Quảng Trị: Bí quyết nào để biến huyện Cam Lộ từ “cô bé lọ lem” thành “nàng công chúa” trong xây dựng nông thôn mới?

Ngọc Vũ - Bùi Quang Trung Thứ sáu, ngày 21/08/2020 19:02 PM (GMT+7)
Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) đã “lột xác”, từ “cô bé lọ lem” trở thành “nàng công chúa” xinh đẹp. Nhờ sự đồng lòng, đồng sức của chính quyền và nhân dân, Cam Lộ trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh Quảng Trị.
Bình luận 0

Người dân hiểu và chung tay

Cam Lộ 10 năm trước, khi bắt đầu xây dựng NTM có xuất phát điểm rất thấp, bình quân mỗi xã chỉ dưới 6 tiêu chí đạt chuẩn. Các tiêu chí chưa đạt chuẩn hầu hết là tiêu chí khó, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Trong khi đó, thu ngân sách trên địa bàn còn thấp, thiếu ổn định.

Nhớ lại những năm đầu xây dựng NTM, ông Ngô Quang Chiến – Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, thời điểm đó người dân cứ ngỡ xây dựng NTM là một dự án của trung ương, do ngân sách hỗ trợ 100%. 

Phải mất một thời gian khá dài, liên tục tuyên truyền, vận động người dân mới hiểu thực chất của quá trình xây dựng NTM, nhân dân là chủ thể, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần.Khi đã hiểu, người dân huyện Cam Lộ tích cực hiến đất, tài sản, hiến kế để đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM.

Quảng Trị: Huyện Cam Lộ từ “cô bé lọ lem” thành “nàng công chúa” xinh đẹp. - Ảnh 1.

Huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Hoàng Ngọc Thục (trú xã Cam Chính) - người hiến 400 m2 đất làm đường giao thông nông thôn cho biết, muốn con cháu phát triển kinh tế thì mình và mọi người phải hy sinh lợi ích bản thân, hiến đất mở đường, đóng góp xây dựng NTM. Với suy nghĩ tích cực đó, khi nghe tin xã mở con đường đi ngang qua đất nhà mình, ông Thục đã chủ động chặt cây cối trong vườn, tạo điều kiện để mở đường giao thông, làm gương cho bà con trong thôn.

"Huyện Cam Lộ phấn đấu đến 2025 xây dựng 60% - 70% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Xây dựng huyện Cam Lộ cơ bản thành huyện "Nông thôn mới kiểu mẫu", thu nhập bình quân đầu người trên 65 triệu đồng/người/năm khu vực nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện trên 70 triệu đồng/người/năm…", Ông Ngô Quang Chiến – Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị cho hay.


Ông Thục cho rằng, không đợi đến lúc giàu mới cho đi, mà phải đặt lợi ích của quê hương lên hàng đầu, phải tiên phong trong việc hiến đất. Theo ông Thục, việc làm hôm nay sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho mọi người sau này.

Suốt 3 năm nay, cứ mỗi rạng sáng thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, cô giáo Nguyễn Thị Hải Vân (38 tuổi, trú thôn Cu Hoan, xã Cam Nghĩa, Cam Lộ), hiện là giáo viên dạy môn Hoá học, Trường Tiểu học và THCS Lê Thế Hiếu (xã Cam Chính, Cam Lộ) lại cùng một số chị em trong thôn bật đèn pin, đi nhặt rác dọc các con đường của xã.

Cô Vân cho biết, mỗi tháng, ở thôn, xã phát động ra quân dọn dẹp vệ sinh một lần. Riêng cô muốn đóng góp thêm cho xã hội, góp phần làm sạch môi trường, đẹp quê hương nên thường xuyên đi nhặt rác hơn.

"Mình chỉ nghĩ đơn giản là sáng sớm đi nhặt rác, cũng là đi thể dục, một công đôi việc, lại đóng góp phần sức mọn cho quê hương chứ không to tát gì. Bởi lẽ, ở Cam Lộ nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung, có rất nhiều người đóng góp lớn lao hơn nhiều" – cô Vân khiêm tốn.

Không chỉ cá nhân, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Cam Lộ cũng tích cực đóng góp xây dựng NTM, điển hình là công an huyện. Mới đây, Công an huyện Cam Lộ đã đóng góp gần 100 triệu đồng xây tặng 2 sân bê tông cho thôn An Bình, xã Cam Thanh (400 m2) và thôn Cam Phú, xã Cam Thành (600 m2). Hai công trình này giúp nhân dân thuận lợi hơn trong sinh hoạt cộng đồng.

Quảng Trị: Huyện Cam Lộ từ “cô bé lọ lem” thành “nàng công chúa” xinh đẹp. - Ảnh 3.

Con đường giao thông nông thôn do người dân hiến đất, công an huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị hỗ trợ kinh phí xây dựng ở xã Cam An.

Ngoài ra, người dân còn hưởng ứng tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Các mô hình, cây trồng áp dụng công nghệ mới như sắn dây, dược liệu, lúa sạch, ổi Đài Loan… được mở rộng. Nhiều trang trại, gia trại theo hướng từ nơi sản xuất đến bàn ăn mang lại hiệu quả, thương hiệu như gà Cùa, lợn bản Cam Thành…

"Cô bé lọ lem" thành "nàng công chúa" xinh đẹp

Trong 10 năm, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã huy động hơn 3.000 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp hơn 215 tỷ đồng, doanh nghiệp 648 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân còn hiến 390.232 m2 đất, 19.512 cây các loại, 52.000 ngày công, di dời 3.319 ngôi mộ, đóng góp 59,924 tỷ đồng thắp sáng đường quê…

Nhờ sử dụng lồng ghép các nguồn vốn hiệu quả nên quá trình xây dựng NTM ở Cam Lộ đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, huyện còn có chính sách khuyến khích nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM như: Thưởng công trình phúc lợi 200 triệu đồng cho xã về đích NTM; 100 triệu đồng cho xã về đích NTM kiểu mẫu. Để đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân, hướng tới phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, an toàn và bền vững, từ năm 2011 – 2019, huyện đã hỗ trợ 20,5 tỷ đồng cho các hộ nông dân chuyển đổi cây trồng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất…

Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội, chính trị các cấp ở Cam Lộ đã có nhiều phong trào sáng tạo để thúc đẩy quá trình xây dựng NTM. Mặt trận tổ quốc triển khai cuộc vận động "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở" và "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh", phong trào xây dựng "Khu dân cư NTM kiểu mẫu" gắn với phong trào hiến đất, cây, tự giải phóng mặt bằng.

Quảng Trị: Huyện Cam Lộ từ “cô bé lọ lem” thành “nàng công chúa” xinh đẹp. - Ảnh 4.

Ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị có rất nhiều con đường hoa tươi đẹp, góp phần làm rạng rỡ bộ mặt nông thôn.

Hội Nông dân vận động hội viên tham gia sản xuất giỏi, hưởng ứng "Ngày thứ bảy Nông thôn mới", vệ sinh môi trường. Hội phụ nữ vận động hội viên thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", phong trào "Phụ nữ học tập lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc", phong trào trồng cây xanh, đường hoa. 

Huyện Đoàn với phong trào "Tuổi trẻ Cam Lộ chung tay xây dựng nông thôn mới". Hội cựu chiến binh có phong trào "Cựu chiến binh huyện Cam Lộ chung sức xây dựng nông thôn mới" gắn với phong trào thi đua "Cựu chiến binh gương mẫu"…

Nhờ sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân trong quá trình xây dựng, tháng 4/2020, Cam Lộ được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM – trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 khu vực nông thôn đạt 38,34 triệu đồng/người/năm, tăng 1,9 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,57% , giảm 1.117 hộ.

Ông Ngô Quang Chiến – Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị cho hay, trong thời gian tới, huyện vẫn xác định xây dựng NTM theo phương châm "Chủ động, quyết liệt, hiệu quả, sáng tạo". Cách làm của huyện là từ đồng ruộng vào nhà, từ nhà ra khu dân cư, với sức mạnh dựa vào con người, đặc biệt là "Nông dân, cư dân nông thôn và cán bộ cơ sở". Huyện sẽ huy động đầu tư có hiệu quả từ mọi nguồn lực, dựa vào sức dân để lo cuộc sống cho dân, dựa vào sức mạnh của quần chúng nhân dân làm nên NTM.

"Huyện phấn đấu đến 2025 xây dựng  60% - 70% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Xây dựng huyện Cam Lộ cơ bản thành huyện "Nông thôn mới kiểu mẫu", thu nhập bình quân đầu người trên 65 triệu đồng/người/năm khu vực nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện trên 70 triệu đồng/người/năm…", ông Chiến cho hay.

Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá cao và cho rằng, tinh thần đồng tâm hiệp lực của chính quyền, nhân dân Cam Lộ là yếu tố then chốt, quyết định sự thành công trong quá trình xây dựng NTM của huyện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem