Quảng Trị: "Gã điên" ngày nào giờ thành tỷ phú nhờ nuôi lợn, nuôi gà công nghệ cao

Ngọc Vũ Chủ nhật, ngày 05/09/2021 05:11 AM (GMT+7)
Vùng cát thôn Đồng Tâm, xã Triệu Trạch (Triệu Phong, Quảng Trị) từng được xem và “vùng đất chết”, không ai thèm để ý tới. Thế nhưng, nông dân Lê Đình Vững đã khai phá, biến thành nơi “đẻ” tiền tỷ mỗi năm nhờ đầu tư chăn nuôi lợn công nghệ cao quy mô lớn.
Bình luận 0

"Gã điên" thành tỷ phú

Tháng 8, khi cái nắng mùa hè vẫn còn khắc nghiệt, chúng tôi tìm đến vùng cát thôn Đồng Tâm, xã Triệu Trạch tìm gặp anh Lê Đình Vững (SN 1981) – Một trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021.

Bằng filycam, chúng tôi quan sát bao quát vùng này chỉ toàn cát trắng, cây cối tong teo. Điểm sáng duy nhất là 3 dãy chuồng rộng lớn trong trang trại nuôi lợn, gà của anh Vững.

Clip: Anh Lê Đình Vững chia sẻ về những thành công, vất vả trong quá trình biến "vùng đất chết" toàn cát trắng thành trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao . Clip: Ngọc Vũ (Độc quyền của Báo Dân Việt)

Để vào được trang trại này, chúng tôi đã phải qua 2 lần sát khuẩn, đo thân nhiệt. "Dịch Covid-19, dịch tả lợn châu Phi… nên anh thông cảm, chúng tôi phải làm kỹ" – một công nhân nói.

Tuy vậy, chúng tôi cũng không thể vào bên trong khu vực chăn nuôi, chỉ có thể quan sát những con lợn mập ú, nặng cả tạ qua màn hình camera an ninh.

Anh Vững dẫn chúng tôi đến gần một dãy chuồng lợn rồi anh cùng công nhân bắt 150 con lợn lên xe xuất bán cho công ty, mồ hôi nhễ nhại. Nhờ đứng ở nơi xuất lợn lên xe, chúng tôi mới có thể ghi hình.

"Làm nông là vậy, dù mỗi năm tôi lãi gần 2 tỷ đồng trong tay nhưng vẫn phải lăn ra làm việc, không chỉ tay năm ngón được" – anh Vững chia sẻ.

Anh nông dân bắt “vùng đất chết” “đẻ” tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 2.

Anh Lê Đình Vững (SN 1981) – Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 có tinh thần thép, đã chinh phục được vùng cát trắng khô cằn để có thu nhập gần 2 tỷ/năm. Ảnh: Ngọc Vũ.

Anh Vững kể, trước đây học Đại học Thuỷ sản Nha Trang (Khánh Hoà). Ra trường năm 2003, anh lặn lộn làm thị trường ở nhiều công ty bán giống, thức ăn nuôi tôm. 

Có lúc anh quản lý hệ thống đại lý 4 tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Hà Tĩnh, mức lương trên 20 triệu đồng/tháng. Đó là thu nhập mơ ước của nhiều người thời điểm đó và ngay cả bây giờ.

Thế nhưng, đến năm 2007, sau khi lấy vợ là cô giáo mầm non cùng xã, anh Vững quyết định nghỉ việc ở công ty để lập nghiệp tại quê nhà, tiện việc chăm lo vợ con.

Với tính quyết đoán và nghị lực vượt khó, anh Vững tìm đến vùng cát Đồng Tâm, dốc toàn bộ vốn liếng dành dụm được, vay vốn thêm để chăn nuôi lợn, vịt, gà.

"Đất cát nóng cháy da, có cây gì sống nỗi đâu, vùng này lại không có đường, kéo điện thì xa mà bỏ bằng cấp, bỏ công việc lương cao, rồi bỏ vốn liếng lên đó, thằng Vững bị điên rồi, nhiều người đã nói tôi như thế" – anh Vững nhớ lại.

Bỏ ngoài tai tất cả, vợ chồng anh Vững quyết tâm xây dựng trang trại, ban đầu nuôi 100 con lợn, vài ngàn con gà, vịt.

Buổi ban đầu khó khăn gian khổ nhưng nhờ có kiến thức chăn nuôi nên gần như năm nào anh Vững cũng có lãi, tuy không lớn. Thế nhưng, một vài năm dịch bệnh tai xanh nghiêm trọng khiến anh phải nghỉ chăn nuôi.

Anh nông dân bắt “vùng đất chết” “đẻ” tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 3.

Anh Lê Đình Vững (SN 1981) – Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 xuất bán lợn cho công ty. Ảnh: Ngọc Vũ.

Nhận thấy chỉ nuôi vài trăm con lợn, vài ngàn con gà trong điều kiện chuồng trại đơn giản sẽ rất nguy hiểm, có thể trắng tay nếu không may bị dịch bệnh.

Vì vậy, năm 2017, anh Vững đã liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam để chăn nuôi quy mô lớn, khép kín, phòng lạnh, đảm bảo an toàn hơn.

Từ nguồn vốn vay ngân hàng, anh Vững đầu tư xây dựng 3 dãy chuồng và thêm các công trình phụ trợ trong diện tích 3ha ở vùng cát Đồng Tâm, tăng quy mô chăn nuôi lên 11.200 con lợn mỗi năm (chia thành 4 lứa, mỗi lứa 2.800 con) và 175.000 con gà (3,5 lứa/năm, mỗi lứa 50.000 con). 

Đây là mô hình chăn nuôi lợn công nghệ cao, nuôi gà công nghệ cao khép kín có quy mô lớn đầu tiên của huyện Triệu Phong. Mỗi năm, anh Vững có doanh thu 3-4 tỷ đồng, lãi khoảng 1,8 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 công nhân với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

Đừng ngại khó, hãy cố gắng vươn lên

Có một điều đặc biệt trong cách chăn nuôi của anh Vững, đó là hầu hết thời gian đều tắt đèn trong chuồng trại.

Anh Vững giải thích, vật nuôi rất hiếu kỳ, quậy phá khi nhìn thấy nhau. Trước đây, người nuôi gà phải cắt mỏ gà đến 3 lần để chúng không cắn nhau. Quá trình cắt mỏ gà, ảnh hưởng sinh trưởng của vật nuôi và tốn nhiều công sức. Hay con lợn, nếu nhìn thấy nhau chúng sẽ cắn nhau, quậy phá, chậm lớn.

Anh nông dân bắt “vùng đất chết” “đẻ” tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 4.

Anh Lê Đình Vững – Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 chia sẻ, phải hạn chế tối đa ánh sáng để gà không cắn nhau. Ảnh: Ngọc Vũ.

Vì vậy, phương pháp chăn nuôi hiện nay là chỉ bật đèn khi cho vật nuôi ăn, sau đó tắt đèn để chúng nghỉ ngơi.

"Với lợn tôi tắt đèn hoàn toàn. Còn gà, tôi để ánh sáng xanh, rất mờ. Không thấy nhau thì chúng sẽ không cắn nhau, không quậy phá" – anh Vững giải thích.

Anh nông dân bắt “vùng đất chết” “đẻ” tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 5.

Trang trại của anh Lê Đình Vững – Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 nằm giữa vùng cát trắng khô cằn, từng được xem là vùng đất chết. Ảnh: Ngọc Vũ.

Để đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho lợn, gà, anh Vững dùng máy quạt nước làm mát vào mùa hè, máy sưởi vào mùa đông.

Không chỉ sản xuất giỏi, anh Vững còn nhiệt tình giúp đỡ những người chăn nuôi có nhu cầu học hỏi. Tất tần tật bí quyết, kỹ thuật đều được anh cầm tay chỉ việc cho người cùng chí hướng. Bởi theo anh Vững, tạo ra một cộng đồng chăn nuôi vững mạnh thì bản thân mỗi thành viên sẽ vững mạnh, cùng hưởng lợi ích chung.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Vững cho biết, các bạn trẻ muốn lập nghiệp thì đừng ngại khó, ngại khổ, hãy cố gắng vươn lên rồi kết quả sẽ mỉm cười.

Ông Trần Văn Bến – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đánh giá, anh Lê Đình Vững là tấm gương sáng, dám quyết đoán, vượt khó vươn lên, biến vùng cát trắng khô cằn thành nơi đẻ "trứng vàng".

Theo ông Bến, mô hình chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp như anh Vững rất cần các địa phương, các cấp, ngành, đặc biệt là phía ngân hàng hỗ trợ vốn vay, đất đai để phát triển, tạo đột phá trong sản xuất, thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn.

"Có câu đừng than phận khó ai ơi, còn da lông mọc, còn chồi nảy cây. Tấm gương sáng của anh Vững là niềm tự hào của chúng tôi, là niềm cảm hứng cho người khác cố gắng trong sản xuất, tạo ra những nông dân sản xuất giỏi, đóng góp vào sự phát triển của quê hương, đất nước" – ông Bến nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem