Quảng Ninh lên phương án dài hơi cho xuất khẩu nông sản

Nguyễn Quý Thứ tư, ngày 12/05/2021 14:17 PM (GMT+7)
Mặc dù hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra khá sôi động, nhưng nhưng do nhiều nguyên nhân, việc xuất khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam qua các cửa khẩu ở Móng Cái (Quảng Ninh) hiện nay còn khá hạn chế.
Bình luận 0

Tiềm lực lớn mạnh từ Móng Cái

Theo Ban Quản lý cửa khẩu Móng Cái, Tổng cục Hải quan Trung Quốc giới hạn danh sách các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam và danh mục các loại thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. 

Đây là nguyên nhân chính đã phần nào hạn chế số lượng các loại thủy sản và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản qua các cửa khẩu ở Móng Cái.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2020, số lượng, kim ngạch hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng giảm sâu.

Quảng Ninh lên phương án dài hơi cho xuất khẩu nông sản - Ảnh 1.

Mặc dù ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nhưng hoạt động xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu tại Móng Cái vẫn tăng. Ảnh: Hữu Việt

Hiện TP.Móng Cái có 3 đường xuất khẩu nông sản chính, trong đó có 1 cửa khẩu quốc tế Móng Cái với 2 lối thông quan (cầu Bắc Luân I, cầu Bắc Luân II); 2 lối mở, cửa khẩu phụ đã hoạt động ổn định từ nhiều năm (lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên, cửa khẩu phụ Ka Long).

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện cửa khẩu Ka Long kết nối với bến biên mậu (Đông Hưng - Trung Quốc) đang tạm dừng hoạt động.

Còn tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, khu vực cầu Bắc Luân I chủ yếu phục vụ cho hoạt động xuất nhập cảnh. Trong khi đó tại cầu Bắc Luân II, các mặt hàng nông sản được xuất nhập khẩu thường xuyên. Giá cả dịch vụ được TP.Móng Cái kiểm soát tốt, chất lượng bốc xếp ngày càng được cải thiện.

Quảng Ninh lên phương án dài hơi cho xuất khẩu nông sản - Ảnh 2.

Tại lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên, từ tháng 4/2019, bắt đầu được phép nhập khẩu hàng thủy sản. Ảnh: Hữu Việt

Năm 2020, tuy chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song lượng phương tiện và hàng hóa thông quan khu vực này vẫn tăng so với năm 2019.

Cụ thể, đã có 44.337 lượt phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu, tăng 28,4% so với năm 2019; trung bình đạt 155 lượt phương tiện/ngày; lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 863.945 tấn, tăng 31,5% so với năm 2019.

Trong quý I/2021, có trên 9.000 lượt phương tiện vận chuyển khoảng 175.000 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu, tăng 101,47% so với cùng kỳ năm 2020, trung bình đạt 151 phương tiện/ngày, tăng 93% so với cùng kỳ.

Tại lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên, cư dân biên giới được hưởng ưu đãi riêng về chính sách thuế (miễn thuế cho lô hàng có giá trị dưới 8.000 Nhân dân tệ, tương đương 25,6 triệu đồng).

Từ tháng 4/2019, tại đây bắt đầu được phép nhập khẩu hàng thủy sản. Do đó đã tạo ra ưu thế lớn cho TP.Móng Cái so với một số địa phương biên giới phía Bắc trong việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

Quảng Ninh lên phương án dài hơi cho xuất khẩu nông sản - Ảnh 3.

Vừa thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa, vừa đảm bảo các tiêu chí phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả. Ảnh: Hữu Việt.

Phương án "mở" tối đa cho các cửa khẩu Móng Cái

Để nâng cao năng lực xuất nhập khẩu nói chung và mặt hàng nông sản nói riêng, hiện TP.Móng Cái đang gấp rút nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, cảng biển, cơ sở hạ tầng các cửa khẩu...

Trong đó, TP.Móng Cái đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Đề án hợp tác thúc đẩy phát triển logistic khâu vận tải qua cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc).

Đồng thời kết nối, tạo điều kiện cho Tập đoàn Kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Hoa (CCIC) đặt chi nhánh đại diện, lắp đặt phòng thí nghiệm tại lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên để kiểm nghiệm, kiểm dịch hoa quả, thủy sản, dán tem sản phẩm giúp giảm thời gian thông quan...

Quảng Ninh lên phương án dài hơi cho xuất khẩu nông sản - Ảnh 4.

Các container hàng hóa nhập khẩu qua Cửa khẩu Cầu Bắc Luân 2. Ảnh: Hữu Vệt

Theo ông Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Móng Cái cho biết, địa phương thường xuyên trao đổi với lãnh đạo TP.Đông Hưng (Trung Quốc) đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất kéo dài thời gian thông quan.

Địa phương cũng đang tiếp tục kiến nghị nước bạn đưa thêm một số mặt hàng, danh mục nông sản, thủy sản để bổ sung vào những danh mục hàng hóa được xuất khẩu sang Trung Quốc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và hỗ trợ sản xuất cho người dân trên địa bàn TP Móng Cái và cả nước.

Từ tháng 5/2019, phía Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ, chứng thư kiểm dịch, siết chặt thêm điều kiện truy xuất hồ sơ doanh nghiệp, khiến các mặt hàng là thủy hải sản của các hộ kinh doanh cư dân biên giới xuất vào thị trường Trung Quốc gặp khó khăn.

Do vậy, Sở NN&PTNT cũng đề nghị Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) tăng cường công tác hướng dẫn, giám sát về các quy định: Cấp mã số doanh nghiệp, chương trình vùng nuôi quốc gia đối với các cơ sở xuất khẩu nông sản, thủy sản như hàu Thái Bình Dương, tôm, cá...

Để gỡ khó cho hoạt động xuất khẩu nông sản, tháng 12/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề xuất Bộ NN&PTNT chấp thuận đưa Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản châu Á Thái Bình Dương vào danh mục hoạt động tham gia dự án Thực phẩm nông nghiệp an toàn Việt Nam sử dụng nguồn vốn vay WB (Ngân hàng thế giới).

Tổng kinh phí xây dựng là 2.700 tỷ đồng.

Qua đó, đảm bảo cho công tác quản lý hàng hóa, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn một cách thống nhất theo quy định của Hải quan Trung Quốc, tăng uy tín về chất lượng và nâng cao giá trị cho hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem