Quảng Trị: Dùng chiêu cũ rích để lừa đảo vẫn chiếm đoạt được hàng trăm triệu đồng

Ngọc Vũ Thứ năm, ngày 16/02/2023 09:45 AM (GMT+7)
Trong cơn “sốt đất” Thắm đã dùng chiêu thức cũ rích là làm giả sổ đỏ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thế nhưng, nhiều người vẫn “sập bẫy”.
Bình luận 0

"Sập bẫy" chiêu cũ rích

Ngày 16/2, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, vẫn đang mở rộng điều tra vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

Bị can là Nguyễn Thị Thắm (sinh năm 1991), trú tại xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bị khởi tố, bắt tạm giam vào giữa tháng 1/2023.

Quảng Trị: Dùng chiêu cũ rích để lừa đảo vẫn chiếm đoạt được khối tiền - Ảnh 1.

Công an đọc lệnh bắt giam Nguyễn Thị Thắm để điều tra tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Ảnh: Công an tỉnh Quảng Trị.

Cán bộ điều tra của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, Thắm có một mảnh đất nhưng đã bán.

Trước khi phạm tội, Thắm tham gia làm "cò đất". Thấy dễ có tiền, Thắm vay nóng để kinh doanh bất động sản, "lướt sóng đất"… Tuy nhiên, khi cơn "sốt đất" qua đi, Thắm vỡ nợ vì thua lỗ.

Vậy là Thắm nghĩ đến việc lừa đảo. Để thực hiện hành vi, tháng 6/2022, Thắm đặt làm 4 "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" giả (gọi là sổ đỏ giả). Sau đó, Thắm dùng 3 sổ đỏ giả để lừa đảo một số bị hại, chiếm đoạt số tiền trên 700 triệu đồng.

Thủ đoạn của Thắm là dùng sổ đỏ giả để rao bán đất và nhận được sự tin tưởng của khách hàng, đến mức Thắm đã làm xong thủ tục công chứng việc mua bán đất trên sổ đỏ giả cho khách hàng.

Cán bộ điều tra của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, trong vụ án này, điều đáng nói nhất là Thắm đã lợi dụng sơ hở trong việc công chứng thủ tục chuyển nhượng đất của một số cơ quan, đơn vị để thực hiện hành vi lừa đảo.

Theo công an, Thắm đã ly hôn, các con do chồng chăm sóc. Bị hại chủ yếu là người quen của Thắm. Trước khi phạm tội, Thắm đã thực hiện một số thủ tục để xuất khẩu lao động để kiếm tiền chính đáng. Tuy nhiên, khi dự định chưa hoàn thành thì Thắm đã vướng vòng lao lý.

Cần hệ thống liên kết quản lý giám sát

Được biết, trong cơn "sốt đất" vào năm 2021 và đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nhiều đối tượng bị vỡ nợ, sau đó sử dụng các thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân. Có vụ án số tiền lừa đảo lên tới hàng chục tỷ đồng. Nạn nhân của những vụ án này gần như kiệt quệ vì trắng tay.

Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng đều là chiêu thức cũ như: Làm giả sổ đỏ để cầm cố, rao bán cho nhiều người, vay tiền đáo hạn ngân hàng, kinh doanh bất động sản…

Hiện nay, một số vụ liên quan đến các thủ đoạn lừa đảo nên trên đã được cơ quan công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can và điều tra mở rộng.

Quảng Trị: Dùng chiêu cũ rích để lừa đảo vẫn chiếm đoạt được khối tiền - Ảnh 2.

Cần hệ thống liên kết giữa các văn phòng công chức với cơ quan quản lý giám sát nhằm phát hiện sớm trường hợp gian dối khi làm thực hiện các thủ tục pháp lý. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ông Hoàng Kỳ - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị cho biết, sổ đỏ giả có hai nguồn, thứ nhất là từ các đối tượng sử dụng công nghệ cao làm ra, nguồn thứ hai là do phôi sổ đỏ thất thoát ra ngoài.

Hiện nay có hai nguồn giao dịch bất động sản cơ quan chức năng khó kiểm soát. Thứ nhất là các hợp đồng mua bán bất động sản không qua giao dịch công chứng, chứng thực mà hai bên mua-bán chỉ ký hợp đồng với nhau. Thứ hai là hợp đồng mua bán có qua đăng ký chuyển nhượng ở phòng công chứng nhưng không qua các đơn vị đăng ký giao dịch bảo đảm ở văn phòng đăng ký đất đai theo quy định pháp luật (gọi là mua-bán ngang công chứng).

Theo ông Kỳ, chưa có quy định, chế tài nào cho phép các đơn vị hành nghề công chứng, chứng thực khi phát hiện sổ đỏ giả thì được lập biên bản hoặc tạm giữ. Đây là thiếu sót, bất cập lớn khiến hiệu quả công việc, phòng ngừa tội phạm chưa cao.

Ông Kỳ cho hay, quyền sử dụng đất là tài sản đặc biệt nên cần cơ chế quản lý phù hợp, chặt chẽ, đặc biệt là trong quá trình giao dịch, bởi nếu xảy ra gian lận, vi phạm thì hệ luỵ rất lớn. Để ngăn ngừa cách tốt nhất là phải dán tem chống giả sổ đỏ; đồng thời, cần có một hệ thống phần mềm liên kết các cơ quan, đơn vị công chứng với cơ quan chức năng liên quan nhằm quản lý, giám sát chặt chẽ các quy trình, phát hiện sớm trường hợp gian dối để xử lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem