“Quên” 3,8 triệu USD, cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang xin khắc phục hậu quả

Gia Bình Thứ sáu, ngày 13/05/2022 14:21 PM (GMT+7)
Cơ quan cảnh sát điều tra cáo buộc ông Cao Minh Quang đã thiếu trách nhiệm, để Công ty Dược Cửu Long dùng sai 3,8 triệu USD. Cựu Thứ trưởng nhận tội, xin “tự nguyện khắc phục hậu quả”.
Bình luận 0

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận, đề nghị truy tố bị can Cao Minh Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế và 3 người khác về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Các bị can gồm Dương Huy Liệu, nguyên Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế; Nguyễn Nam Liêm, nguyên Phó ban phòng chống dịch H5N1 Bộ Y tế và Phạm Thị Minh Nga, nguyên Kế toán trưởng Ban phòng chống dịch H5N1.

Cùng vụ án, 4 bị can thuộc Công ty Dược Cửu Long bị đề nghị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" gồm: Lương Văn Hóa, nguyên Tổng giám đốc; Nguyễn Thanh Tòng, nguyên Phó tổng giám đốc; Nguyễn Thanh Hải, nguyên Kế toán trưởng và Ngô Hữu Hiếu Nghĩa, nguyên Giám đốc xuất nhập khẩu.

“Quên” 3,8 triệu USD, cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang xin khắc phục hậu quả - Ảnh 1.

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang. Ảnh: N.H.

Theo kết luận điều tra, năm 2005, dịch H5N1 diễn biến phức tạp nên Chính phủ phê duyệt kế hoạch dự trữ thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc Oseltamivir dùng trong phòng, chống cúm A H5N1.

Năm 2006, Bộ Y tế đặt hàng Công ty Dược Cửu Long (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) sản xuất 5 triệu viên Oseltamivir với giá gần 146 tỷ đồng. Để sản xuất, Lương Văn Hóa và cấp dưới mua từ Công ty Mambo (Singapore) 525kg nguyên liệu, giá gần 9 triệu USD.

Sau đó, giá nguyên liệu giảm nên phía Mambo đồng ý giảm giá 3,8 triệu USD cho Công ty Dược Cửu Long. Tuy nhiên, Lương Văn Hóa đã "không báo cho Bộ Y tế biết" mà dùng số tiền này để "bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh", kết luận điều tra nêu.

Năm 2010, Thanh tra Chính phủ phát hiện Công ty Dược Cửu Long "để ngoài sổ sách" hơn 3,8 triệu USD nên yêu cầu nộp lại. Tuy nhiên, Hóa chỉ đạo cấp dưới chuyển số tiền này ra nước ngoài, thanh toán cho 11 hợp đồng mua nguyên liệu khác, không phải để sản xuất Oseltamivir.

Do phía điều tra xin quan điểm xử lý, Bộ Tài chính có văn bản thể hiện 3,8 triệu USD đã bị thanh toán không đúng quy định dù đây là: "Khoản chênh lệnh giá phải hoàn trả cho ngân sách Nhà nước". Tương tự, Bộ Y tế khẳng định số tiền trên là khoản giảm giá nguyên liệu, phải nộp lại theo quy định.

“Quên” 3,8 triệu USD, cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang xin khắc phục hậu quả - Ảnh 3.

Các bị can Nguyễn Nam Liêm (trái) và Dương Huy Liệu. Ảnh: Bộ Công an.

Để xảy ra hậu quả trên, phía điều tra xác định Bộ Y tế đã không có văn bản yêu cầu Công ty Dược Cửu Long báo cáo, cung cấp chứng từ liên quan đến việc thực hiện điều khoản đàm phán giảm giá trong hợp đồng mua nguyên liệu làm thuốc.

Trong đó, cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang bị xác định giữ vị trí Trưởng ban chỉ đạo giải quyết việc liên quan thuốc Tamiflu và Oseltamivir nên có trách nhiệm kiểm tra các vấn đề phát sinh.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, ông Quang từng kiểm tra, phát hiện Công ty Dược Cửu Long "ỉm" 3,8 triệu USD nhưng lại: "Không chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, làm rõ". Năm 2009, Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu thu hồi số tiền này nhưng ông Quang vẫn không thực hiện dẫn tới thất thoát.

Kết luận điều tra thể hiện, bị can Quang nghĩ: "Kiểm tra tài chính là việc của Thứ trưởng phụ trách tài chính". Bị can Quang cho hay do "bận nhiều việc" nên không đề xuất hay giao đơn vị chức năng kiểm tra tiếp.

Vị này thừa nhận đã thiếu sót dẫn tới không phát hiện "mất" 3,8 triệu USD và "xin tự nguyện khắc phục hậu quả" đồng thời mong "giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi truy tố, xét xử".

Quá trình điều tra, cảnh sát đã đề nghị ngân hàng, văn phòng đăng ký đất đai ở Hà Nội, TP.HCM rà soát và tạm dừng các giao dịch liên quan đến tài khoản, sổ tiết kiệm, nhà đất của bị can Cao Minh Quang.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem