Quảng Trị: Liều vay vốn làm ăn, nhiều người từ chỗ tay trắng giờ có cơ ngơi tiền tỷ

Trần Hậu Thứ hai, ngày 20/03/2023 06:00 AM (GMT+7)
Thời gian qua, tại tỉnh Quảng Trị xuất hiện nhiều tỷ phú trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Có một điểm chung ở nhiều người trong số họ là đã khởi nghiệp từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Bình luận 0

Nhờ tiếp cận được nguồn vốn của Agribank mà hàng nghìn hộ dân Quảng Trị đã có điều kiện đầu tư sản xuất kinh doanh, mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế, chăn nuôi, trồng trọt… để xóa đói giảm nghèo, và nhiều hộ đã trở nên giàu có.

Từ tay trắng đến cơ ngơi hàng chục tỷ đồng

Ông Võ Văn Tình - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Quảng Trị cho biết, từ khi thành lập đến nay, chi nhánh luôn bám sát địa bàn hoạt động, định hướng phát triển hàng năm của địa phương để triển khai các gói tín dụng phù hợp. Xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những năm qua Agribank đã tích cực đưa nguồn vốn đến tận tay người dân và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đặc biệt, Agribank Quảng Trị tập trung ưu tiên đầu tư cho vay phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư tín dụng cho vay các dự án phát triển kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi trang trại, gia trại, các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao.

Nông dân Quảng Trị ăn nên làm ra từ vốn vay của Agribank - Ảnh 1.

Trang trại của anh Đào Văn Khánh có diện tích hơn 20ha, với các loại cây trồng như cao su, keo lá tràm và cây ăn quả. Ảnh: T.H

"Trong thời gian tới, Agribank Chi nhánh tỉnh Quảng Trị sẽ bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tiếp tục đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao thu nhập...".

Ông Võ Văn Tình - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Quảng Trị

Ông Tình cho biết thêm, từ nguồn vốn vay của Agribank, nhiều nông dân Quảng Trị đã xây dựng được các mô hình kinh tế có quy mô lớn. Điển hình như mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của anh Đào Văn Khánh (xã Cam Thành, huyện Cam Lộ); mô hình sản xuất và chế biến cà phê của chị Nguyễn Thị Hằng (xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa)…

Sở hữu cơ ngơi hàng chục tỷ đồng, ít ai biết rằng cách đây 15 năm vợ chồng chị Nguyễn Thị Hằng (ở thôn Trầm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa) chỉ khởi nghiệp với số vốn ban đầu 30 triệu đồng vay từ Agribank. 

Trò chuyện cùng phóng viên Báo NTNN, chị Hằng cho biết, vợ chồng chị cũng giống như bao cặp vợ chồng trẻ khác, sau khi lập gia đình đều phải lo phát triển kinh tế riêng để chăm sóc con cái. Năm 2008, vợ chồng chị chỉ mua đi bán lại hàng nông sản. Công việc thuận lợi, kinh tế dần ổn định, có lãi nên vợ chồng chị bắt đầu xây dựng cơ sở chế biến cà phê. 

Sau 5 năm, đến nay cơ sở sản xuất và kinh doanh cà phê của chị Hằng có diện tích hơn 2.000m2, hàng năm thu mua hơn 3.000 tấn cà phê quả tươi của bà con nông dân, xuất bán ra thị trường khoảng 20 tấn sản phẩm gồm cà phê bột và cà phê hạt rang mang thương hiệu Cà phê Khe Sanh. Sản phẩm cà phê của cơ sở chị Hằng đã được xếp hạng OCOP 4 sao năm 2021.

Cà phê Khe Sanh của chị Hằng có giá bán 240.000 đồng/kg, loại đặc biệt là 450.000 đồng/kg. Bên cạnh sản xuất và bán các sản phẩm cà phê, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng nông sản của chị Hằng còn xuất bán các sản phẩm như tinh bột nghệ, hồ tiêu, bơ, mắc ca… Chị Hằng đã thành lập HTX Nông sản Khe Sanh để thu mua và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản cho bà con nông dân.

Ngoài làm kinh tế giỏi, cơ sở sản xuất kinh doanh cà phê và hàng nông sản của chị Nguyễn Thị Hằng còn giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên, và hàng chục lao động thời vụ.

Chị Hằng cho biết thêm, gia đình chị đã gắn bó với Agribank 15 năm nay, kể từ khi còn là đôi vợ chồng trẻ luôn khát khao khởi nghiệp và làm giàu. Từ vài chục triệu vốn vay của Agribank, chị đã đầu tư cơ sở chế biến cà phê, rồi dần dần làm ăn có lãi, chị Hằng đã sử dụng đồng vốn để xoay vòng phát triển sản xuất.

"Gia đình tôi có được cơ ngơi như ngày hôm nay là nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Agribank. Thực sự Agribank là "phao cứu sinh" cho vợ chồng tôi, không chỉ thời điểm khởi nghiệp mà còn trong cả giai đoạn dịch Covid-19. Hiện nay, cơ sở sản xuất kinh doanh cà phê của tôi có doanh thu khoảng 25 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí tôi lãi hơn 2 tỷ đồng mỗi năm" - chị Hằng phấn khởi cho hay.

Agribank sát cánh cùng nông dân

Nông dân Quảng Trị ăn nên làm ra từ vốn vay của Agribank - Ảnh 3.

Với sự đồng hành của Agribank, chị Nguyễn Thị Hằng (thôn Trầm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã xây dựng được cơ sở chế biến cà phê cho doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm. Ảnh: T.H

Tại tỉnh Quảng Trị, sự đóng góp của Agribank với vai trò chủ lực trên thị trường vốn và tín dụng cho lĩnh vực tam nông có ý nghĩa kinh tế, chính trị và xã hội sâu sắc. Từ nguồn vốn đó, nông nghiệp và nông thôn khởi sắc nhờ nông dân có điều kiện thực hiện phá thế độc canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. 

Cũng từ đó, nông dân - những "người bạn đồng hành" của Agribank ngày càng trưởng thành, biết tự thoát nghèo, từng bước vươn tới làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương anh hùng.

Một hộ tiêu biểu khác về làm ăn hiệu quả là anh Đào Văn Khánh (SN 1972, ở thôn Cam Phú, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ). Chúng tôi đến thăm trang trại kinh tế tổng hợp của anh Khánh, được anh cho biết: Những năm 2000, vùng đất này còn nhiều khó khăn lắm, lúc ấy anh chỉ biết nuôi con gì và trồng cây gì đem lại thu nhập nhanh nhất có thể cho gia đình có nguồn sống qua ngày, chứ không mơ màng gì đến chuyện làm giàu. 

Năm 2003, với số vốn vay 10 triệu đồng của Agribank và tiền tích góp được, anh bắt đầu xây dựng mô hình kinh tế trang trại. Để "ăn chắc", anh đã chọn nuôi gà - vịt và trồng sắn để khởi nghiệp.

Theo thời gian, trang trại phát triển tốt, anh Khánh lấy số tiền lãi thu được tiếp tục đầu tư, mở rộng. Đến nay, trang trại của anh có diện tích gần 20ha, trong đó có 5ha cao su, hơn 13ha rừng trồng keo và 1,3ha trồng cam. Anh Khánh cho biết thêm, hàng năm trang trại kinh tế tổng hợp này đã đem lại nguồn thu nhập hơn 300 triệu đồng cho gia đình anh, nhờ đó mà gia đình anh đã có cuộc sống ổn định, nuôi con cái ăn học đầy đủ.

Anh Khánh chia sẻ, làm nông nghiệp không thể tránh khỏi rủi ro, bấp bênh từ thiên tai, dịch bệnh cho tới giá cả, thị trường tiêu thụ... nên nếu không có ngân hàng đồng hành, chia sẻ lúc gặp khó khăn về vốn, những người nông dân như anh cũng không thể làm gì được.

"Hai năm trước, lúc ảnh hưởng của dịch Covid-19, được ngân hàng hỗ trợ lãi suất vay 10%, tôi cũng phấn khởi vì lợi nhuận thu được cao hơn một chút. Tôi được Agribank cho vay vốn với lãi suất ưu đãi nên mới phát triển được nông nghiệp quy củ như hiện nay" - anh Khánh khẳng định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem