Quảng Nam: Sau bão lũ, xót xa nhìn những vườn lan rừng tiền tỷ tan hoang, ám ảnh cặp mắt sưng húp của nông dân

Trương Hồng - Hải Châu Thứ hai, ngày 09/11/2020 14:54 PM (GMT+7)
Nhìn vườn hoa phong lan hơn 1.200m2 của nông dân Bùi Đoàn Hải (thôn Đại Quý, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) nát tan sau cơn bão số 9 như đứt từng khúc ruột, vì chắc rằng kinh tế gia đình rồi đây sẽ rất khó khăn, nợ nần chồng chất.
Bình luận 0

Năm nay vợ chồng anh Hải tập trung vào việc kinh doanh hoa phong lan, bán trong dịp tết Tân Sửu 2021. Vợ chồng anh vay mượn ngân hàng, người thân và bạn bè số tiền 1 tỷ đồng cùng với tất cả vốn liếng tích góp để đầu tư trồng 30.000 chậu dendro, 2.000 chậu thiên nga, 1.000 chậu cattleya, 500 chậu hài và hồ điệp ..vv..trên diện tích 1200m2. 

Khi đang cây ở giai đoạn chuẩn bị kích hoa, thì cơn bão số 9 ập vào gây thiệt hại đáng kể; hệ thống giàn, lưới che, tưới tự động hư hỏng; gần một nửa số lượng hoa lan rừng trong vườn đã bị chết hoặc dập lá, gãy nát thân và ngọn.

Quảng Nam: Nông dân trồng lan trắng tay sau bão, lũ - Ảnh 1.

Vườn lan rừng của anh Hải, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) kỳ vọng cho hiệu quả kinh tế, thế nhưng qua cơn bão số 9 vừa rồi đã tan nát, nợ nần chồng chất

Cơn bão đi qua, thu dọn lại vườn lan đổ nát, xót xa khi bỏ đi hàng ngàn cây lan mà mình dày công chăm bón bấy lâu, anh Hải chua xót: Tùy từng cây hoa lan và chủng loại, trên thị trường hiện nay 1 chậu thiên nga và cattleya đồng giá từ 150.000 đồng-200.000 đồng, hài và hồ điệp có giá từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng, dendro giá 40.000 đồng-60.000 đồng/1 chậu, thiệt hại ban đầu hơn 1 tỷ đồng. 

Với thời tiết mưa nhiều như hiện nay, thời gian tới, hoa lan trong vườn sẽ còn chết thêm nữa do vi khuẩn xâm nhập vào các vết gãy, trầy xước trên thân, trên lá. Những cây sống sót sẽ mất sức, không kịp cho vụ tết".

"Trước bão có người chốt mua 2.000 chậu dendro, chưa kịp chuyển đi thì bão tới, họ hủy giao kèo. Nếu thời tiết bất lợi cứ tiếp kéo dài, việc mua bán diễn ra ế ẩm, không biết lấy tiền đâu ra để nộp lãi ngân hàng và nuôi 2 con ăn học", anh Hải đau buốt.

Với niềm đam mê hoa phong lan, anh Hải khăn gói đi học kỹ thuật trồng, chăm sóc nhiều nơi. Cách đây gần 3 năm, vợ chồng anh Hải quyết định khởi nghiệp cùng hoa lan, hy vọng cải thiện đáng kể kinh tế gia đình. 

Đầu tư số vốn lớn vào 2 vườn lan; 1 vườn 400m2 nhiều tầng kiên cố, trồng nhiều loại lan rừng quý như: giã hạt, quế lan hương, nghinh xuân, trầm tím, hoàng thảo vôi, long tu, cáo, chồn…1 vườn 1200m2 trồng lan công nghiệp bán cho các sop hoa và để đáp ứng nhu cầu thị trường tết.

Thế mà hành trình khởi nghiệp lắm đổi gian truân; khi công đang việc diễn ra thuận lợi, trong quá trình thu hồi lại số vốn bỏ ra thì tai ương bất ngờ giáng xuống; khu vườn lan rừng với bao tâm huyết gây dựng tan hoang sau cơn bão; ước mơ đổi đời trong phút chốc cuốn theo trận cuồng phong. Giờ đây, gánh nặng cơm, áo, gạo tiền…đang đè trên lưng đôi vợ chồng trẻ.

Chị Nguyễn Thị Tố Lan (vợ anh Hải) đang bất lực nhìn về về phía vườn lan rừng dần hư hao từng ngày, ánh mắt đầy nổi lo toan.

"Mấy ngày ni mỗi lần nghe tin số 10, bão chồng bão, cảm thấy rất lo sợ cho số phận vườn lan; cầu mong thời tiết thuận lợi, vợ chồng ra sức khắc phục vực dậy vườn lan, được chừng nào thì mừng chừng đấy", chị Lan nói.

Quảng Nam: Nông dân trồng lan trắng tay sau bão, lũ - Ảnh 2.

Quảng Nam: Nông dân trồng lan trắng tay sau bão, lũ - Ảnh 3.

Vợ chồng anh Hải đau đớn nhìn vườn hoa lan rừng bị hư hỏng do bão số 9 gây ra

Ông Phạm Hồng Đức - Phó Chú tịch Hội Nông dân huyện Phú Ninh cho biết, ngay sau khi bão, lũ xuất hiện, dù nông dân, các hộ chăn nuôi, trồng trọt trên trên địa bàn đã ra sức phòng chống nhưng do bão mạnh quá khiến nhiều gia, trang trại trên địa bàn bị thiệt hại nặng. 

"Hiện Hội Nông dân huyện đã khảo sát, nắm tình hình và tiến hành đến thăm hỏi, động viện nông dân bị thiệt hại do bão, lũ gây ra. Hội đã có báo cáo gửi lên Hội Nông dân tỉnh có hướng giúp đỡ nông dân sớm khắc phục hậu quả…", ông Đức nói.

Ông Nguyễn Út - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam cho biết, cơn bão số 9 đã gây thiệt hại nặng cho tỉnh Quảng Nam, nhất là bà con nông dân, chủ trang trại, gia trại. Qua thống kê sơ bộ, về sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại như diện tích hoa màu, rau màu 465ha. Diện tích cây keo bị ngã đổ 7.580ha. Diện tích cây ăn quả bị ngã đổ 90ha. Cây xanh bóng mát 1350 cây.

Về tàu thuyền có 12 tàu, ghe bị chìm, 3 tàu ở Tam Hải, huyện Núi Thành, Hội An 1 tàu, huyện Duy Xuyên 2 tàu và 6 ghe. Thiệt hại về gia súc, gia cầm bị cuốn trôi 3300 con; Lồng bè thủy sản bị hư hỏng 139 lồng.

"Để giúp đỡ nông dân khắc phục sau bão, Hội đã đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam quan tâm hỗ trợ kinh phí, các nhu yếu phẩm cần thiết giúp hội viên nông dân Quảng Nam khắc phục thiệt hại về dân sinh do bão số 9 gây ra để sớm ổn định đời sông nhân dân. Bên cạnh đó, mới đây Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã hỗ trợ cho Hội ND tỉnh 50 triệu đồng; Hội ND Hà Nội hỗ trợ 30 triệu đồng và Hội ND TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 30 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này đã trao hết cho bà con nông dân, người dân bị thiệt hại trên địa bàn…", ông Út chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem