Quảng Ninh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án KCN trọng điểm
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế, TX.Quảng Yên hiện có 5 Khu công nghiệp (KCN) nằm trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích là 4.591ha gồm Đông Mai, Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong và Bạch Đằng.
Đến nay, đã có 2 KCN là Đông Mai và Nam Tiền Phong được các chủ đầu tư thực hiện đầu tư kinh doanh hạ tầng và đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất để thực hiện dự án đầu tư, 3 KCN đang hoàn thiện thủ tục pháp lý, triển khai GPMB, đầu tư hạ tầng cơ sở.
Trong đó, KCN Đông Mai, có diện tích 167,86 ha, đã cho thuê 38,72 ha, tỷ lệ lấp đầy 31,18%, hoàn thành đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng thiết yếu… Hiện đang có 9 dự án thứ cấp FDI trong KCN Đông Mai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 230,172 triệu USD, 8 dự án thứ cấp đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Năm 2019 KCN nộp ngân sách 76 tỷ đồng.
Còn tại KCN Nam Tiền Phong, có diện tích 487,4ha, tính chất phát triển dịch vụ cảng biển, cảng biển, công nghiệp và đô thị... hiện mới có 1 nhà đầu tư thứ cấp là dự án Khu tổ hợp nhà xưởng Việt Nga, với tổng đầu tư 24 triệu USD triển khai đầu tư; 3 KCN còn lại gồm Sông Khoai, Bắc Tiền Phong và Bạch Đằng đều đang trong giai đoạn triển khai đầu tư.
Tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Văn Thắng, đại diện chủ đầu tư các KCN cũng đã báo cáo, đề xuất tỉnh hỗ trợ tháo gỡ một số khó khăn trong quá trình triển khai. Đó là, tiếp tục đẩy nhanh công tác GPMB các vị trí quy hoạch đầu tư KCN, bố trí mỏ đất, nguồn vật liệu đắp, đường vận chuyển, hạ tầng kết nối thiết yếu, nạo vét luồng vào các KCN.
Đồng thời, điều chỉnh quy hoạch để thu hút thêm các ngành công nghiệp liên quan đến hoạt động hóa chất hóa dầu, hàng lỏng... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư vào KCN đảm bảo tính hiệu quả của các dự án.
Đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và TX.Quảng Yên đã tập trung phân tích, làm rõ một số tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư, khai thác các KCN và đưa ra đề xuất điều chỉnh, hỗ trợ để các KCN đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thu hút nhà đầu tư thứ cấp…
Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, Quảng Yên đang là địa phương hội tụ đầy đủ nhất các điều kiện để phát triển KCN, đây chính là cơ hội, thời cơ để các KCN tại TX.Quảng Yên thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Ông yêu cầu các nhà đầu tư cần khẩn trương hoàn thành hệ thống hạ tầng cơ sở theo phê duyệt, triển khai các giải pháp kích cầu, thu hút nhà đầu tư thứ cấp.
Đối với đề xuất của các nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư để tháo gỡ, giải quyết ngay các khó khăn như điều chỉnh quy hoạch tại KCN Bắc Tiền Phong và Nam Tiền Phong; báo cáo Chính phủ cho phép cấp thị thực để các nhà đầu tư quốc tế vào nghiên cứu, tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; hoàn thiện hạ tầng kết nối tạo thành chuỗi cung ứng, hỗ trợ đồng bộ, liên thông.
Đồng thời, yêu cầu trong quá trình triển khai, các KCN cần tận dụng tối đa quỹ đất phía biển để phát triển hệ thống cảng. Đối với KCN Sông Khoai do Tập đoàn Amata đầu tư phải đảm bảo tiến độ hoàn thành hạ tầng trong tháng 9/2020.
Tại các vị trí đầu tư mới chưa có giao thông kết nối sẽ triển khai đường tạm để tổ chức thi công sớm. Những hạ tầng do nhà đầu tư đề xuất tự triển khai phải gắn kết, phù hợp, đồng bộ với hạ tầng của tỉnh. Riêng tuyến đường ven sông qua KCN Sông Khoai giai đoạn hiện tại chấp thuận phương án đầu tư 4 làn xe, tuy nhiên phải dành quỹ đất để nâng đồng bộ 6 và 10 làn xe trong giai đoạn tới theo đúng kế hoạch tuyến của tỉnh.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai phát triển KCN, các nhà đầu tư phải quan tâm đến vấn đề môi trường. Dành quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đảm bảo tiến độ GPMB cho KCN triển khai theo kế hoạch. Triển khai sớm việc nạo vét luồng Sông Chanh để hỗ trợ trong công tác thi công KCN.
Như vậy TX.Quảng Yên hiện là địa phương có nhiều KCN nhất tỉnh 5/11 KCN, hội tụ tốt nhất các điều kiện để phát triển theo định hướng trở thành khu kinh tế ven biển thông minh, hiện đại.