhiều lĩnh vực về bảo tồn động vật hoang dã, bảo vệ hệ sinh thái, môi trường trên khắp cả nước.
"Tại Việt Nam, hưởng ứng Ngày Động, thực vật hoang dã thế giới, WWF Việt Nam thực hiện hàng loạt các sự kiện ở các địa bàn dự án gồm lễ ký kết bảo vệ động vật hoang dã với sự tham gia của đại diện các nhà hàng, doanh nghiệp tư nhân tại Quảng Nam, Quảng Trị, Lâm Đồng. Các đoàn diễu hành xe đạp cũng được tổ chức tại thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) và Vườn quốc gia Cát Tiên nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng và lan tỏa các thông điệp vể bảo vệ đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, Dự án cũng tổ chức tọa đàm trên truyền hình và phát động cuộc thi ảnh về động vật hoang dã trong năm 2022, nhằm tăng cường sự cam kết của các ban, ngành và sự tham gia của người dân trong việc bảo vệ động, thực vật hoang dã, và chấm dứt tiêu thụ trái phép sản phẩm từ động vật hoang dã, đặc biệt là thịt thú rừng và chim hoang dã.
Bên cạnh các chiến dịch giảm cầu tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã, tại Quảng Nam và các tỉnh dự án, Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học đã và đang hợp tác với Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT cùng với các cơ quan và đối tác kỹ thuật tại địa phương triển khai hàng loạt các can thiệp hướng đến mục tiêu duy trì và tăng cường chất lượng rừng, bảo vệ và duy trì ổn định quẩn thể các loài động vật hoang dã tại 5 khu bảo tồn loài, khu bảo tồn thiên nhiên tại Quảng Nam với tổng diện tích rừng lên tới 200 nghìn hécta, thông qua việc tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng sống dựa vào rừng, cộng động dân cư vùng đệm, tăng cường quản lý rừng và nâng cao năng lực thực thi pháp luật liên quan tới bảo vệ các loài hoang dã", đại diện WWF nói.