Quảng Ninh: Thu ngân sách vẫn tăng 9% dù ảnh hưởng dịch Covid-19
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, đến 24/4, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 16.035 tỷ đồng, bằng 36% dự toán, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu nội địa đạt 12.065 tỷ đồng, bằng 95% so với cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu đạt 3.959 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.
Về chi ngân sách địa phương đạt 5.233 tỷ đồng, bằng 18% dự toán. Chi đầu tư phát triển 2.299 tỷ đồng; chi thường xuyên đạt 2.934 tỷ đồng. Để đảm bảo cân đối ngân sách trong điều kiện những tác động của dịch Covid-19 đang tác động xấu lên tất cả các ngành, lĩnh vực, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh dự kiến 2 kịch bản hụt thu và đề xuất các giải pháp bù hụt thu, cân đối ngân sách.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng, để đảm bảo tổng thu ngân sách đạt 48.000 tỷ đồng năm nay, các ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành ngân sách.
Theo đánh giá của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh, việc triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn còn chậm. Việc xác định nhu cầu trung hạn của từng ngành, địa phương còn bị động, chưa kịp thời, chưa sát với thực tế. Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, tiến độ giải ngân các công trình, dự án trọng điểm còn chậm. Tính tới ngày 22/4, giải ngân đầu tư công đạt 2.299 tỷ đồng, bằng 14,1% kế hoạch.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: Thời gian qua, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp vào cuộc quyết liệt trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Qua đó, dù là địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, nhưng tỉnh đã kiểm soát tốt tình hình, giữ Quảng Ninh an toàn tuyệt đối. Đồng thời, tỉnh vẫn đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH; đảm bảo an sinh, trật tự xã hội; tổ chức đại hội Đảng các cấp với nhiều đổi mới, đảm bảo chất lượng, thời gian, tiến độ theo chỉ đạo của Trung ương.
Mặc dù vậy, trong điều kiện dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp, tỉnh nhận diện còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi tiếp tục phải có kế hoạch cụ thể, triển khai các kịch bản điều hành phù hợp, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép về phòng, chống dịch bệnh và phát triển KT-XH.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh lưu ý, đến thời điểm này tỉnh chưa điều chỉnh chỉ tiêu thu ngân sách năm 2020. Do đó, để đảm bảo tổng thu ngân sách đạt 48.000 tỷ đồng năm nay, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành ngân sách.
Trong đó, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách ở tất cả các cấp; khai thác tốt các khoản thu còn dư địa; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư ngoài ngân sách có sử dụng đất, dự kiến triển khai trong năm nay. Tập trung thu tiền sử dụng đất của các dự án có liên quan tới phát triển sản xuất, thương mại, dịch vụ, chế biến, chế tạo... Các địa phương, sở, ngành chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; tăng cường thực hiện các thủ tục về đất đai, đảm bảo tiến độ và các quy định của pháp luật.
Đối với chi ngân sách, thực hiện nguyên tắc có thu mới có chi, đảm bảo ưu tiên cao nhất cho cân đối các nhiệm vụ chi thường xuyên, chi an sinh xã hội, bố trí dự phòng ngân sách để bù đắp hụt thu. Kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản ở các cấp ngân sách và chỉ quyết định chủ trương đầu tư khi xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Tiếp tục thực hiện triệt để tiết kiệm 10% chi thường xuyên, cắt giảm tối đa chi phí từ hội họp, tham quan học tập kinh nghiệm, đi công tác nước ngoài không cần thiết.
Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản cần tăng cường quản lý, sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định, bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, không dàn trải. Đặc biệt, phải đảm bảo khả năng cân đối vốn cho từng dự án đã xác định trong đầu tư công trung hạn.
Về kế hoạch vốn đầu tư ngân sách tỉnh 2020, theo kế hoạch đến 30/9, phải giải ngân hết vốn đầu tư công, các địa phương căn cứ tình hình thực tế để đảm bảo tiến độ thu. Đối với những dự án sử dụng các nguồn đã xác định hụt thu sẽ phải dừng ngay.
Đối với những dự án khởi công năm nay mà còn vướng mắc thủ tục thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, phải khẩn trương báo cáo tháo gỡ, chỉ khi nào hoàn thiện thủ tục theo đúng quy định mới được triển khai. Tập trung vốn cho các dự án trọng điểm dự kiến hoàn thành trong dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội Đảng toàn quốc như đường bao biển nối TP Hạ Long - TP Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1… Riêng Dự án Hầm đường bộ qua Vịnh Cửa Lục, sẽ báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho chủ trương cụ thể.
Về đầu tư công trung hạn 2021-2025, các cơ quan liên quan phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật; lưu ý chuyển nhưng dự án của giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn mới. Trong trường hợp cần thiết, phải báo cáo HĐND tỉnh sẽ xem xét, điều chỉnh.