Quét QR biển tên đường tại TP.HCM ra lỗi sai chính tả: Đường 'Lê Duẩn' nhưng giới thiệu nhân vật 'Lê Duẫn'

Hồng Phúc Thứ bảy, ngày 17/10/2020 08:09 AM (GMT+7)
Nhiều người dân thích thú với việc quét mã QR tra cứu tên đường tại TP.HCM. Tuy nhiên, họ cũng góp ý một số vấn đề, trong đó có việc thông tin về tên đường, nhân vật lịch sử bị sai chính tả. Như tên đường "Lê Duẩn" nhưng giới thiệu nhân vật "Lê Duẫn".
Bình luận 0

Vài ngày trở lại đây, nhiều người dân tại TP.HCM bất ngờ và hào hứng khi một số tuyến đường chính tại trung tâm quận 1 như Lê Duẩn, Lý Tự Trọng, Pasteur… có gắn thêm mã QR bên dưới các biển tên đường. 

Dùng điện thoại thông minh quét các mã QR này, người đi đường sẽ tra cứu được thông tin nhân vật, sự kiện được đặt tên cho đường.

Quét QR biển tên đường tại TP.HCM: Tên đường "Lê Duẩn" nhưng giới thiệu nhân vật "Lê Duẫn" - Ảnh 1.

Một số tuyến đường trung tâm quận 1, TP.HCM đã được gắn mã QR để tra cứu thông tin. Ảnh: Hồng Phúc.

Đứng tại góc đường Lê Duẩn - Công trường Công xã Paris, phóng viên Dân Việt, đã trải nghiệm quét mã QR để tìm hiểu tên đường này.

Theo đó, mã QR được gắn ngay bên dưới biển tên đường kèm chú thích: "Thông tin tên đường - Street information". Mã QR này được gắn cao cách mặt đất khoảng 2 mét. 

Đứng cách biển tên đường này khoảng 3 mét, đưa camera của điện thoại thông minh cùng tầm với mã QR, kết quả hiển thị sẽ xuất hiện trong khoảng 2-3 giây. 

Kết quả được trả về là thông tin dưới dạng file ảnh, gồm giới hạn của tuyến đường, lịch sử con đường và tiểu sử của nhân vật lịch sử được đặt tên cho đường.

Quét QR biển tên đường tại TP.HCM: Tên đường "Lê Duẩn" nhưng giới thiệu nhân vật "Lê Duẫn" - Ảnh 2.

Đứng cách biển tên đường 2-3 mét, dùng điện thoại thông minh quét mã. Ảnh: Hồng Phúc.

"Đường Lê Duẩn từ Nguyễn Bỉnh Khiêm đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa dài 1.365 mét, lộ giới 40 mét. Vị trí: Đường nằm trên địa bàn phường Bến Thành và Đa Kao (quận 1)", thông tin về giới hạn tuyến đường được trích xuất sau khi quét mã QR.

Theo đại diện Trung tâm hạ tầng giao thông đường bộ, người dân có thể đứng cách bảng tên đường 4 mét, quét mã ở tầm cao 2 mét hoặc phóng đại camera điện thoại là có thể nhận dạng và tra cứu thông tin. 

Người sử dụng hệ điều hạnh IOS có thể dùng trực tiếp camera chụp ảnh để tra cứu, điện thoại sử dụng hệ điều hành Android, cần thêm phần mềm quét mã QR.

Quét QR biển tên đường tại TP.HCM: Tên đường "Lê Duẩn" nhưng giới thiệu nhân vật "Lê Duẫn" - Ảnh 3.

Cần di chuyển camera để nhận diện mã QR. Ảnh: Hồng Phúc.

Quét QR biển tên đường tại TP.HCM: Tên đường "Lê Duẩn" nhưng giới thiệu nhân vật "Lê Duẫn" - Ảnh 4.

Kết quả trả về sau 2-3 giây. Ảnh: Hồng Phúc.

Thông tin về tên đường do Sở Văn hóa - Thể thao cung cấp và được Sở Giao thông Vận tải cập nhật vào phần mềm quản lý, duy tu đường bộ.

Ghi nhận cũng cho thấy hiện có 6 trục giao lộ được thí điểm gắn mã QR bên dưới hoặc trực tiếp trên biển tên đường, gồm: Lê Thánh Tôn - Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn - Pasteur, Lý Tự Trọng - Pasteur, Lý Tự Trọng - Đồng Khởi, Nguyễn Du - Đồng Khởi và Lê Duẩn - Công xã Paris.

Mã QR giúp người dân tra cứu, tìm hiểu thêm về tên đường tại TP.HCM được nhiều người dân đón nhận nhiệt tình, nhất là với giới trẻ. Tuy nhiên, sau trải nghiệm, nhiều người cũng chỉ ra một số điểm hạn chế cần khắc phục trước khi nhân rộng ra nhiều tuyến đường khác.

Quét QR biển tên đường tại TP.HCM: Tên đường "Lê Duẩn" nhưng giới thiệu nhân vật "Lê Duẫn" - Ảnh 5.

Các tuyến đường khu vực trung tâm TP.HCM cũng được thí điểm gắn mã QR. Ảnh: Hồng Phúc.

Thấy mọi người quét thử mã QR, ông Văn Long - một tài xế xe ôm lâu năm tại trung tâm quận 1, cũng lấy điện thoại ra quét. Ông nhận xét các thông tin này rất hữu ích bởi ở TP.HCM, con đường nào ông cũng nằm lòng, tuy nhiên không phải đường nào cũng rõ thông tin. 

"Tôi thấy mã này hơi nhỏ, may mà tôi cao, đứng vào là ra kết quả ngay, chứ nhiều người thấp quá, hay điện thoại không xịn lắm là chịu thua", ông Long nói.

Thu Lương - sinh viên một trường ĐH tại TP.HCM góp ý mục tiêu hướng đến của các mã QR này không chỉ cho người dân mà còn cho du khách nước ngoài. 

Vì vậy, nên có cả thông tin bằng tiếng Anh để du khách cùng tìm hiểu. Ngoài ra, có thể nâng tầm từ chỉ là thông tin lên các giao diện trực quan và sinh động hơn.

Quét QR biển tên đường tại TP.HCM: Tên đường "Lê Duẩn" nhưng giới thiệu nhân vật "Lê Duẫn" - Ảnh 6.

Thông tin nhận được sau khi quét mã QR tên đường Lê Duẩn: Đường Lê Duẩn, giới thiệu nhân vật lịch sử Lê Duẫn. Ảnh: Hồng Phúc.

"Hiện hầu hết ai cũng có điện thoại thông minh và mã QR cũng rất phổ biến. Quét mã ra thông tin tên đường rất thú vị, hình như cả nước chỉ mới có TP.HCM triển khai đầu tiên. Tuy nhiên, tôi thấy kết quả trả về, nội dung bằng tiếng Việt nhưng sai chính tả nhiều quá. 

Chẳng hạn, 'Thảo Cầm Viên' là tên riêng nhưng không viết hoa, lẫn lộn giữa dấu ngã và dấu nặng trong nhiều từ, nhân vật lịch sử Lê Duẩn lại biết thành 'Lê Duẫn'", anh Anh Khoa (nhân viên văn phòng tại quận 1), nói.

Trong thời gian này, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM sẽ ghi nhận góp ý của các cơ quan, đơn vị và người dân để tiếp tục hoàn thiện trước khi lắp đặt đại trà. Nội dung góp ý có thể gửi về Sở trước ngày 10/11, theo công văn, tổng đài 1022, website và fanpage của đơn vị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem