Quảng Trị: Đề nghị hỗ trợ 2 con chó nghiệp vụ xua đuổi đàn voọc từng tấn công 9 người ở đường quốc lộ

Thứ năm, ngày 24/09/2020 08:15 AM (GMT+7)
Nhà chức trách tỉnh Quảng Trị đề nghị Biên phòng hỗ trợ hai chó nghiệp vụ xua đuổi đàn voọc từng tấn công 9 người dân.
Bình luận 0

Sáng 23/9, tại Đồn biên phòng Hướng Lập (huyện Hướng Hoá), các ngành chúc năng tỉnh Quảng Trị họp bàn giải pháp xua đuổi đàn voọc ba con, gồm hai đực một cái, trở lại rừng.

Quảng Trị: Đề nghị hỗ trợ 2 con chó nghiệp vụ xua đuổi đàn voọc từng tấn công 9 người ở đường quốc lộ - Ảnh 1.

Một con voọc lao ra tấn công hai người dân đi đường, trong khi kiểm lâm túc trực dùng gậy xua đuổi. Ảnh: Hoàng Táo

Từ tháng 7/2020 đến nay, tại đoạn đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua thôn Cha Lỳ và đường bê tông rẽ vào thôn Sê Pu (xã Hướng Lập), đàn voọc đã tấn công 9 người dân, trong đó có một phụ nữ mang thai tám tháng, ba người phải khâu bốn mũi ở chân. Ngày 20/9, một người phụ nữ ở Khe Sanh bị voọc tấn công khiến trầy xước chân.

Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, nói tình trạng trên kéo dài ảnh hưởng đến trật tự và tâm lý người dân. Bà Phương đề nghị Biên phòng Quảng Trị hỗ trợ hai chó nghiệp vụ trong năm ngày, với mục đích chỉ sử dụng tiếng chó để xua đuổi, không để xảy ra xung đột giữa chó và voọc.

Thượng tá Trần Mạnh Hùng, Phó tham mưu trưởng Biên phòng Quảng Trị, cho hay đơn vị sẵn sàng cử chó nghiệp vụ và huấn luyện viên hỗ trợ địa phương. "Sợ nhất là voọc nghe tiếng chó sủa, nhảy vào tấn công chó nghiệp vụ xảy đến hậu quả khó lường", ông Hùng nêu.

Quảng Trị: Đề nghị hỗ trợ 2 con chó nghiệp vụ xua đuổi đàn voọc từng tấn công 9 người ở đường quốc lộ - Ảnh 2.

Một con voọc ngồi trên cây khoảng bốn mét chờ tấn công người đi đường. Ảnh: Hoàng Táo

Ngoài giải pháp trên, nhà chức trách địa phương tiếp tục vận động người dân không làm hại voọc, xua đuổi quyết liệt hơn để voọc vào rừng sâu. Về lâu dài, kiểm lâm Quảng Trị liên hệ với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) để hỗ trợ, bảo tồn tại chỗ ba con voọc này.

Cuộc họp cũng đề xuất các phương án gây mê, đặt bẫy lồng, đặt bả có chất gây mê... Nếu các phương án bảo tồn không hiệu quả, trong khi đàn voọc tiếp tục tấn công người thì nhà chức trách có quyền tiêu diệt theo quy định hiện hành.

Ông Nguyễn Quốc Cảm, Trạm trưởng kiểm lâm Hướng Lập, cho hay voọc thường nấp trong bụi cây, chờ người dân đi đến rồi bất ngờ nhảy ra khiến họ bị ngã xe, sau đó chạy lại gần cắn. Có con liều lĩnh hơn, ngồi trên cây cao khoảng bốn mét ở sát lề đường, chờ người dân đi xe máy ngang qua thì nhảy xuống tấn công.

Chị Nguyễn Thị Lệ (35 tuổi, trú thị trấn Khe Sanh) bày tỏ rất lo sợ vì làm nghề buôn bán, thường xuyên qua lại đoạn đường nơi có đàn voọc. Cuối tháng 8, chị Lệ bị một con voọc đuổi theo, cắn vào bắp chân phải khâu bốn mũi.

Voọc Hà Tĩnh, hay còn gọi voọc đen Hà Tĩnh, voọc gáy trắng (tên khoa học Trachypithecus hatinhensis) được tìm thấy trong các khu rừng núi đá vôi thuộc tỉnh Quảng Bình. Chúng sống theo đàn từ 2 đến 15 con, cá biệt có đàn 30 con, thuộc nhóm IB động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Hoàng Táo (Vnexpress.net)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem